Tự hào… nhà nổi
Trong đợt lũ vừa qua, lên rốn lũ Tân Hóa, mọi người dễ nhận thấy có một sự khác biệt mà ở nhiều vùng lũ khác không có. Đó chính là những chiếc “nhà nổi” dựa trên nguyên lý “nước lên đến đâu, nhà nổi lên đó.”
Theo như lời của Chủ tịch UBND xã Tân Hóa Cao Văn Lục, trong hai trận lũ vừa qua, xã Tân Hóa đã chủ động tốt trong việc đối phó với lũ lụt, hạn chế được thấp nhất thiệt hại về người, tài sản là nhờ có 260 ngôi nhà nổi.
Ngôi nhà nổi hoàng tráng nhất trị giá 15 triệu của vợ chồng anh Thái Xuân Lực và Trương Thị Dáng ở thôn 3 Cổ Liêm. Ảnh: Trần Văn |
Những chiếc nhà nổi được làm từ 4 – 12 thùng phuy với kích thước lớn nhỏ khác nhau. Trên những chiếc phuy đó, người ta đặt ván gỗ lên thành sàn, xung quanh có cọc cố định từ sàn ván. Bên trên lợp tranh, hoặc che bạt để bỏ tài sản lên mưa không bị ướt.
Với những chiếc bè nổi đó, tùy to, nhỏ khác nhau mà số tiền làm cũng khác, thường giao động từ 4 – 15 triệu. Trong chiếc bè đó người ta sẽ chất lên đồ đạc như; Ti vi, xe máy, xe đạp, lúa, ngô…thậm chí với những nhà tốn kém, rộng rãi thì người vẫn có thể ở được, nấu ăn, sinh hoạt ngay trên đó.
Trong số 260 nhà nổi của toàn xã thì ngôi nhà của vợ chồng anh Thái Xuân Lực, chị Trương Thị Dáng tại thôn 3 Cổ Liêm là hoành tráng nhất, được mọi người tán tụng, ca ngợi nhiều nhất với chi phí 15 triệu đồng. Một số tiền không hề nhỏ đối với người dân nghèo nơi rốn lũ này.
Chị Trương Thị Dáng tự hào với ngôi nhà nổi rộng rãi. Gia đình chị có thể sinh hoạt được ngay trong đó và bỏ hết tài sản vào mà không sợ nước ngập. Ảnh: Trần Văn |
Chiếc nhà nổi của anh Thái Xuân Lực có kích thước khá rộng, khoảng trên 12m2, được kết từ 12 thùng phuy lớn, sàn làm ván chắc chắn, cột trụ vững chãi, xung quanh thưng ván đẹp, bên trên lợp tôn chứ không phải che bạt, hay lợp tranh như những chiếc nhà nổi khác.
Ngồi trong chiếc nhà nổi đắt giá nhất vùng rốn lũ, sắp xếp lại một số vật hàng vặt cho gọn gàng, trong khi đứa con gái của chị vẫn nằm ngủ ngon lành bên cạnh, chị Trương Thị Dáng (31 tuổi) tự hào:
“Nhà em buôn bán có nhiều hàng nên phải làm cái nhà này khá rộng để bỏ hàng hóa không bị ướt, hư hỏng. Cũng tốn kém lắm, hết đến 15 triệu, nhưng được cái rộng, thoải mái, nấu ăn, ngủ nghỉ được ở đây luôn. Nước có ngập cao mấy cũng không sợ nữa.”
Những chiếc nhà nổi còn lại của nhiều gia đình khác thì kích thước bé hơn, cũng đơn giản hơn nên tốn khoảng 3- 4 triệu nhưng cũng đủ để cất giữ xe máy, ti vi, ngô, sắn…những đồ dùng gọn nhẹ trong gia đình để không bị ướt khi ngập lụt.
Theo như tìm hiểu của chúng tôi, những gia đình kinh tế khá, có nhiều vật dụng có giá trị trong nhà thì thường đầu tư làm những chiếc nhà nổi lớn hơn, gia đình khác ít tài sản thì làm những chiếc bè đơn giản, ít tiền.
Mục đích của người dân khi làm nhà nổi cơ bản là để bảo quản tài sản không bị ướt, bị thiệt hại chứ cũng chưa thể đầu tư số tiền lớn làm nhà nổi để người có thể sinh hoạt được trong đó. Khi lụt lớn, người sẽ chạy lên lèn đá.
Sẽ nhân rộng mô hình
Với phương châm sống chung với lũ, đặc biệt là sự “góp mặt” của 260 nhà nổi, người dân rốn lũ Tân Hóa trong đợt lũ vừa qua đã giảm thiểu được thiệt hại về tài sản.
Nói về mô hình này, ông Cao Văn Lục Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết: “Nhà nổi đúng là có tác dụng rất lớn, giúp người dân chủ động, nhanh gọn, bảo quản tốt tài sản, giảm thiệt hại rất lớn.”
Một chiếc nhà nổi khác ở thôn 4 nhỏ hơn cũng đủ để bảo vệ cho những tài sản giá trị lên đó. Ảnh Trần Văn |
Tuy nhiên, ông Lục cũng đang trăn trở, số lượng nhà nổi hiện vẫn còn ít, mới có 260 chiếc trên tổng số 639 hộ dân. Xã sẽ tuyên truyền, vận động để bà con tiếp tục làm nhà nổi giảm thiểu thấp nhất thiệt hại mỗi khi mưa lũ về.
Chiếc nhà nổi này cũng được làm rất kín đáo, gần nhà nên việc chuyển tài sản từ nhà chính sang nhà nổi là rất nhanh. Ảnh Trần Văn |
Ông Đinh Quý Nhân Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: “Mô hình nhà nổi ở xã Tân Hóa là một sáng tạo rất có ý nghĩa. Đó chính là biểu hiện của phương châm “sống chung với lũ.”
Chúng tôi sẽ chỉ đạo địa phương này tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục làm nhà nổi. Những trường hợp khó khăn, huyện sẽ hỗ trợ cho một phần kinh phí để phấn đấu trong năm 2012, 100% hộ dân ở Tân Hóa đều có nhà nổi.”
“Xã Tân Hóa có diện tích 7247 ha, nằm lọt trong thung lũng với 3 bề là núi đá. Cứ mỗi khi mưa lũ là nước dồn dập từ Thượng Hóa, Trung Hóa đổ về, từ Tuyên Hóa, Quy Đạt đổ sang. Trong khi chỉ có một cửa hang đá có tên Rục Cái rất hẹp để thoát nước nên ngập lụt là điều khó tránh.
Hiện chúng tôi đã đề xuất hai phương án. Một là phá hang đá để thoát lũ, hai là di dời dân lên vùng cao. Nhưng cả hai phương án này không khả thi. Vì quá tốn kém, lại khó triển khai. Nên chúng tôi chọn phương án chấp nhận “sống chung với lũ ” Ông Cao Văn Lục Chủ tịch xã Tân Hóa cho biết.
|
Trần Văn – Duy Tuấn