– Nghiên cứu năm 2010 của Viện chiến lược và chính sách y tế cho thấy ước tính có gần 11% tổng số ca tử vong ở nam giới Việt Nam là do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

TIN LIÊN QUAN:

Người Việt chi 22 ngàn tỷ một năm mua thuốc lá 

Gánh nặng bệnh tật và kinh tế

Ngoài ra, thuốc lá còn gây ra 40.000 ca tử vong mỗi năm- cao gấp 3 lần so với số tử vong do tai nạn giao thông gây ra.

Thống kê của BV K (Hà Nội) cho thấy, hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh ung thư phổi, có đến 90% bệnh nhân ung thư phổi là do hút chất độc này vào người.

Ghi nhận tại Hà Nội, ung thư phổi chiếm 20%, đứng đầu trong hàng trăm loại ung thư. Đa số các bệnh nhân ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong 20 năm. Số bệnh nhân còn lại bị ung thư phổi không hút thuốc nhưng đã hít phải một lượng đáng kể khói thuốc lá của người khác hút.

Người dân biết tác hại của thuốc lá nhưng vẫn chủ động sử dụng và nhiều người thất bai trong việc "cai thuốc". Hiện nay, 90% bệnh nhân ung thư phổi có liên quan trực tiếp đến hút thuốc

Bác sỹ Trần Văn Thuấn, PGĐ Bệnh viện K cho biết, mỗi năm Việt Nam có thêm 150 ngàn bệnh nhân ung thư mới và 100 ngàn người tử vong vì ung thư. Theo ông Thuấn, người bệnh luôn cho rằng hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ, nhưng họ vẫn hút thuốc.

“Thuốc lá là thứ có hại duy nhất mà người bệnh chủ động sử dụng”, ông Thuấn nói. Nghiên cứu của Bệnh viện K cho thấy, “vai trò” của thuốc lá rất rõ trong các căn bệnh như ung thư phổi, hạ thanh quản và nhiều chứng bệnh ưng thư khác.  

Để phòng chống bệnh ung thư phổi, các chuyên gia khuyến cáo yếu tố quan trọng nhất là làm giảm số người hút thuốc lá bởi lẽ, 90% bệnh nhân ung thư phổi có liên quan trực tiếp đến hút thuốc là và do vậy có thể phòng tránh được. Tỷ lệ chết giảm xuống rõ rệt ở bệnh ung thư phổi sau khi họ ngừng hút thuốc lá. Bên cạnh đó cần cải thiện vệ sinh công nghiệp, tránh tiếp xúc với bụi silic,vv…

Thuốc lá gây ra gánh nặng bệnh tật, kéo theo cả gánh nặng kinh tế. Theo một nghiên cứu của ĐH Y Hà Nội (thực hiện năm 2007), chi phí điều trị của 3 căn bệnh liên quan đến thuốc lá (gồm ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim mạch vành) là 2.304 tỷ đồng (khói thuốc lá gây ra tổng cộng 25 bệnh khác nhau).

Đề nghị tăng diện tích cảnh báo trên vỏ bao thuốc

Khói thuốc lá chứa 70 chất gây ung thư, gây nhiều bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi, thanh quản, da, bệnh tim mạch nhưng tất cả những cảnh báo mà hiện nay người hút thuốc nhận được chỉ là dòng chữ "hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi". Dòng chữ cảnh báo này được cho là chưa đủ sức răn đe người hút thuốc.

Vì thế, trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đang được trình Quốc hội, Bộ Y tế đề xuất in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh chiếm 50% diện tích vỏ bao (hiện nay, Việt Nam mới thực hiện in cảnh báo bằng chữ đen trên nền trắng, chiếm 30% diện tích bao thuốc),

Theo nghiên cứu, có đến hơn một nửa số người hút thuốc được hỏi cho biết không quan tâm tới sức khỏe khi nhìn lời cảnh báo hiện hành. Trong khi đó, tại các nước khác, cảnh báo bằng hình ảnh rùng rợn (bằng chính những tác hại mà thuốc lá gây ra cho phổi, miệng, tay, chân, vv…) đã mang lại tác động lớn đối với người sử dụng.

Theo nghiên cứu của WHO, việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh sẽ giúp tránh được 300 đến 700 ca tử vong sớm mỗi năm trong nhiều thập kỷ.

Nước ta đã có nhiều văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề phòng chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, do thiếu chế tài cụ thể nên hiệu quả thực thi chưa cao. Chẳng hạn, từ năm 2010, quy định không hút thuốc nơi công cộng có mái che bắt đầu có hiệu lực, thế nhưng theo báo cáo thì mới chỉ xử phạt... 10 người.

Quy định cấm đã có, nhưng không có ai đi xử phạt. Vì thế, sự ra đời của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá được kỳ vọng sẽ hoàn thiện hành lang và cơ sở pháp lý cho hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá.

Ngọc Anh