Tin quảng cáo về phương pháp mổ '15 phút có thể đi lại bình thường', anh P đã phải chịu đựng sự đau đớn trong cả 1 tuần lễ và phải cầu cứu bác sĩ ở bệnh viện khác mới qua khỏi...

Trắng trợn 'lột tiền' của bệnh nhân

Trong đơn gửi tới VietNamNet, anh Đ.Q.P, doanh nhân ngụ tại quận 10, TPHCM cho biết do tin lời quảng cáo 'rất kêu' về Phòng khám y học cổ truyền Huê Hạ (8B Lý Thường Kiệt, Q.5, TP.HCM) trên 1 kênh truyền hình nên sáng ngày 29/10/2011, anh đến xin được khám và điều trị bệnh trĩ.

Tại đây, anh P được bác sĩ người Trung Quốc (người phiên dịch gọi là bác sĩ Bảo) tư vấn là mổ trong 15 phút là ra về và có thể đi làm được.

Tin lời, anh P đóng 1,9 triệu đồng tiền khám và xét nghiệm máu, sau đó đóng 15 triệu đồng mua dụng cụ mổ LONGO.

Sau 15 phút tiến hành phẫu thuật, anh P được ”đề nghị” đóng thêm 2,7 triệu đồng để truyền dịch, tiêm thuốc kháng viêm. Dù trong 'quảng cáo' nói khoảng 15 phút sau mổ, bệnh nhân có thể ra về, nhưng do quá đau, vết thương rỉ máu nên phải 3 giờ sau, anh P mới về tới nhà.

Cơn đau tiếp tục đeo đuổi, đến sáng ngày 30/10, anh P phải trở lại tái khám. Một bác sĩ Trung Quốc khám qua loa rồi yêu cầu anh đóng thêm 3,7 triệu đồng để truyền dịch và ”chiếu tia hồng ngoại”.

Sổ khám bệnh, các loại thuốc đều ghi tiếng Trung Quốc, ngoại trừ tên bệnh nhân. Ảnh: Thái Thiện

Ngày 1/11, cơn đau tiếp tục, anh P lại trở lại Phòng khám và lần này tiếp tục được ”tư vấn” đóng thêm 3,7 triệu đồng để truyền dịch và ”chiếu tia hồng ngoại”.

Ngày 2/11, cơn đau không dứt, anh P lại cất công đến phòng khám và được 'vận động' đóng thêm 4,1 triệu đồng để ”chiếu tia hồng ngoại”. Lần này bác sĩ Trung Quốc cấp thêm một toa thuốc 'đặc trị' chống đau với lời cam kết chắc nịch: 'Uống đủ 4 loại trên sẽ hết đau, không hết trả lại tiền”.

Hai ngày sau, dù đã uống thuốc miệt mài và đúng giờ như bác sĩ dặn, nhưng cơn đau thắt vẫn hành hạ anh P.

Thấy không ổn, chiều ngày 4/11, anh P quyết định ngưng thuốc của Huê Hạ và đến bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM để được khám, điều trị từ đầu.

Tại đây, bác sĩ xác định anh P bị "đau hậu môn sau cắt trĩ” và cho thuốc uống. Hai ngày sau, anh P có thể di chuyển bình thường được, cơn đau cũng dứt..

Chuẩn đoán, kê toa...không ai hiểu ?

Kèm theo nội dung đơn khiếu nại, anh P còn đưa cho chúng tôi xem một loạt đơn thuốc, sổ khám chữa bệnh, kết quả xét nghiệm, hình ảnh...được ghi bằng tiếng Trung Quốc. Tất cả đều không thể đọc, hiểu, ngoại trừ tên bệnh nhân.

Nếu căn cứ vào điều 23 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định 'Người nước ngoài chỉ định điều trị, kê đơn thuốc phải ghi bằng tiếng Việt (hoặc người phiên dịch phải dịch sang tiếng Việt)...thì việc khám chữa bệnh của Phòng khám y học cổ truyền đã vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam. 

Hậu quả của việc ghi toa thuốc tiếng Trung cho người Việt là bệnh nhân không biết tên thuốc là gì, cấu tạo thuốc, nhà sản xuất, hạn dùng, loại thuốc có được lưu hành tại Việt Nam hay không; thực tế là bệnh nhân phải uống thuốc theo...màu sắc và trí nhớ ?          

Đó là chưa kể nếu so chi phí điều trị, tại bệnh viện Nhà nước, mổ trĩ chỉ từ 8-10 triệu đồng/ca (theo phương pháp LONGO) trong khi tại Phòng khám Huê Hạ, anh P phải đóng đủ thứ tiền thuốc để mổ, truyền dịch và...chống đau, tổng cộng chi phí lên tới trên 31 triệu đồng !

Cũng theo anh P, khi vào tư vấn khám và khi quyết định mổ, phòng khám Trung Quốc này không hề đưa ra cam kết nào với khách hàng.

Tuy nhiên, sau 5 ngày mổ, họ bất ngờ đề nghị anh ký ”Hợp đồng trị liệu trĩ – rò hậu môn” với những điều khoản bất lợi cho bệnh nhân...              

Ngày 8/11, trao đổi với báo chí, đại diện Phòng khám y học cổ truyền Huê Hạ cho biết: việc ghi đơn bằng tiếng Trung là do...thiếu sót của bác sĩ, và xin được ”rút kinh nghiệm” ?

Riêng trường hợp anh P, bệnh tái phát sau mổ, Phòng khám sẽ mời tới để hoàn lại chi phí điều trị như đã cam kết.     

T.Thiện
 

100% phòng khám Trung Quốc có sai phạm  

Ngày 14/10/2011 trong văn bản số 5678 gửi Sở thông tin truyền thông, Sở Y tế TPHCM cho rằng trên địa bàn TPHCM có 7 phòng chẩn trị y học cổ truyền có thầy thuốc người Trung Quốc, trong đó có 2 phòng chẩn trị do các nhà đầu tư và y, bác sĩ Trung Quốc đăng ký hành nghề; 5 phòng chẩn trị có các y, bác sĩ Trung Quốc chỉ tham gia khám bệnh, chữa bệnh.

Tại công văn này, Sở Y tế thừa nhận kết quả hậu kiểm các cơ sở hành nghề y, y học cổ truyền tư nhân có y, bác sĩ Trung Quốc cho thấy, 7/7 phòng chẩn trị có y, bác sĩ Trung Quốc đều có hành vi vi phạm.

Cụ thể: không thực hiện việc kê đơn bằng tiếng Việt theo quy định; quảng cáo khi chưa có phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo của cơ quan y tế có thẩm quyền theo quy định; cơ sở hành nghề không có biển hiệu đúng theo quy định; không thực hiện việc mở sổ sách thống kê, theo dõi số lượng bệnh nhân, khách hàng được cung cấp dịch vụ y tế hàng ngày, không lưu sổ kê đơn thuốc; quảng cáo không đúng với nội dung đăng ký đã được duyệt.