- Phiên tòa phúc thẩm khép lại, bản án tử hình được giữ nguyên, bị cáo tuổi ngoài đôi mươi bị khóa chặt tay trong chiếc còng số 8. Tia hi vọng mong manh trong đôi mắt người mẹ vụt tắt...

“Con ơi, mẹ phải làm sao?”

Lần thứ ba tôi gặp người mẹ ấy, hai lần ở phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, một lần gặp chị khi tòa lên lịch xử rồi hoãn, vợ chồng chị lại thẫn thờ ra về.

Mỗi lần, gương mặt người mẹ trung niên ấy một khác, ngày càng gầy hơn, rúm ró hơn, nước da vốn trắng nhưng đầy rẫy những nếp nhăn chằng chịt, dáng người nhỏ thó, quắt queo.

Lần nào trên cổ, hai thái dương của chị cũng dính đầy cao dán sau những chặng ô tô đường dài.

Người mẹ quanh năm gắn mình với nương rẫy ở một tỉnh xa tít tận Tây Nguyên ấy từng ấp ủ bao niềm tin, nuôi bao hi vọng khi cho đứa con trai đầu lòng xuống thành phố học ngành Công nghệ thông tin – một ngành rất đỗi cao sang so với thế hệ của chị.

Thế nhưng, niềm tin chưa được đáp, sự hi vọng chưa kịp trở thành nỗi tự hào, chị đã bị quật ngã.

Bị cáo Nguyễn Thanh Trúc


Chị không ngờ ngày lặn lội xuống thành phố không phải ngày con trưởng thành mà là lúc con ra trước vành móng ngựa để nhận sự trừng phạt, trừng phạt vì tội ác đặc biệt nghiêm trọng khi vô cớ tước đoạt mạng sống của một người rồi cướp đi số tài sản họ mang theo. Với một người mẹ, có nỗi đau nào hơn thế?

Sinh viên Nguyễn Thanh Trúc (21 tuổi, quê Kon Tum) – con trai chị là bị cáo trong vụ án “giết người”, “cướp tài sản”. Bốn năm trước, Trúc tốt nghiệp Trung học phổ thông, không thi đậu đại học.

Nghe con trình bày ước muốn trở thành một kỹ thuật viên lập trình máy tính, muốn học tại một trường có tiếng ở Sài Gòn với mức học phí khá cao, nhà nghèo nhưng chị và chồng không thể gạt ngang ước mơ của con trẻ. Họ cho con đi học. Thế rồi…

Tối ngày 22/12/2009, sau khi tranh cãi với anh H.H.D. (một người bạn quen qua mạng trong những lần chơi game) về mối quan hệ với một người bạn gái, Trúc đã dùng dao đâm anh D. gần 20 nhát rồi lấy chiếc xe Airblade, ví tiền bên trong có giấy tờ xe và 28.000 đồng của nạn nhân.

Bán xe được 25 triệu đồng, Trúc dùng để trả tiền nhà trọ, mua quần áo, tiêu xài. Ba ngày sau, Trúc bị bắt.

Tháng 5/2011, tại phiên tòa lưu động, Trúc bị TAND TP.HCM tuyên án tử hình về hai tội “giết người” và “cướp tài sản”. Trúc chỉ kịp gửi lại cha mẹ và gia đình nạn nhân lời xin lỗi, một lời xin lỗi muộn màng.

Nghe con nhận án tử, người mẹ rũ xuống rồi lăn đùng ra đất. Khi chị tỉnh lại, Trúc đã mất hút theo tiếng hụ còi của chiếc xe chuyên dụng dùng để chở phạm nhân.

“Con ơi, mẹ phải làm sao?” – chị gào lên, chẳng có tiếng trả lời, chỉ có thêm những giọt nước mắt của người dưng rơi vì nỗi đau người mẹ chứ không phải vì kẻ tử tù. Cố trấn tĩnh, cha Trúc nuốt nước mắt vào trong vực vợ ngồi dậy tựa vào vai mình.

Tôi định đưa máy ảnh chụp một tấm hình để thấy nỗi đớn đau của người mẹ, nhưng rồi chợt dừng lại.

Thắt lòng nhìn con lần cuối

Ba tháng sau, nghe tin tòa mở phiên phúc thẩm, cha mẹ Trúc lại lặn lội đến tòa. Tìm mãi không thấy bóng con, họ hỏi cô thư ký mới biết phiên tòa bị hoãn, dời lại qua tháng sau chưa biết khi nào xử.

Do bị cáo đã đủ tuổi thành niên nên tòa chỉ gửi thông báo cho bị cáo còn gia đình có thể liên hệ với luật sư bào chữa chỉ định để biết ngày giờ cụ thể, cô thư ký giải thích.

Người đàn ông ngoài bốn mươi nhưng gương mặt già nua, đen đúa. Trong lúc hỏi chuyện, ông cho biết do sức khỏe người vợ quá yếu nên những lần thăm nuôi Trúc ông không cho chị đi vì sợ chị say xe lại xúc động không chịu nổi càng ngã bệnh.

Sau một đêm đằng đẵng trên xe, vượt mấy trăm cây số, mỗi lần xuống chỉ được gặp con được ít phút là hết giờ rồi lại vội vội quay về cho kịp chuyến xe, hôm nay nghĩ tòa xử nên ông phải đưa vợ lên để nhìn mặt con.

Nói rồi, ông cùng vợ lủi thủi ra về trước ánh mắt ái ngại của mấy người xung quanh.

Tại phiên tòa phúc thẩm xử con, người mẹ không khóc. Bao nhiêu nước mắt dường như đã cạn, vợ chồng chị ngồi im lặng trên băng ghế bên trái phòng xử nhìn con, cặp mắt buồn rầu hiện lên tia hi vọng dai dẳng nhưng vốn rất mong manh.

Phiên tòa diễn ra chóng vánh bởi nội dung không có gì thay đổi, Trúc chỉ xin giảm nhẹ hình phạt.

Hiểu được nỗi đau của bậc sinh thành, Viện kiểm sát phân tích: “Bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt để có chút cơ hội trở về với gia đình, giảm bớt nỗi đau thương cho cha mẹ nhưng mức án cấp sơ thẩm đã tuyên là có cơ sở.

Mức án đó sẽ gây đau thương, mất mát cho gia đình bị cáo nhưng người bị hại người ta cũng khát khao được sống, gia đình họ cũng mất mát vô cùng, bị cáo ra tay tới gần 20 nhát dao thể hiện quyết tâm cao, đặc biệt nguy hiểm. Nếu không có biện pháp xử lý nghiêm thì lào sao có thể trấn an, quản lý xã hội?”.

Chấp nhận quan điểm trên, tòa giữ nguyên bản án tử hình. Tia hi vọng mong manh trong đôi mắt người mẹ vụt tắt. Chân tay rã rời, chị được chồng và đứa con còn lại lập cập dìu đi để kịp theo bóng kẻ tử tù.

Lê bước trên những bậc tam cấp, thấy Trúc được dẫn vào phòng lưu phạm chứ chưa bị đưa lên xe tù, ba người trong gia đình vật vờ trước cửa.

Hơn một tiếng đồng hồ trôi qua, quá đuối sức, chị ngồi bệt xuống nền gạch, tựa lưng vào vách tường thở dốc như đang bị cắt từng khúc ruột, đôi mắt đờ đẫn không thôi nhìn về cái cánh cửa màu xanh đang khép hờ nơi góc tối.

Trời quá trưa, mặc bao người qua lại, người mẹ ấy vẫn xiêu vẹo bên ngoài. Lúc này, các bị cáo ở vài phiên tòa khác được dẫn giải vào để chuẩn bị lên xe về trại. Thế nhưng, đợi mãi, đợi mãi, vẫn có vụ án xử chưa xong, các bị cáo trong phòng lưu phạm tiếp tục chờ để được đưa về trại.

Từng thời khắc trôi qua nặng nề, nếu nghĩ đến sự trả giá và những giây phút này của người thân, có lẽ không kẻ thủ ác nào dám gây ra trọng tội!

Mai Phượng