– Việc cháu Phạm Văn Trường bị kẻ gian bắt đi dễ dàng ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương làm dấy lên lo ngại về tình hình an ninh trật tự trong các bệnh viện. Nhìn rộng ra hơn, không chỉ có bệnh viện phụ sản mới phải đối mặt với những nguy cơ mất an toàn...

Vụ sơ sinh mất tích: Bài học lớn với bệnh viện
Ông Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc bệnh viện Phụ sản TW nhận định vụ cháu Trường bị kẻ gian mặc áo blouse trà trộn rồi mang đi là một bài học lớn đối với bệnh viện.


An ninh quá tải, phòng chống yếu ớt

Tại Bệnh viện Bạch Mai, để cảnh báo người bệnh về nạn trộm cắp, bệnh viện đã in hẳn tên tuổi, hình ảnh của những tên trộm đã bị bắt trước đó để người bệnh nhận dạng và phòng tránh.

Lực lượng an ninh được củng cố thường xuyên nhưng cảnh quá đông đúc đã tạo điều kiện cho bọn đạo chích hoành hành.

Còn tại bệnh viện K, hệ thống loa phát thanh của bệnh viện họat động hết công suất vào giờ cao điểm.

Bên cạnh những nội dung cần tuyên truyền về khám chữa bệnh, phong bì, y đức thì một trong những nội dung quan trọng là bệnh viện luôn nhắc nhở người bệnh có ý thức tự bảo quản tài sản, đồ đạc cá nhân của mình, tránh bị kẻ gian lợi dụng sơ hở rồi đánh cắp.

Ngoài ra, lực lượng bảo vệ của bệnh viện cũng được bổ sung, kiện toàn. Tuy nhiên, lãnh đạo bệnh viện khẳng định công tác đảm bảo an ninh cũng rất phức tạp vì đối tượng trộm cắp thường giả làm người bệnh rồi trà trộn vào đám đông, như vậy rất khó để ngăn chặn, phát hiện kịp thời. Tại bệnh viện, trung bình mỗi tháng bắt được 2-4 vụ trộm.
 

Lực lượng an ninh, bảo vệ ở các bênh viện chỉ đảm bảo cổng ra vào sao cho không ... tắc cũng đã là cả một vấn đề. Còn bên trong, bệnh nhân phải ... tự xoay sở để bảo đảm an ninh trật tự cho mình (Ảnh: N.A)

Trong khi đó, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khá chặt chẽ trong khâu kiểm soát ra vào của trẻ sơ sinh.

Ông Nguyễn Huy Bạo, Giám đốc bệnh viện cho biết bất cứ ai bế trẻ ra khỏi viện đều bị chặn lại trước trạm bảo vệ ngoài cổng và phải trình đủ giấy ra viện, giấy chứng sinh.

Trong trường hợp muốn ra viện sớm theo ngày giờ đã chọn trước thì người bệnh chỉ được chấp nhận khi sức khỏe cả mẹ con đảm bảo và được khoa cấp cho một tờ “giấy ra cổng” có chữ ký của đại diện khoa và tờ giấy này được bảo vệ giữ lại.

“Nếu không may có chuyện gì xảy ra, người ký tên trên giấy sẽ chịu trách nhiệm” - ông Nguyễn Huy Bạo cho biết.

Chuyện đối tượng xấu có thể mặc áo blouse giả danh cán bộ y tế để vào bắt cóc trẻ sơ sinh cũng là mối lo của ông Bạo.

Lý do là vì hiện nay bệnh viện có giám sát nhưng không thể lúc nào cũng 24/24 ở sát bệnh nhân và người bệnh thì cứ thấy người mặc áo blouse thì thường tin ngay đó là cán bộ y tế.

Ông Bạo cho rằng ngoài chuyện giả mạo để bắt cóc trẻ em thì những kẻ mặc áo blouse giả cũng lợi dụng chiếc áo đó để làm những việc xấu khác như lừa đảo, cò mồi.

Cùng với việc giám sát của bệnh viện, ông Bạo cho biết các sản phụ và gia đình cũng nên để ý đến thẻ tên trên ngực áo bác sĩ. Danh sách trực được cập nhật hằng ngày, bảng tên trên áo sẽ cho người nhà biết đó có phải chính nhân viên y tế thật sự hay không.

Khốn đốn vì bị móc túi

Trong khi nỗi lo mất con đang dâng cao tại các bệnh viện phụ sản thì tại các bệnh viện lớn khác, một nỗi lo thường trực là bị mất cắp đồ.

Nhiều bệnh nhân cho biết mỗi khi vào viện, họ có cảm giác không an toàn vì bệnh viện lớn nào cũng đông nghìn nghịt, bảo vệ chỉ có thể đứng ở các cửa ra vào chứ không thể ngăn chặn các đối tượng xấu trà trộn trong đám đông.

Chị Hoa, người bệnh đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai kể lại: Khi tay xách nách mang bao nhiêu đồ đạc và đứng chờ đến lượt vào khám, chị đã bị kẻ gian móc mất chiếc ví trong giỏ xách từ lúc nào không biết.  

Với tần suất hơn 2.000 lượt bệnh nhân khám/ngày, trong đó có nhiều đối tượng vãng lai qua lại, việc mất trộm tại bệnh viện Bạch Mai là điều khó tránh khỏi (Ảnh: N.A)

Hiện nay, chiêu trộm cắp của bọn đạo chích ngày càng tinh vi. Thay vì bị bắt tại trận, chúng thường tính toán bài bản, đưa con mồi vào vị trí thuận lợi để lấy tiền. Có bệnh nhân ở BV Bạch Mai từng bị tên trộm “vô ý” đổ toàn nước dầu mỡ vào người rồi lại “nhiệt tình” dẫn đến nhà vệ sinh gần đó. Khi bệnh nhân cởi đồ ra treo lên, tên trộm đã nhanh chóng cuỗm tiền rồi “bốc hơi”.

Người bệnh vào các bệnh viện (nhất là viện tuyến trên, chuyên chữa bệnh nặng) phần đông là người nghèo và vì thế, họ phải gom góp tiền của từ nhiều nơi khác nhau mới đủ chi phí đi khám chữa bệnh. Nếu bị móc túi, coi như cả “gia sản” tiêu tán.

Anh Nguyễn Văn Việt, quê ở Hà Nam, người từng bị trộm “móc ví” trong bệnh viện K (Hà Nội) cho biết: “Lần trước tôi đưa ông cụ từ quê lên đây khám phổi, vừa lơ ngơ đi vào viện đã bị kẻ gian móc ví lúc nào không rõ. Bệnh viện này quá đông, chỉ đứng một chỗ không di chuyển mà xung quanh đã đặc kín cả người, trong đó đâu có phải ai cũng là người bệnh. Kẻ gian đã lợi dụng sơ hở này để trà trộn vào”.

Theo anh Việt, lần bị móc ví đó, toàn bộ số tiền hơn 4 triệu đồng gia đình bán thóc và vay mượn từ quê mang lên đã không cánh mà bay.

Cho đến tận lúc vào mua sổ khám thì mới phát hiện ra là bị mất. Anh Việt cùng bố đau khổ tìm kiếm xung quanh nhưng kẻ gian đã lẩn đi từ lúc nào chẳng rõ.

“Lần đó, có một bác sỹ thương tình đã cho tôi và ông cụ tiền ăn trưa và tiền xe đi từ Hà Nội về Hà Nam để thu xếp khoản tiền khác rồi mới quay lại khám”, anh Việt nói.

Kể từ lần mất cắp đó đến nay đã hơn 1 tháng, anh Việt mới vay mượn, thu xếp được đủ tiền để quay trở lại bệnh viện K. Lần này, anh không nhét tiền vào ví rồi để ở túi quần sau nữa mà anh mặc 2 lượt áo, tiền để ở túi trong cùng, được “ghim” cẩn thận để kẻ gian muốn móc cũng phải “đánh động” khổ chủ.

Ngọc Anh