Khi vô sinh, hiếm muộn, cả gia đình cùng khổ. Nhưng nhân vật trung tâm của bi kịch này là người phụ nữ. Họ phải chịu đựng quá nhiều áp lực, luôn đứng trước lời đe dọa sẽ “ly hôn” của chồng.

Chồng vô sinh còn phải sợ chồng!

Điều trị vô sinh, hiếm muộn là lĩnh vực đặc biệt, có những câu chuyện, cảm xúc không thể tìm thấy ở nơi nào khác trong bệnh viện phụ sản. Cộng đồng những người vô sinh là một cộng đồng nhạy cảm, đặc thù.

Tại đây, đã có những câu chuyện hết sức éo le, oái oăm phát sinh khiến người biết chuyện không biết nên khóc nên nên cười …

Bác sỹ, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hợi (công tác tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản, BV Phụ sản Trung ương) cho biết, có những trường hợp nguyên nhân vô sinh đến từ người chồng nhưng người lo sợ hơn cả là người vợ.

“Người vợ này rất yêu chồng, sợ chồng biết mình vô sinh sẽ đâm ra chán nản, chơi bời, ngoại tình khiến hạnh phúc gia đình đổ vỡ”, bác sỹ Hợi nói.

Nhưng nhân vật trung tâm của bi kịch này là người phụ nữ. Họ phải chịu đựng quá nhiều áp lực, luôn đứng trước lời đe dọa sẽ “ly hôn” của chồng.

Cũng theo bác sỹ Hợi, vô sinh nam và vô sinh nữ có những điểm khác nhau nhiều về mặt tâm lý, tác động.

“Nếu chồng bị vô sinh thì người vợ dễ chấp nhận hơn là ở chiều ngược lại”, bác sỹ Hợi đúc rút nhận định này sau 16 năm tiếp xúc, điều trị cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Theo bác sỹ Hợi, vô sinh đều khiến cả chồng lẫn vợ khổ sở. Nhưng do những yếu tố liên quan đến vấn đề xã hội nên vô hình chung gánh nặng này nghiêng về người phụ nữ nhiều hơn.

Có những người phụ nữ vì chịu nhiều áp lực sinh ra trầm cảm nặng nề. Cho đến khi có con bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm, chị cũng mặc cảm với việc này. Theo chị, việc sinh con theo cách trên có gì đó “không bình thường” và chị muốn sinh theo cách tự nhiên.

Vì thế, có tin vui, nếu là người khác sẽ vỡ òa sung sướng thì chị lại dửng dưng. Nhận được lời chúc mừng, chị còn lạnh nhạt cho biết “đang mang song thai thì có gì mà vui?”.

Theo bác sỹ Hợi, vì những quan điểm còn khắt khe và chưa chính xác của xã hội đối với vấn đề vô sinh nên đại đa số các cặp vợ chồng đến bệnh viện khám vô sinh đều giấu giếm gia đình, người quen, bạn bè, đồng nghiệp, vv..

“Nói chung là càng ít người biết thì càng tốt. Nếu biết chồng hoặc vợ không có con, cả gia đình sẽ cô lập họ. Còn nếu chữa vô sinh mà thành công, nhiều khi những người xung quanh lại kì thị đứa trẻ, gièm pha đủ điều. Vì thế, hầu hết là họ rất muốn giấu chuyện này”, bác sỹ Hợi nói.
Chồng chia kinh phí để vợ phải tự lo phần của mình

Bác sỹ Hợi cũng cho biết việc thống nhất cao giữa hai vợ chồng trong chuyện chữa trị vô sinh rất quan trọng, ảnh hưởng lớn tới chất lượng điều trị. Nếu cả hai người cùng đồng lòng, kiên trì và ủng hộ nhau thì tâm lý người bệnh ổn định, kinh tế cũng được hỗ trợ tốt. Còn nếu có rạn nứt, việc điều trị sẽ rất khó khăn, thậm chí là gián đoạn.

Trên thực tế, quá trình chữa trị của những người hiếm muộn cho thấy có rất nhiều người chồng tốt, ủng hộ và yêu thương vợ, sẵn sàng xin trứng của người khác (hoặc họ chấp nhận để vợ xin tinh trùng của người khác) để tạo ra những đứa con khỏe mạnh, đáng yêu.

Nhưng ở chiều ngược lại, lại có những đối tượng “hành” vợ cả về tinh thần lẫn vật chất.

Có những trường hợp sau khi bơm tinh trùng vào buồng tử cung hoặc làm thụ tinh ống nghiệm không thành công, người vợ đã nhận được những lời lẽ đau lòng từ chồng, từ gia đình nhà chồng.

Nhiều người còn “đe” vợ là “nếu lần tới mà không thành công thì chắc chắn sẽ ly dị”. Những hành động như thế gây nên nỗi ám ảnh nặng nề cho người phụ nữ.

“Người Việt Nam mình coi trọng đứa con do mình tự sinh ra và cho rằng việc có đứa bé sẽ khiến những bất hòa trong gia đình được giảm xuống, tăng mối đoàn kết gắn bó giữa người con dâu với gia đình chồng. Vì thế, chuyện họ “làm liều” là dễ có thể xảy ra”,

Thậm chí, có người đàn ông còn “tách bạch” rõ ràng vấn đề “trách nhiệm” của cả hai bên trong điều trị vô sinh khi phân chia rõ ràng rằng: Chồng và nhà chồng sẽ lo kinh phí làm thủ thuật, khám còn vợ phải lo tiền thuốc (trong khi tiền thuốc trong điều trị vô sinh rất đắt, lên tới vài chục triệu đồng/đợt).

Nặng nề hơn, nếu như nguyên nhân vô sinh hoàn toàn đến từ người vợ và kết qua điều trị không như mong muốn, có những người đã bắt vợ phải đứng ra thanh toán toàn bộ chi phí và sau đó bắt vợ tự phải chữa vô sinh một mình, nếu không sẽ “đường ai nấy đi”.

Đây là chuyện có xảy ra trên thực tế song bác sỹ Hợi cũng lưu ý là nó thường đến vào những thời điểm mối quan hệ giữa hai vợ chồng đã bắt đầu rạn nứt.

“Đứa con là sự gắn kết rất lớn giữa họ. Nhưng theo đuổi mãi không thành công, họ cũng dần nhụt chí, chán nản sinh ra những yêu cầu, hành động dễ làm tổn thương người bạn đời của mình”, bác sỹ Hợi nói.

Những khoảnh khắc ám ảnh

Những cú sốc sau điều trị không thành công thường ám ảnh rất lớn đối với người phụ nữ. Thực tế trước đó họ đã phải hứng chịu rất nhiều những áp lực từ ‘búa rìu dư luận”.

Và đến khi phải đối diện với thất bại trong điều trị họ sẽ một lần nữa chịu thêm cú sốc còn lớn hơn rất nhiều. 

“Đã có lần sau khi nhận được kết quả, người phụ nữ trẻ cứ thế nhìn trân trân vào tờ giấy thông báo. Chị lặng người đi, rồi cứ thế nước mắt chảy xuống. Chị ngồi như thế đến gần 2 tiếng đồng hồ. Đó thực sự là những khoảng lặng rất ám ảnh đối với tôi” – bác sĩ Tăng Đức Cương công tác tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện) tâm sự.

Sau khi được gia đình dành dụm tiền cho hai vợ chồng lên Hà Nội thụ tinh trong ống nghiệm nhưng không thành công, trở về nhà chị M.H. (Hưng Yên) sống trong sự đay nghiến cay độc của nhà chồng, ánh mắt dè bỉu của người làng, chị rơi vào khủng hoảng và hiện tại đang phải nằm điều trị tại viện tâm thần Trung Ương.

Bản thân bác sỹ Hợi cũng đã chứng kiến những khoảnh khắc rơi vào vực sâu tuyệt vọng khi thụ tinh không thành công hoặc một người nào đó phát hiện mình vô sinh.

“Họ khóc òa lên như một đứa trẻ và khó có thể chấp nhận sự thực phũ phàng. Có người khóc mãi mới có thể bình tâm được để tiếp tục đứng lên”, bác sỹ Hợi kể.

Những cú sốc nối tiếp những cú sốc nhiều khi đẩy người phụ nữ bị vô sinh, hiếm muộn đến đoạn tuyệt vọng và họ nảy sinh ra các cách “làm liều” bằng mọi giá để có được con.

Hành động của Nguyễn Thị Lệ khi bắt cóc cháu Phạm Văn Trường được bác sỹ Hợi đánh giá là do quá cùng quẫn, vì quá muốn có con để có sự kết nối với gia đình nên Lệ đã bất chấp, làm liều.

“Người Việt Nam mình coi trọng đứa con do mình tự sinh ra và cho rằng việc có đứa bé sẽ khiến những bất hòa trong gia đình được giảm xuống, tăng mối đoàn kết gắn bó giữa người con dâu với gia đình chồng. Vì thế, chuyện họ “làm liều” là dễ có thể xảy ra”, bác sỹ Hợi nói.

  • Cẩm Quyên – Hồng Khanh