Đua đòi, quậy phá, bị vào tù vì tội cố tình gây thương tích. Ra tù, bằng nghị lực của mình, anh đã hoàn lương, trở thành tỷ phú khi mới chỉ ngấp nghé tuổi đôi mươi. Anh là Nguyễn Phạm Thiên Huy (SN 1984) trú tại 107 Nguyễn Chí Thanh (thành phố Huế).
Gặp Thiên Huy với quần bò, áo gió bạc màu, chân đi dép tổ ong, cách nói chuyện xởi lởi chắc mọi người không thể tin được anh từng là người coi trời bằng vung, phải thụ án tù. Nay anh có trong tay hàng trăm tỷ đồng, làm chủ gần trăm thợ điêu khắc, chạm trổ giỏi, đi xây mới, phục dựng hàng trăm ngôi nhà Rường cổ trong cả nước.
Vào tù vì thích oai
Là con út trong một gia đình khá giả nên từ nhỏ, Nguyễn Phạm Thiên Huy được gia đình hết sức chiều chuộng, đặt nhiều hy vọng. Nhưng chính sự chiều chuộng của gia đình đã làm cho Huy chểnh mảng việc học và nhiễm thói hư tật xấu. Ngay từ những ngày đầu đi học, Huy đã tỏ ra là kẻ bất cần, thường xuyên gây sự với chúng bạn. Không có bạn chơi, Huy càng trở nên lì lợm, ngang ngược hơn. Chán quậy ở trường, Huy nghĩ ra nhiều cách trêu chọc, quậy phá ở địa phương khiến nhiều lần bố mẹ anh phải muối mặt đi xin lỗi hàng xóm.
Dù bố mẹ Huy hết khuyên nhủ đến mắng chửi đến đánh đập, nhưng Huy lại càng tỏ ra lì lợm hơn, quậy phá hơn. "Thời ấy không hiểu sao cứ mỗi lần bị bố mẹ đánh, chửi tôi không cầu xin, bỏ chạy mà cứ đứng đó chịu trận, trong đầu thì nghĩ càng đánh, càng phá. Không những thế tôi còn thích bỏ học mà đi bụi", Huy nhớ lại.
Nguyễn Phạm Thiên Huy |
Dù đã áp dụng đủ các biện pháp để uốn nắn con nhưng không được, gia đình Huy càng chán nản, rồi bỏ mặc cho anh thích làm gì thì làm. Đỉnh điểm của những trò quậy phá, thích đánh người của mình, Huy đã phải trả giá bằng việc ngồi tù 6 tháng với tội danh cố tình gây thương tích.
"Khi tôi đang học lớp 10, chỉ vì một người bạn rủ rê đi rửa hận hộ họ mà tôi đã phải lĩnh án 6 tháng tù giam. Kể từ đó mọi người trong gia đình đều coi tôi như một người bỏ đi, chỉ riêng mẹ là thường xuyên đến thăm và mang cho tôi những quyển sách viết về kiến trúc, đồ cổ, cây cảnh. Lúc ngồi trong nhà đá tôi mới thấm thía câu nói một ngày ở tù, nghìn thu ở ngoài. Nhưng chính trong sự bức bối ở nhà giam đã dạy cho tôi biết bao điều, đó là ước mơ lương thiện, cách nhìn người, cách thức làm già", Huy kể.
Sau khi thụ án 6 tháng trở về quê hương, Huy đã bị từ người thân, bạn bè, xóm giềng xa lánh. Bố mẹ vì chán nản nên chẳng buồn nhìn con, hàng xóm thì ngại dây vào. "Nói thật, ngày ấy thấy mọi người xa lánh, tôi cũng chẳng giận họ, mà ngược lại tôi giận chính bản thân mình. Chính sự xa lánh và nghi ngại của mọi người đã giúp tôi có thêm động lực, quyết tâm làm lại từ đầu", Huy nói.
Biết không gì lấy lại niềm tin của mọi người bằng những việc làm cụ thể, Huy đã bắt tay ngay vào những dự định hoàn lương của mình. Ban ngày Huy đi học, tối lại cặm cụi theo thầy học nghề. "Biết chẳng ai tin tưởng cho mình vay vốn làm ăn lớn ngay nên với chút vốn ít ỏi của mình, tôi tìm cách làm ăn nhỏ mà có hiệu quả ngay. Với kiến thức được học, được dạy, tôi đi khắp nơi tìm mua những cây cảnh về trồng, tạo dáng, sau đó mang đi bán. Tích gió thành bão cho đến khi có số vốn nhất định tôi quay sang buôn chậu cảnh, trâu bò và đồ cổ", Huy kể.
Gian nan đứng dậy sau lỗi lầm
Theo Huy thì để có ngày hôm nay, anh phải nhờ đến việc xây mới và phục dựng nhà rường cổ. Huy chia sẻ: "Nhờ đi khắp nơi mua cây cảnh mà tôi có cơ hội được tiếp xúc với những đường nét chạm trổ tinh xảo trên những ngôi nhà rường ở Huế. Chính việc tiếp xúc thường xuyên này đã khơi dậy trong anh niềm đam mê những nét chạm trổ ấy".
Huy đã đi thu gom tất cả các khúc gỗ từ những nhà Rường bị vứt bỏ về nghiên cứu, tìm gặp những nghệ nhân, những thợ giỏi về chạm trổ để học, tìm kiếm tài liệu để nghiên cứu rồi tự mày mò học cách chạm trổ, lắp ghép... Hơn 2 năm sau, khi tay nghề Huy đã vững thì cũng là lúc phong trào xây nhà rường, phục chế nhà rường để làm kinh doanh của các đại gia trên đất Huế và nhiều địa phương khác nở rộ, thúc giục anh phải thành lập đội thợ của riêng mình. Nói thì đơn giản vậy nhưng để làm được đâu phải dễ vì khi ấy tôi mới 20 tuổi, vốn liếng không có nhiều lại mang tiếng là kẻ ngỗ ngược, từng vào tù ra tội. "Nhiều người khi tôi đến nhà mời về đầu quân cho tôi với mức lương hậu hĩnh nhưng họ đã chỉ thẳng vào mặt tôi mà rằng tau mà phải làm thuê cho mi à?"...", Huy nhớ lại.
Ngôi nhà cổ của Huy |
Với số vốn kha khá trong thời gian buôn cây cảnh, một số thợ giỏi được Huy kiên trì thuyết phục đã nhận lời về làm cho anh. "Thành lập được đội thợ rồi nhưng tôi lại gặp phải khó khăn khác đó là không ai tin tưởng giao cho mình ngôi nhà cổ để cho một người trẻ tuổi phục dựng, không đại gia nào dám bỏ ra cả đống tiền để cho một kẻ tù tội, không được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào như tôi làm. Suy nghĩ mãi cuối cùng tôi đã nghĩ ra cách là đi mua những ngôi nhà cổ, gỗ cũ về phục chế lại, dựng thành khung rồi chụp ảnh đem đi chào hàng cùng với cam kết: "Nếu phục dựng hỏng sẽ bồi thường, làm mới xong nếu không đẹp thì không lấy tiền". Cuối cùng tôi cũng tìm cho mình được những hợp đồng chỉ một vài chục triệu, nhưng chính điều này đã thôi thúc tôi thực hiện điều mình mong mỏi", Huy chia sẻ.
Với phương châm kiên trì, lấy ngắn nuôi dài, làm nhiều nghề, cuối cùng vận may cũng mỉm cười với Huy. Năm 2001, Huy được nhận được hợp đồng xây khu nhà rường Tịnh tâm kim cổ với giá 5 tỷ. Huy vui vẻ kể: "Khi ấy tôi mới chỉ 21 tuổi, hợp đồng nói rõ, khi nào giao chìa khóa mới thanh toán tiền. Ngay sau khi ký được hợp đồng, tôi phải đích thân đến đo đạc khu đất, lên kế hoạch sắp xếp từng khu nhà, khu non bộ, cây cảnh như thế nào. Để giao nhà đúng hợp đồng, tôi đã huy động hơn 200 thợ làm trong 3 tháng thì xong. Khi nhận nhà, thấy bố cục không gian hài hòa, những nét chạm khắc rồng phượng tinh xảo, chủ nhà còn thưởng thêm cho tôi một khoản tiền lớn. Cũng từ đây, tên tuổi của tôi cũng được nhiều người biết đến, những hợp đồng cũng ngày càng nhiều hơn".
Với những công trình lớn ở Huế như chùa Châu Lâm, Diệu Ngộ, Huyền Trân Công Chúa... Huy đã được nhiều người trong cả nước biết đến. Hiện nay, Huy đã mở thêm xưởng mộc ở Quảng Trị, Sài Gòn, Long Xuyên... Nhấp ngụm café, Huy cho biết: "Sau khi xây dựng và bàn giao khu café Lâm Chấn âu với số vốn 5 tỷ, chủ quán lại tiếp tục làm thêm một khu mới với giá 14 tỷ, cho đến nay chúng tôi đã hoàn thành 30% công trình và phấn đấu đến cuối năm sẽ bàn giao. Bên cạnh đó, tôi còn đang triển khai gần chục ngôi nhà trên cả nước".
Hiện nay, Huy đang tạo công ăn
việc làm thương xuyên cho hơn 70 người, trong đó có 17 người tàn tật, gần chục
người từng ở tù như ông chủ. Trong số cựu tù nhân, tại xưởng của Huy có Nguyễn
Văn Thương từng ngồi tù 16 năm tù vì buôn bán ma túy, Trần Văn Chi 12 năm tù vì
đánh người gây thương tích dẫn đến chết người. Huy lý giải: "Sở dĩ tôi nhận
nhiều người tù tội vào xưởng của mình làm là vì tôi cũng từng có những tháng
ngày gian nan, bị mọi người xa lánh nên tôi hiểu họ đang khó khăn như thế nào
khi được trả tự do. Còn đối với người tàn tật thì tôi muốn góp phần giúp họ giảm
bớt những thiệt thòi, cũng như chuộc lại những lỗi lầm mà mình đã gây ra".
Chú Nguyễn Văn Dũng, một người tàn tật đang làm trong xưởng mộc của Huy cho
biết: "Hai chân què cụt, sức khỏe chẳng còn đáng kể, tôi tưởng như cuộc sống của
mình đã bỏ đi. Nhưng nay tôi đã được nhận vào xưởng mộc của anh Huy làm với mức
lương hơn 3 triệu/tháng, gia đình tôi đã ấm áp hơn, con cái tôi không chịu cảnh
đói hay quá thiệt thòi nữa".
(Theo Người đưa tin)