Quặng thu mua, khai thác trái phép được tập kết đến những địa điểm nào trước khi bị tuồn sang bên kia biên giới?

 

Sản xuất phân lân, sao tập kết quặng thô?

Trong chính sách quản lý, cấp phép khai khoáng nói chung và ở Cao Bằng nói riêng, để tránh việc doanh nghiệp khai thác quặng xuất thô hoặc xin mỏ rồi để đó… xí phần, một dự án khai thác mỏ được phê duyệt thường đi kèm với dự án nhà máy chế biến sâu.

Quy chế này dù còn nhiều kẽ hở nhưng ít nhiều nó cũng có những tích cực nhất định. Nó đã ngăn chặn được tình trạng mua gom quặng thô công khai giữa ban ngày, thay vào đó người ta thu gom, tập kết quặng thô một cách dè dặt và có phần… lén lút hơn.

Công ty TNHH Quang Minh sản xuất phân lân kiêm luôn tập kết quặng thô.

 
Nhà máy sản xuất sắt xốp Mirex là dự án chế biến sâu của Cao Bằng. Nguyên liệu đầu vào cho nhà máy được thu gom trong tỉnh, và có hẳn một bãi tập kết, sàng tuyển quặng thô. Tuy nhiên, dân trong nghề khẳng định, nếu như anh đi mua quặng về luyện mà không phải quặng do trực tiếp mình khai thác thì chỉ có nước… lỗ.

Bởi lẽ, “ăn” nhất của khai khoáng, đó là đào quặng lên bán ngay, vì… tiền tươi thóc thật. Nếu bán nội địa thì lãi mỏng hơn, nếu bán được cho Trung Quốc thì lợi nhuận lớn hơn, vì Trung Quốc thu mua giá cao hơn so với giá trong nước.

Cùng một cụm với nhà máy sắt xốp Mirex là Cty TNHH Quang Minh có trụ sở đóng tại thôn Khau Đồn, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An (Cao Bằng) với các ngành nghề sản xuất phân lân tổng hợp N-P-K, phân lân phốt phát; ván MDF, ván ghép thanh, ván cốp-pha (bằng gỗ dán) – những lĩnh vực không liên quan gì tới… quặng, nhất là quặng sắt.

Những bãi quặng khổng lồ tập kết bên trong nhà máy sản xuất lân Quang Minh.
 

DN này có mặt bằng khá rộng lên tới hàng trăm ha, nằm ở vị trí “cửa ngõ” thị xã và “chốt” lối ra vào từ huyện Nguyên Bình; các xe chở quặng từ Đạo Đức, Triệu Nguyên, Hoàng Tung… muốn vào thị xã đều phải qua đây; những đoàn xe chở quặng thô từ mỏ sắt Bó Lếch (xã Hoàng Tung) cũng phải qua “chốt” này, vì đây là con đường độc đạo.

Toàn bộ mặt bằng của công ty này được rào bằng dây thép gai mắt cáo. Chỉ duy nhất cổng ra vào được bưng tôn kín mít, cao chừng 4 mét. Thế nhưng, đằng sau bức tường tôn này là bạt ngàn những đống quặng thô được trải dài dễ đến trăm mét, ước chừng cả trăm tấn quặng.

Đi sâu vào bên trong, có cả hệ thống sàng tuyển thủ công làm nhiệm vụ tách quặng ra khỏi đất.

Người bạn đồng hành đi cùng tôi thắc mắc: tại sao công ty sản xuất phân đạm, ván ép lại chứa quặng?

 

Câu trả lời được đưa ra vào 23h tối: nhiều xe chở quặng tải trọng 8 tấn mà chúng tôi gặp trên các xã dọc đường vào Tĩnh Túc, Nguyên Bình đều chậm chạp ghé vào đây. Chiếc xe BKS 11C – 001.80 “ăn quặng” ở điểm xã Thể Dục tiếp giáp với thị trấn Nguyên Bình chiều tối ngày 28/9 mà tôi đã gặp cũng tấp vào đây tập kết.

Đây là một trong những điểm tập kết quặng vào loại lớn ở Cao Bằng, trước khi quặng thô được chở qua biên giới bằng những xe có tải trọng lên đến 80 tấn/xe.

Có bao nhiêu bãi tập kết quặng?

Câu trả lời: không liệt kê được hết. Tuy nhiên, con số những bãi quặng tập kết khá công khai mà ai cũng biết lên đến cả chục bãi. Mặt bằng của cty sản xuất phân đạm Quang Minh là một trong những bãi quặng như thế.

Nếu như những chợ quặng lưu động họp sầm uất với tần suất dày đặc dọc trục đường 34 từ điểm xã Vũ Nông qua thị trấn Tĩnh Túc đến xã Đạo Đức (huyện Nguyên Bình) thì không ít bãi quặng thô được tập kết ở phần rìa thị xã. Đây là những điểm trung chuyển trước khi xuất lậu quặng thô qua đường biên.

Bãi tập kết quặng thô tại Km5, phường Đề Thám, Thị xã Cao Bằng.
 

Trở lại cuộc hành trình theo chiếc xe tải trọng lớn từ bãi quặng Bó Lếch đi ra theo hướng đường 3 cũ (vào đêm 29/9), chúng tôi biết thêm bãi tập kết quặng tại cây 5. Đây là điểm tập kết quặng của một DN Thái Nguyên lấy quặng từ mỏ sắt Ngườm Cháng, sau đó chở về nhà máy chế biến sâu dưới Thái Nguyên.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, DN này đã ngừng hoạt động. Địa điểm này được người ta thuê lại.

Lối vào bãi tập kết này nằm sát gara mua bán ô tô Hiền Tuyết (Km5, phường Đề Thám, thị xã Cao Bằng). Vòng theo con đường xóm dẫn ra cánh đồng, một người dân chỉ tôi cách tiếp cận bãi quặng từ phía đằng sau, sau khi phải lội qua những ruộng lúa đang bắt đầu vào đòng, bùn nhem nhép chấm mắt cá chân.

Bãi quặng được che chắn bằng bờ tường rào cao vượt đầu người, có những tán cây chắn rất khó để có thể quan sát từ ngoài vào. Ba, bốn bảo vệ có đèn pin cá nhân thay phiên đi tuần, cùng vài bóng điện thắp sáng ở những góc tối.

Đây là điểm tập kết quặng rất lớn, đồng thời cũng là một trạm cân. Chiếc xe chở quặng mà chúng tôi bám theo rẽ vào bãi quặng, sau khi đi qua bàn cân, chừng 15 phút sau lại tiếp tục khởi hành, hướng về phía thị xã.

Đây là đường đi duy nhất để sang các cửa khẩu Tà Lùng, Pò Peo, Hùng Quốc… như đã nói.

Bãi quặng tại một đại lý ở thị xã Cao Bằng.
 

Buổi trưa ngày hôm sau, chúng tôi quyết định quay trở lại điểm tập kết quặng Km5 phường Đề Thám nói trên. Một ngôi nhà sàn khá rộng đã xuống cấp quay lưng ra phía mặt đường, tạo thành một bức bình phong chắn toàn bộ khoảng sân rộng bên trong.

Trong sân, còn chừng vài chục tấn quặng chất cao nghễu nghện, kế trái là bàn cân 80 tấn chuyên dụng. Có thể, đêm qua số quặng này chưa chở hết nên còn sót lại. Nó sẽ tiếp tục được mang đi tiêu thụ khi những đống quặng trong sân tiếp tục đầy lên.

Đối diện với bãi tập kết này, ngay phía bên kia đường là một ô đất trống rộng chừng 4-500m2, có cửa tôn quây kín. Qua cánh cửa bị cong vênh tạo thành một khe rộng vừa đủ để một cháu bé 10 tuổi chui lọt, quan sát thấy những đống quặng khổng lồ đang nằm im bất động.   

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, ông Nguyễn Hoàng Anh: “Điểm tập kết quặng tại cty sản xuất phân đạm Quang Minh, tỉnh đã chỉ đạo lập biên bản xử lý!”

Từ bãi quặng trá hình này chạy thẳng theo đường mới, qua ngã tư chừng 2km, một khu đất rộng cả ngàn m2 cũng được quây tôn kín mít.

Cảm giác của chúng tôi lúc này là sự thờ ơ, bởi một lẽ, kiếm cớ vào tìm một người bạn, hình ảnh bắt gặp không gì khác ngoài những đống quặng chất cao như núi ở bên trong.

Kế đó, bên chiếc lán lợp ngói pro, ba - bốn thanh niên đang cặm cụi sửa chiếc đầu máy, trễ nải chằng thèm dè chừng. 

Như thế, tính những điểm quặng mà chúng tôi trực tiếp nhìn thấy, xung quanh thị xã Cao Bằng đã có tới 5 điểm tập kết quặng thô.

Từ những bãi quặng này, những chiếc xe tải trọng 80 tấn (gồm cả trọng lượng xe) có nhiệm vụ đưa quặng sang các cửa khẩu của các huyện vùng biên – và dù có đi theo cửa khẩu nào, Tà Lùng, Pò Peo hay Hùng Quốc, tất cả các xe quặng trên đều phải đi qua cửa ngõ thị xã Cao Bằng.

Kiên Trung

(còn nữa)