Cổ đeo lủng lẳng chiếc máy ảnh to hơn người, bon chen, lọt thỏm giữa những hàng “súng khủng” của đấng mày râu để cùng săn hình, bấm, nháy... Phía sau hình ảnh của những cô gái say nghiệp ảnh còn có những điều hơn cả niềm đam mê.
“Tránh xa tôi ra, tôi sắp chết rồi đây!”
Cá tính và bản lĩnh là cảm nhận của không ít người trước hình ảnh những cô gái chen chân săn ảnh trong các sự kiện báo chí. Bước vào lãnh địa không dành lợi thế cho phái nữ, trong những khung hình của những “chân yếu tay mền” có những buồn vui, sợ hãi, có những bon chen, giẫm đạp… và cả niềm hạnh phúc cho những những trải nghiệm đáng nhớ.
Kể về lần thoát hiểm trong quá trình tác nghiệp của mình, Yến Hoa (SV Báo ảnh – Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Đó lần đi chụp ảnh lễ phát ấn đền Trần ở Nam Định. Đến khoảng 0h, người ở đâu nhiều vô kể, người ta chen lấn, dẫm đạp lên nhau. Thực sự lúc đó mình chỉ sợ chen lấn xô đẩy làm máy móc bị hỏng hóc. Nhưng sau một hồi kẹt cứng trong đám đông, mình bắt đầu có cảm giác như sắp ngạt thở, sắp ngã xuống. Lúc đó mình không còn biết làm gì chỉ biết hét lên: “Tránh xa tôi ra, tôi sắp chết rồi đây”. Cứ thế, tôi hét đến ba, bốn lần gì đó, rồi tôi khóc.
|
Trong những khung hình của những “chân yếu
tay mền” có những buồn vui, sợ hãi, có những bon chen, giẫm đạp…
và cả niềm hạnh phúc cho những những trải nghiệm đáng nhớ. |
Đã từng bị chủ nhà đuổi đi, đã từng bị xì xào to nhỏ là “cave nữ sinh” vì con gái mà hay đi đêm. Ngọc Dung (ĐH KHXH & NV) tâm sự: “Mình rất thích cảm giác lang thang trong đêm và ghi lại hình ảnh những con người song hành trong bóng tối. Ban đầu nhiều người không biết cũng nghĩ này nghĩ nọ nhưng được sống với niềm đam mê của mình thì không có gì phải xấu hổ”.
Dung cũng thành thật: “Nhưng cũng không bao giờ mình dám hùng dũng vác “súng” đi một mình. Đam mê không có nghĩa là bất chấp mạo hiểm”.
Có một chuyến trải nghiệm trong đêm đầy ý nghĩa nhưng đến phút cuối cùng Yến
Hoa vẫn “xanh mắt” đến thót tim. Hoa bảo: “Cả đêm lang thang quanh Hồ Gươm
với với các bác lái xe ôm và xích lô, đến lúc bình minh, khi mình đang bấm
máy thì một người đàn ông ngoại quốc đang chạy gần về phía mình ôm chặt và
hôn. Mình vô cùng sợ hãi vùng vẫy đạp ra rồi bỏ chạy".
Không học chuyên ngành về báo chí hay nhiếp ảnh nhưng Minh Hằng (ĐH Mở HN)
lại có niềm đam mê đặc biệt với thú săn ảnh. Có lần đi chụp ảnh ở bãi giữa sông Hồng, Hằng đang nheo mắt chuẩn bị bấm máy thì bỗng dưng ở
đâu một đàn chó phải đến chục con, cả to lẫn nhỏ lao ra, sủa inh ỏi và lao
đến.
Vốn cực kỳ sợ chó nên mỗi khi nhắc lại Hằng vẫn còn thấy giật mình: “ Tôi
thất kinh chạy thục mạng, đàn chó bám sau lưng ngày một tiến đến gần. Khi
còn một chút nữa là bọn nó tóm được tôi thì một người đàn ông ở dưới bãi
giữa hét lên “ngồi thụp xuống”.
Tôi không nghĩ được gì nữa, ngồi xuống, không dám động đậy mặc dù lúc đó
chỉ muốn khóc. Thật may khi đàn chó thì vây xung quanh mà không con nào xông
vào cắn”.
Hạnh phúc với nghiệp "súng ống"
Bén duyên với nghiệp “súng ống”, Yến Hoa tâm sự : “Trong một môi
trường làm việc phần nhiều là nam, những bạn nữ sẽ gặp nhiều hơn những khó
khăn, những áp lực và có thể là sự lạc lõng". Tuy nhiên, đằng sau những
câu chuyện "súng ống" đầy bon chen, họ còn có những giây phút lắng lòng.
|
“Phụ nữ làm báo đã vất vả, phóng viên nữ chuyên chụp ảnh lại càng vất vả khó khăn hơn. Nhưng càng đi càng chụp mình lại càng thấy đam mê". |
Đang giữ tay cầm máy cho một tờ báo, chị Kim Anh chia sẻ: “Phụ nữ làm báo đã vất vả, phóng viên nữ chuyên chụp ảnh lại càng vất vả khó khăn hơn. Nhưng càng đi càng chụp mình lại càng thấy đam mê".
Dọc ngang trên những hành trình săn tìm những khuôn hình, hình ảnh những cô gái bụi bặm vẫn xuất hiện giữa một rừng "súng ống" của đàn ông. Trong tay máy của họ đôi lúc có sự ngang tàn, bất cần nhưng đó cũng là lúc họ là chính mình, hết mình với niềm đam mê dẫu lợi thế không thuộc về họ.
Hồng Khanh