Lần lượt những vụ tai nạn thảm khốc, thương tâm vì sử dụng ga bất cẩn dẫn đến cháy nổ khiến các bà nội trợ phải rùng mình "không cẩn thận có ngày đến lượt nhà mình".

Một chút sơ sẩy là...bùm

Vụ nổ ga xảy ra sáng 3/11 tại nhà dân ở ngõ 22 Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng, Hà Nội khiến một ngôi nhà hai tầng bị sập, 2 cháu bé bị tử vong và hai vợ chồng bị bỏng nặng một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng ga không an toàn.

Sẻ chia, thương xót cho gia đình xấu số, các bà nội trợ không khỏi rùng mình khi nghĩ đến "cái bếp ga nhà mình".

Chị Hà Ninh (32 tuổi, nhân viên lễ tân công ty xây dựng Việt Đức) bàng hoàng: "Đọc tin vụ nổ bình ga xong thấy bủn rủn cả chân tay, thương hai con quá. Hậu quả thật đau lòng và do lỗi của người lớn chúng ta. Chỉ vì thiếu hiểu biết, thiếu cẩn trọng mới nên cơ sự này".
Tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào khi chúng ta bất cẩn
"Nhà nhà sử dụng ga, người người sử dụng ga mà chưa thấy ai đứng ra hướng dẫn dùng ga an toàn. Bên kinh doanh gas làm ăn ẩu thì chớ, đằng này nhiều gia đình ham rẻ, mua các loại ga không tên tuổi nhãn mác, không đủ tiêu chuẩn an toàn, tự đem nguy hiểm về rình rập gia đình mình. Dùng ga như chứa bom trong nhà, một chút sơ sẩy là tai nạn ngay", chị Ninh nói.

Hầu hết các vụ cháy, nổ gas đều so sơ xuất của người sử dụng như quên khóa van sau khi dùng, bật bếp rồi quên tắt khiến ga rò rỉ, đang nấu ăn rồi bỏ đi làm việc khác rồi quên luôn.

Cũng có nhiều trường hợp khi người nhà phát hiện gas bị rò rỉ thay vì khóa van, bật quạt để khí bay đi thì lại hoảng quá bỏ chạy hoặc bật điện, bật lửa để khí bốc cháy gây hỏa hoạn.

Xưa nay chưa để ý đến mối nguy hiểm mà bếp ga mang lại, khi nghe tin vụ nổ ga nghiêm trọng vừa xảy ra, chị Thu Hiền (27 tuổi, nhân viên kinh doanh Viettel) rùng mình nhớ lại những thói quen sử dụng ga "vô tư" của gia đình mình.

"Ở nhà mẹ chồng mình đun nấu xong ít khi khóa van lắm, mình nhắc nhiều lần rồi nhưng cụ vẫn quên. Bếp để đun nấu mà mùa đông thỉnh thoảng cụ lại mang cả quần áo ra hong khô, kể mà bén lửa thì không biết đâu mà dập. Có lần thì cụ hầm xương rồi bỏ ra ngoài phơi quần áo, xong rồi quên mất. Hàng xóm mà không phát hiện ra mùi khét thì không biết hậu quả sẽ thế nào", chị Hiền kể.

"Nhất quyết lần này mình phải quán triện tinh thần cảnh giác cho cả gia đình. Cho cụ đọc thông tin vụ nổ này để cụ biết còn tránh. Không thể đùa với lửa được, tai họa có thể đến bất cứ lúc nào", chị Hiền nói thêm.

Kiểu này đổi sang dùng bếp từ!

Rùng mình về vụ tai nạn khủng khiếp này, nhiều bà nội trợ "lục đục" chia sẻ với nhau những biện pháp sử dụng ga an toàn. Các cách phòng chống cháy nổ, cách phát hiện ga rò rỉ và cách xử lý tình huống khi ga rò rỉ được các mẹ, các chị thảo luận sôi nổi trên các trang mạng.

"Theo mình, các mẹ các chị khi mua gas đừng nên ham rẻ mà mang họa, nên mua ga chính hãng, kể cả van ga. Trong khi sử dụng phải thường xuyên kiểm tra và để ý bình ga, tạo thói quen khóa van ngay sau khi đun nấu. Khi thấy có khí ga rò rỉ thì không nên bật bếp hay tạo ra các tia lửa điện. Ga rất dễ bắt nhiệt và phát nổ. Nên mở cửa cho thoáng khí, rồi từ từ khóa van ga lại. Nói chung là phải cẩn thận", một mẹ chia sẻ.
 Kiểm tra bình ga thường xuyên để đảm bảo an toàn (Ảnh minh họa, Nguồn: DT)
Nhiều người cũng khuyến cáo không nên ham rẻ mà sử dụng những loại ga không có tên tuổi rõ ràng. Để an toàn hơn, nhiều mẹ còn gợi ý nên lắp thiết bị phát hiện rò rỉ ga, nếu xảy ra khí gas, thiết bị này sẽ kêu bíp bíp để báo cho người sử dụng.

Cảm thấy nguy hiểm luôn rình rập khi sử dụng bếp ga, nhiều bà nội trợ tỏ ý muốn chuyển sang dùng bếp từ để an toàn hơn.

"Sợ lắm rồi. Dùng than tổ ong thì dễ bị ngộ độc, dùng ga thì dễ cháy nổ, chỉ còn bếp từ và bếp điện là an toàn hơn chút. Có khi phải tính đến phương án chuyển sang dùng bếp từ thôi", chị Hà Ninh chia sẻ.

Hiện nay, ở các thành phố lớn, ga vẫn là loại năng lượng được dùng phổ biến nhất trong việc đun nấu của các hộ gia đình bởi tính tiện ích và tiết kiệm của nó. Việ sử dụng ga tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, mỗi bà nội trợ cần có những hiểu biết nhất định về cách sử dụng ga an toàn và phòng chống cháy nổ ga để tự bảo vệ cho chính gia đình mình.
Một số lưu ý để sử dụng ga an toàn:

- Không đặt bình ga trong tủ hộc, bếp kín khi ga rò rỉ sẽ rất khó phát hiện. Hãy đặt bình ga nơi thông thoáng, khi có rò rỉ, ga sẽ tự phát tán đi, dễ phát hiện để xử lý kịp thời, tránh nguy cơ cháy nổ.

- Hãy khóa van cổ bình ga ngay khi đun nấu xong, đặc biệt là sau bữa tối.

- Nên sử dụng loại bếp gas có bộ phận cảm ứng nhiệt tự động ngắt gas khi nước tràn hoặc gió lùa làm bếp tắt lửa. Nếu bếp không có bộ phận cảm ứng nhiệt thì khi đun phải thường xuyên chú ý để kịp thời tắt công tắc bếp nếu bếp bị tắt lửa do nước tràn hoặc gió lùa. Chỉ bật lại bếp khi không còn mùi gas trong khu vực bếp.

- Thường xuyên kiểm tra ống dẫn gas, nếu phát hiện thấy có hiện tượng rạn nứt phải thông báo cho đại lý hoặc nhà phân phối để thay dây.

- Khi phát hiện có mùi gas (mùi trúng thối) phải lập tức tắt các nguồn lửa, khoá van bình, đóng điều áp. Tuyệt đối không đóng hoặc ngắt công tắc điện, quạt điện làm phát sinh tia lửa điện gây cháy nổ khí gas.

- Mở thoáng cửa ra vào thông với gian bếp, dùng các dụng cụ thủ công để quạt đẩy khí gas ra ngoài.

- Quét nước xà phòng để tìm chỗ rò rỉ, tuyệt đối không dùng bật lửa để dò tìm.

- Có thể dùng xà phòng bánh để bịt chỗ rò rồi dùng băng keo hoặc dây cao su để hạn chế rò rỉ đến mức thấp nhất, trường hợp bình gas rò rỉ không khắc phục được, cần đưa đến nơi thoáng gió, xa cống rãnh, xa nguồn lửa và báo ngay cho cửa hàng đại lý cung cấp gas.


  • La Hoàn