- Vậy là đã 3 năm, kể từ ngày chúng tôi vượt cầu treo Bản Chắn, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương (Nghệ An) tìm đến nhà ông Vi Đình Công, nghệ nhân dân gian của dân tộc Thái. Ngày đó, chỉ cần lần theo tiếng khèn bè réo rắt là tìm được nhà ông. Hôm nay trở lại, ngôi nhà nhỏ năm xưa giờ đã vắng bóng người... Hỏi ra mới biết, ông Công đã bị tai biến mạch máu não, hiện đang ở nhà con trai.

Nhà anh Vi Đình Hải, con trai ông Công nằm ở cuối bản Chắn. Con đường đến đây vẫn gập ghềnh, lầy lội như năm nào. Người nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc nằm đó, thân hình đã trở nên tiều tụy, đôi mắt thẫn thờ như đang nhìn vào một cõi xa xăm.

Nhìn dáng vẻ của ông hôm nay, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi nhớ về cuộc hội ngộ 3 năm trước.

Ngày ấy, dù đã bước sang tuổi 74 nhưng ông Vi Đình Công vẫn tỏ ra nhanh nhẹn, hoạt bát. Sau khi dạo qua âm điệu của các loại nhạc cụ dân tộc Thái như khèn bè, sáo, pí, khèn Mông, ông kể chúng tôi nghe những câu chuyện cuộc đời và con đường đi tới danh hiệu Nghệ nhân dân gian.

Những ngày tươi đẹp

Từ khi còn là cậu bé 5 tuổi, Vi Đình Công đã ao ước có được một chiếc khèn bè. Chiều con trai, bà mẹ đã đổi 2 bế lúa nếp cho một cụ già trong bản để cậu có chiếc khèn thuộc loại tốt nhất, nhì bản.

Từ khi có khèn, cậu bé Công thường tìm đến nhà các cụ già thổi khèn giỏi để học. Thấy cậu bé họ Vi quá đam mê với nhạc cụ cổ truyền, ai cũng hướng dẫn một cách tận tình, chỉnh giúp cậu từ động tác cầm khèn, chỉnh âm.

Rồi chẳng bao lâu sau, nhờ chăm chỉ cộng với niềm đam mê và năng khiếu thiên bẩm, Vi Đình Công trở thành một trong những người thổi khèn bè hay nhất bản Chắn. Mỗi lần lên nương lên rẫy hay ra sông chài cá, cậu bé Công không bao giờ quên mang theo chiếc khèn để mỗi khi có phút giây ngơi nghỉ là cậu sẽ gửi gắm tâm hồn mình với núi rừng và con nước.

Bước sang lứa tuổi thanh niên, Vi Đình Công không chỉ thổi khèn hay, mà anh còn học được cả cách chế tác khèn bè và một số loại nhạc cụ khác.

Nghệ nhân Vi Đình Công.
 

Các cụ già ở bản Chắn vẫn còn nhắc lại rằng, ngày đó, mỗi khi Công thổi khèn, con chim đang bay cũng dừng cánh đậu, con cá đang bơi cũng phải ngưng lại giữa dòng để lắng nghe.

Còn các cô gái độ tuổi trăng rằm ở bản Chắn, bản Lau, bản Mác... nghe thấy tiếng khèn, lòng chợt bồi hồi và đôi tay dường như trở nên bối rối. Vì đang gặt lúa thì lưỡi hái phải dừng, đang đốn củi thì con dao không vung lên được, đang dệt vải thì cái thoi không muốn chạy, bước xuống cầu thang thì đôi chân chợt ngập ngừng...

Nói cách khác, tiếng khèn của Vi Đình Công đã làm cho trái tim bao cô gái phải thổn thức và chờ mong. Những đêm trăng sáng, khi Công mang khèn ra thổi tận bãi sông, trai gái các bản đều tìm đến chung vui trong tiếng khèn lúc dìu dặt, lúc thiết tha và có lúc như là tiếng dỗi hờn...

Và các cô gái thường tranh nhau hát lên câu lăm, câu xuối để Công đệm khèn. Tiếng khèn của Vi Đình Công không chỉ giới hạn trong các bản làng của xã Thạch Giám mà còn vang xa, xa đến tận miền xuôi.

Nhận thấy tài năng của Vi Đình Công, ngành Văn hóa địa phương đã bổ sung chàng thanh niên người Thái này vào đội tuyên truyền văn nghệ cách mạng.

Ông theo chân đoàn văn nghệ đi khắp các bản làng miền Tây để cổ vũ đồng bào các dân tộc vùng cao tích cực lao động sản xuất, động viên con em lên đường nhập ngũ để đánh đuổi bọn Mỹ- Ngụy, giải phóng đất nước, đem lại cuộc sống hòa bình.

Đoàn văn nghệ đi tới đâu, bản làng đó trở nên vui tươi, phấn khởi. Và người dân các huyện vùng cao luôn cảm mến một chàng trai người Thái không chỉ chơi hay các loại nhạc cụ dân tộc mình mà còn giỏi sử dụng các loại nhạc cụ của dân tộc khác như dân tộc Mông, Khơ mú và Ơ đu.

Và cũng tại đây, Vi Đình Công bén duyên với Lô Thị Khoành, cô gái Thái quê ở xã Nga My, người chuyên hát các làn điệu dân ca Thái của đoàn văn nghệ.

Người ta cho rằng họ thật sự là một đôi uyên ương trời sinh, vì người này hát hay, người kia đàn giỏi. Cảm tài, mến sắc, họ đã nên duyên vợ chồng. Khi chiến tranh kết thúc, đội văn nghệ hoàn thành nhiệm vụ, vợ chồng Vi Đình Công lại trở về bản Chắn phát nương, làm rẫy và sống cuộc đời bình dị nhưng rất đỗi hạnh phúc.

Trở về với cuộc sống đời thường, vợ chồng ông vẫn không dứt bỏ tiếng khèn, tiếng hát. Ông vẫn miệt mài truyền dạy cách chế tác và sử dụng khèn bè cho thế hệ sau. Còn bà say sưa truyền dạy các làn điệu khắp, lăm, nhôn, xuối cho các cô gái trẻ.

Mái nhà gỗ đơn sơ nhưng không lúc nào vắng tiếng khèn, điệu hát. Ông bà được xem là cặp vợ chồng lưu giữ “kho báu” âm nhạc của dân tộc Thái. Và đó chính là lý do để Nhà nước quyết định trao tặng ông Vi Đình Công danh hiệu Nghệ nhân dân gian.

Tuổi già cô quạnh

Giờ đây, ở tuổi 77, qua mấy lần bị tai biến, ông Vi Đình Công đã trở thành người nghễnh ngãng, lúc nhớ lúc quên.

Khi chúng tôi bước vào nhà, câu đầu tiên ông nói: “Con vợ nó giận ta, nó bỏ ta đi rồi”.

Chúng tôi giật mình với ý nghĩ không lẽ bà đã về Mường Then (Mường Trời) trước ông? Nhưng rồi chị Lê Thị Hương, con dâu ông giải thích: “Bà đang đi chợ, ông ở nhà nhớ rồi nói thế thôi”.

Nghệ nhân hạnh phúc bên con cháu.

Nhìn chúng tôi một lúc từ đầu đến chân, đôi mắt chợt sáng lên, sinh khí chợt hiện lên nét mặt rồi ông chợt reo lên: “Ta nhớ ra anh rồi, anh nhà báo ạ. Mới ở Vinh lên à? Bạn bè ta ở dưới Vinh nhiều lắm, nhưng chỉ có anh lên thăm ta thôi! Có lẽ cái chân ta không đi được nữa, cái miệng không còn thổi được khèn thì họ không cần đến ta nũa rồi”.

Ông với tay lên đầu giường lấy chiếc khèn bè và đưa lên thổi. Người nghệ nhân già dường như rướn hết sức bình sinh để dồn cho chiếc khèn phát ra âm điệu như ngày nào.

Nhưng chiếc khèn vẫn im lặng, không chịu cất lên âm thanh, dù là thứ âm thanh vô nghĩa. Ông đã sức tàn, lực kiệt... Nhưng ông lại phân bua: “Cái khèn này bị hư rồi, ta không thổi được, hẹn anh lần sau!”.

Rồi ông lại cầm chiếc khèn, tay mân mê như để tìm lại những tháng ngày xưa cũ.

Lúc chia tay, chị Lê Thị Hương, con dâu út của ông Công bộc bạch rằng: “Ông rất buồn, vì cả đời hoạt động sôi nổi, nay đau yếu bệnh tật sẽ không tránh được nỗi cô đơn. Được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian nhưng ông vẫn không được chế độ đãi ngộ gì”.

Vượt cầu treo trở lại Thị trấn Hòa Bình, đây là một thế giới hoàn toàn khác hẳn, nó không còn vẻ hoang sơ, hiu hắt như bản Chắn, nơi có một nghệ nhân dân gian đang sống nốt những ngày tháng cuối đời trong nỗi cô đơn, khắc khoải...

Công Kiên