TĐC thủy điện sông Tranh 2 chưa ấm chỗ, chủ đầu tư lại rốt ráo lập dự án xin khảo sát để làm thêm hai nhà máy thủy điện nữa ở Trà Bui. Tức tốc, Trà Bui gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam dừng khảo sát và không cấp phép.

Chặt rừng xong rồi… để đấy

Đích thân PGĐ BQL rừng phòng hộ sông Tranh cùng cán bộ kiểm lâm chốt tại Trà Bui dẫn chúng tôi đi thực tế tình trạng phá rừng làm rẫy ở Trà Bui.

Từ trung tâm xã vào thôn 5 – thôn nằm hoàn toàn trong lâm phận mất chừng bốn cây số, đường cấp phối trơn truồi truội. Ở Trà Bui có hai con sông chính: sông Bui và sông nước Nác. Với tiềm năng thủy điện lớn, nó là điểm nhiều chủ dự án muốn “nhòm ngó”.

Qua vài khu tái định cư mọc lơ thơ ven đường, và nằm lẻ loi giữa rừng, những vạt rẫy nham nhở bắt đầu xuất hiện giữa màu xanh bạt ngàn của rừng già.

Ông Hiền không ngần ngại bảo: vài năm trước nó vẫn là rừng, bây giờ nó bị dân đốn hạ để trồng lúa theo hình thức tra tỉa, năng suất rất thấp vì hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước trời.

Theo một cán bộ BQL rừng phòng hộ sông Tranh, thủy điện sông Tranh 2 đã làm một khúc sông Tranh dài cả chục km thường xuyên bị thiếu nước, trơ lòng trông một thời gian dài. - Ảnh: K.Trung
 

Chúng tôi để xe máy lại ven đường để lội qua con suối nước Nác. Cơn mưa rừng lây rây báo hiệu một chuyến đi vất vả. Con đường mòn nhão nhoét đất dẫn chúng tôi đi qua những vạt rẫy: những gốc cây lớn một vòng tay ôm cao chừng hơn một mét chưa kịp chết hẳn, vẫn còn những đọt xanh mọc lên yếu ớt.

Bên dưới, những thân cây bị bỏ lại, có những thân cây bị đốt cháy nham nhở, hoặc bị ném xuống chân đường, ném xuống lòng suối… Có những cây đường kính gần 1m, dài vài chục mét bị cưa đổ nằm vắt từ mé đồi sang tít bên kia mép suối, bị cưa máy xẻ thành tức khúc ngọt lịm như những xắt giò.

“Lâm tặc” không ai khác chính là những người dân tái định cư xã Trà Bui, và họ chặt rừng, phá cây chỉ để lấy đất làm rẫy, cây không được xẻ mang về để mua bán trao đổi. Sau một thời gian, khi những thân cây đó chết khô, nó sẽ trở thành… củi đun.

Đó là những hình ảnh không hiếm gặp trước cửa các nhà dân, những đống củi xếp cao đủ để đốt qua mấy mùa đông, hay những khúc gỗ tròn trông ngon lành như khúc giò bị phanh ra làm củi.

Dân tích trữ gỗ để làm củi đun cho cả một năm. - Ảnh: K.Trung
 

Hơn một giờ đi bộ lầm lũi dưới mưa rừng, anh Hiền là người “nản” sớm nhất: “đi mãi cũng thế thôi, dân vào sâu lõi rừng chặt rừng làm rẫy nhiều lắm rồi. Ở đây, họ làm lén lút nên chọn những vùng càng sâu càng tốt, và làm âm thầm, khi chúng tôi lên đến nơi thì dân đã rút hết, không còn ai để xử lý cả!”.

Để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất cho người dân tái định cư Trà Bui, chủ đầu tư thủy điện sông Tranh 2 xin được… phá hơn 700ha rừng để lấy đất. Tuy nhiên, Quảng Nam đã từ chối đề nghị này vì lý do: thủy điện sông Tranh 2 đã “ngốn” quá nhiều đất rừng (2.200ha đất rừng để thực hiện dự án).

Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Sỹ bức xúc trên báo: “Bao nhiêu đất đai, diện tích rừng đã bị lấy làm thủy điện rồi, giờ lại xin phá rừng lấy đất canh tác nữa thì quá vô lý, không chấp nhận được”.

Đất canh tác hiện có ở Trà Bui, ngoài phần diện tích đất canh tác của 200 hộ dân ở đây từ trước, phần diện tích đất giao cho dân kèm theo quy hoạch TĐC, còn lại là đất rẫy có được từ việc phá rừng.

Một vạt rẫy như thế này, bà con chỉ trồng tỉa một vụ, sau đó bị bỏ hoang chờ có mùn mới tiếp tục tra tỉa tiếp. - Ảnh: K.Trung

 

Bất chấp thực tại đó, mới đây, Công ty CP thủy điện Sông Thanh lại xuống khảo sát để xin cấp phép triển khai hai dự án thủy điện sông Bui (5,4MW) và sông Nước Nát (5MW) nằm trên địa bàn thôn 1, 2, 3. Ngay khi nhận được thông tin này, người dân ở các thôn nói trên đã tổ chức họp phản đối dự án trên.

Chủ tịch xã Trà Bui Đinh Văn Xuân cho biết: toàn xã chỉ còn vài ha đất dọc theo sông Bui, sông Nước Nát là tương đối bằng phẳng, gần nguồn nước và đang được quy hoạch để làm vùng trồng trọt cho dân.

Nếu triển khai thêm hai dự án thủy điện nữa thì Trà Bui không còn đất canh tác, và nhiều hộ dân sẽ phải nằm lọt thỏm giữa hai nhà máy thủy điện. Chỉ cần một cơn mưa vừa Trà Bui đã thành một khu vực ngập nước bị cách ly cả tuần trời, nếu xảy ra lũ quét thì toàn bộ Trà Bui bị xóa sổ là một điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Ngày 22/3/2010, UBND xã Trà Bui có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị dừng khảo sát và không cấp phép cho hai công trình này.

Trao đổi trên báo Tuổi trẻ, chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, ông Nguyễn Thanh Vân nhận định: nhiều vấn đề bất cập của thủy điện Sông Tranh 2 như thiếu đất sản xuất, chưa thực hiện xong đền bù giải tỏa... mà nay lại có ý định cho triển khai thêm hai dự án thủy điện ở Trà Bui sẽ gây bất ổn trong đời sống nhân dân.

“Cái cũ còn để lại nhiều hậu quả tai hại thì đã triển khai dự án thủy điện mới là hoàn toàn không phù hợp” - ông Vân nói.

Theo ông Vân, quan điểm của địa phương không phải tất cả thủy điện đều gây hại, nhưng những công trình nào gây xáo trộn lớn cho đời sống người dân, mất đất sản xuất, mất rừng... thì nhất quyết không thể triển khai.

Không có vị trí nào hợp lý hơn!

Trao đổi với VietNamNet, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, ông Trần Anh Tuấn cho biết: quy hoạch TĐC tại xã Trà Bui hoàn toàn hợp lý và không còn địa điểm nào hợp lý hơn.

Ông Tuấn giải thích: địa điểm đặt TĐC của xã Trà Bui bây giờ, trước đó đã có chừng 200 hộ dân gốc của xã Trà Bui đã định cư ở đó sẵn; mặt bằng rộng thuận lợi xây dựng hạ tầng; huyện cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống trường học, trạm y tế… ở Trà Bui, nên việc đưa dân TĐC đến địa điểm mới là hoàn toàn có cơ sở.

Chủ tịch xã Trà Bui: “Bà con biết phá rừng là sai, nhưng không phá rừng thì bà con bị đói vì không có đất trồng lúa!”.
 

Về việc người dân TĐC không có đất sản xuất nông nghiệp, ông Tuấn khẳng định: mỗi hộ dân được giao 1,5ha đất sản xuất nên không có việc dân thiếu đất canh tác. Việc dân phá rừng làm rẫy là do tập quán canh tác du canh du cư của đồng bào từ trước đến nay. BQL rừng phòng hộ sông Tranh không giữ được rừng là trách nhiệm của chủ rừng.

Ông Trần Anh Tuấn khá gay gắt: “Nếu các anh (BQL rừng phòng hộ sông Tranh) không giữ được rừng thì trả lại để nhà nước giao cho đơn vị khác quản lý".

Thủy điện mọc lên, cây rừng ngã xuống. - Ảnh: K.Trung
 

Mâu thuẫn với những thông tin ông Tuấn đưa ra, lãnh đạo xã Trà Bui, lãnh đạo BQL rừng phòng hộ sông Tranh đều khẳng định: dân không đủ tư liệu sản xuất, nơi TĐC mới lại nằm trong lâm phận rừng phòng hộ, nên việc đưa dân vào sống trong rừng là một nghịch lý chưa từng có từ trước đến nay, nó không khác gì câu nói đùa “thả lâm tặc vào rừng”.

Trong lúc “huyện bảo: có”, “xã quả quyết: không”, chủ rừng loay hoay và bất lực giữ rừng thì rừng phòng hộ sông Tranh vẫn tiếp tục bị phá.

Trớ trêu nhất, những vạt rừng già bị chặt bỏ chỉ để lấy đất tra tỉa lúa đúng một vụ, sau đó bị bỏ hoang chờ vài năm sau mới tra tỉa tiếp.

“Nhà nước có xử lý chúng tôi về tội không giữ được rừng tôi cũng xin về hưu, chứ không biết làm thế nào được!” – GĐ rừng phòng hộ Sông Tranh Đoàn Tất Chẩn thở dài não nuột.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam về kết quả rà soát quy hoạch mạng lưới thủy điện vào cuối tháng 3-2010, cơ quan chức năng đã cho phép giãn thời gian thực hiện dự án thủy điện sông Bui, sông Nước Nát để kiểm tra lại ảnh hưởng của dự án đến khu tái định cư, định canh Trà Bui.

Tại kỳ họp lần thứ 23 HĐND tỉnh Quảng Nam (ngày 21/4/2010), vấn đề này tiếp tục được đưa lên bàn nghị sự. Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam khi đó, ông Nguyễn Văn Sỹ khẳng định trên Tuổi trẻ: “Chính quyền huyện Bắc Trà My và người dân đều đề nghị xin dừng dự án này. Quan điểm của HĐND tại kỳ họp này cũng đề nghị UBND tỉnh cho dừng triển khai hai dự án này, không đưa vào quy hoạch vì ảnh hưởng quá lớn đến dân sinh”.


Kiên Trung