- Từ nhiều năm nay, học sinh vùng cao thuộc xã Hùng Việt vẫn phải đi bè mảng vượt sông đến lớp. Đã nhiều lần nhân dân địa phương “kêu cứu”, nhưng ước mơ về một cây cầu “nho nhỏ” cho các cháu vẫn mãi không thành hiện thực.

Chông chênh đường đến trường

Đoạn sông Kỳ Cùng đi qua xã Hùng Việt (Tràng Định – Lạng Sơn) giao với sông Văn Mịch là điểm ngã ba sông hết sức nguy hiểm bởi nước sâu, tiết diện sông rộng.

Cuộc sống người dân xã Hùng Việt, nhất là những thôn ở bờ bên kia càng thêm khó khăn vì bị sông chia cách. Phương tiện duy nhất để họ vượt sông là những chiếc bè mảng, được ghép từ những thân gỗ nhỏ.

 
Những chiếc bè như thế này là phương tiện vượt sông duy nhất suốt nhiều năm nay

Xã có 5 thôn nằm ở bên kia sông và có tới 4 bến đò đơn sơ là các bến đò Khuẩy Khòn, Phạc Ràng, Pác Cáp và Phiêng Chuông.

Người dân không có phương tiện đi lại nào khác, chỉ biết góp thóc gạo cho một người thạo sông nước trong bản làm “người lái đò”.

Cũng vì cách trở như vậy nên con đường đến trường của học sinh nơi đây gặp phải muôn vàn khó khăn.
 

 
 
Học sinh tấp nập ở "bến đò" từ sáng sớm để kịp giờ vào học

 
“Không sợ đâu. Chỉ sợ ngày lũ thôi. Ngày lũ thì em phải nghỉ học.”


Đến bến Khuẩy Khòn vào sớm tinh sương, PV đã thấy một nhóm học sinh đứng đợi bè để sang sông. Một nhóm khoảng  5- 7 em líu ríu cùng lên một chiếc bè. Có em vừa cặp sách, vừa bế em nhỏ, có em lại dắt thêm xe đạp.

“Không sợ đâu. Chỉ sợ ngày lũ thôi. Ngày lũ thì em phải nghỉ học” – em Mai Thị Hoa, học lớp 3 tường THPT Hùng Việt nói. Hoa và nhiều bạn bè em không sợ, vì đi như thế quen rồi. Hơn nữa, có sợ thì cũng chẳng còn cách nào khác để tới trường.

Cô bé Đàm Thị Hồng Nhung – học lớp 9 cười khi được hỏi, đã bao giờ em “gặp nạn” vì đi bè như thế này chưa.

“Mới lần trước em bị ngã rơi cả người cả xe xuống, may mà không sao. Nhiều bạn cũng bị rơi rồi. Hễ trời mưa to, hoặc tầm tháng 7, tháng 8 là chúng em hay phải nghỉ học vì nước sông lên cao, không dám đi bè qua” – Nhung nói.
 

Người lớn, trẻ con chênh vênh giữa dòng nước lớn

 
Qua sông rồi, các em còn phải vượt qua một quãng đường dốc núi dài 5 - 6 km mà chốc chốc các em lại phải dừng dắt xe để lên, xuống dốc.


Cô Đoàn Thị Lý – hiệu trưởng Trường PTCS Hùng Việt chia sẻ: “Trường có 366 học sinh cả ba cấp và mầm non. Nhà trường rất đau lòng về việc các em phải vượt sông đi học từ nhiều năm nay. Cứ vào mùa mưa là rất nhiều học sinh phải nghỉ học.

Thậm chí, chỉ chỉ cần mưa một, hai trận to là khoảng 30% học sinh phải nghỉ học rồi. Nhiều khi mưa lớn, đang giữa giờ học bố mẹ lại điện đến xin thầy cô cho các cháu về sớm kẻo nước dâng không về được nhà.

Mỗi lần gián đoạn như thế trường lại phải tổ chức dạy bù vào thứ bảy, chủ nhật. Chúng tôi tha thiết yêu cầu là cấp trên xem xét, giải quyết giúp đỡ cho các cháu có được cây cầu nho nhỏ, cầu treo thôi, để cho các em được đi học thuận lợi hơn”.

Cầu… hi vọng?

Khi được PV hỏi về chuyện chèo bè qua sông, những dân xã Hùng Việt chỉ biết cười rồi lắc đầu.

“Trước cũng có nhà báo đến đưa tin, phỏng vấn lên cả ti vi rồi đấy. Nhưng cầu thì vẫn chẳng thấy đâu, vẫn phải đi bè qua sông” – anh Vi Chung Giai, lái đò bến Phạc Ràng nói.

Với anh Giai và với nhiều người dân, hi vọng có một cây cầu treo nho nhỏ để tiện đi lại vẫn chỉ là hi vọng.

“Trước chúng tôi dùng chèo, sau đó thì xã họ làm giúp cho một sợi dây thép chăng qua để bám vào rồi kéo bè sang, tiện hơn mà cũng bám vào đi cũng thấy đỡ sợ hơn” – anh Giai nói.

Vậy là sau mấy năm trời đề xuất, kiến nghị, sợi dây thép là sự hỗ trợ duy nhất mà xã nghèo này kêu gọi được.
 

Một pha nguy hiểm

 
Nhiều người dân đôi khi còn tự "đu dây" chèo bè qua sông


Ông Hà Văn Thiết – Phó Chủ tịch xã Hùng Việt cho hay: “Hầu như kì họp cử tri nào chúng tôi cũng kiến nghị lên trên. Xây cầu cầu thì vượt ngoài tầm kinh phí của địa phương, nên dù mong mỏi đến mấy, chúng tôi cũng đành chịu, chỉ có thể tự khắc phục được chút ít thôi. Mong sao đài báo tác động khẩn trương để giúp đỡ để nhân dân địa phương có được một cây cầu!”.

Theo ông Nguyễn Hữu Chiến – Chủ tịch UBND Huyện Tràng Định, việc xây cầu là cần thiết, nhưng chưa phải là “quá cấp bách” trên địa bàn tỉnh vì chỉ có vài thôn nhỏ ở bên kia sông, “cơ quan hành chính của xã thì cũng ở bên này hết rồi”.

Ông chiến nói: “Qua những kì tiếp xúc cử tri, nhân dân đề xuất thì huyện cũng đã đề nghị lên tỉnh về việc xây cầu. Nhưng xây một cây cầu hàng chục tỉ đồng trở lên, với khả năng ngân khách của địa phương thì không đủ khả năng. Không riêng cây cầu ấy mà còn nhiều cây cầu, con đường khác bức bách hơn… nên chúng tôi ưu tiên những công trình bức bách hơn, những công trình có hiệu quả xã hội cao hơn”.

“Về tổng thể quy hoạch giao thông địa phương thì chưa đưa quy hoạch cây cầu này vào… Toàn bộ hệ thống giao thông huyện Tràng Định đã được quy hoạch, nhưng chưa nhắc tới cây cầu này” – ông Chiến cho biết.



Quỳnh Anh