- Người dân khu đô thị cao cấp Văn Khê lại tiếp tục “đau đầu” vì trạm biến áp “biết đi” án ngữ khoảng không trước căn hộ của mình.

Đánh bùn sang ao?

Như VietNamNet đã phản ánh, thời điểm cuối tháng 3/2011, hàng chục hộ dân khu liền kề 23 – khu đô thị Văn Khê khiếu kiện chủ đầu tư về việc các căn hộ liền kề này không có điện nước, không có đường đi, hộ dân nào muốn ở phải tự kéo nước, điện… về nhà mình.

Sự việc căng thẳng tới mức, các hộ dân đã liên kết để bầu Ban đại diện khu dân cư để yêu cầu chủ đầu tư – Cty CP Sông Đà – Thăng Long thực hiện theo đúng cam kết, nếu không các hộ dân sẽ kiện ra toà.

Trạm biến áp kiên cố có diện tích xây dựng gần 100m2 – quy mô đủ để đảm bảo cung cấp cho toàn Hà Đông! Tuy nhiên, nó lại là công trình không nằm trong “hành lang xanh” của khu Liên kề, và không thuộc dự án của Sông Đà – Thăng Long.
 

Sau rất nhiều buổi đàm phán, ngày 10/5/2011, đại diện của Cty CP Sông Đà – Thăng Long đã họp với đại diện khu dân cư và đưa ra bản cam kết: thi công tuyến đường liền kề 23 là 11,5m (đã bao gồm cả vỉa hè), đường thẳng và thông hai đầu đường, phàn đất còn lại giữa đường Ngô Thì Nhậm kéo dài và đường 11,5 mét trước cửa liền kề 23 (sau khi đã thi công, Sông Đà – Thăng Long sẽ thi công vườn hoa, công viên, ghế đá.

Theo hợp đồng kinh tế giữa Công ty CP Sông Đà – Thăng Long với người dân về việc mua quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở tại Dự án khu nhà ở Văn Khê: chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn thành hạ tầng cơ sở (hệ thống điện, nước, đường đi, các công trình công cộng khác… của từng lô đất; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ theo bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500.

Thời gian hoàn thiện hạ tầng theo cam kết là quý III/2009. Các hộ dân có trách nhiệm chuyển giao hết tiền khi nhận nhà đã được chủ đầu tư xây dựng theo đúng cam kết hợp đồng.

Tuy nhiên, mặc dù đã nhận bàn giao nhà gần một năm, rất ít các hộ dân dám chuyển về ở, vì muốn ở họ phải tự lắp đặt điện nước và tự làm đường dẫn vào nhà mình.

Tuyến đường theo như Sông Đà – Thăng Long cam kết hồi tháng 5/2011 sẽ rộng 11,5m thay cho con đường rộng 17m như trước khi bán hàng. Tuy nhiên, gần nửa năm trôi qua, nó mới đang được làm… mặt bằng.
 

Tại QĐ số 1346/QĐ-UBND ngày 28/6/2006 và QĐ số 141/QĐ-UBND ngày 18/01/2007 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) về quy hoạch chi tiết Dự án khu nhà ở Văn Khê, khu liền kề 23 còn có một con đường rộng 17 mét, có vỉa hè, đường vào nhà, khoảng lưu không trước khu 23… mà không có bất cứ biểu hiện nào của việc xây dựng trạm biến áp chắn trước cửa nhà dân.

“Khi tìm hiểu, chúng tôi còn được biết họ sẽ xây dựng một khu nhà mới trên khoảng đất lưu không làm vườn hoa, cây xanh của cả khu 23. Nếu điều này là đúng thì hợp đồng kinh tế này bị vi phạm trắng trợn. Chúng tôi sẽ khởi kiện chủ đầu tư ra tòa nếu như họ không có phương án xử lý!” – một hộ dân khi đó bức xúc.

Những hạ tầng theo thiết kế chu đầu tư không thực hiện, và rất nhiều hộ dân mua nhà xong không dám về ở vì không có điện, nước sinh hoạt và đường vào nhà. Tình trạng trên kéo dài hơn một năm trời khiến những người kiên nhẫn nhất cũng phải bỏ cuộc.

Và, đó cũng chính là lý do 23 hộ dân khu Liền kề này chấp nhận phương án chủ đầu tư đưa ra: thay con đường 17m bằng con đường 11,5 mét, với điều kiện khoảng không trước khu liền kề này phải được quy hoạch vườn hoa cây xanh chứ không được phép xây dựng dãy nhà khác lên khoảng lưu không này.

Phát biểu trên báo chí thời điểm đó, ông Nguyễn Trí Dũng - TGĐ Công ty CP Sông Đà – Thăng Long khẳng định: nếu chủ đầu tư không thi công được con đường 1.08 như thiết kế sẽ bồi hoàn tiền cho người dân vì sự khuyết của hạ tầng này.

Sau hơn 5 tháng trôi qua, thời điểm hiện tại khi chúng tôi có mặt vào chiều ngày 08/11, con đường này cũng đã bắt đầu được đổ cát làm mặt bằng cũng như xây dựng hệ thông cống thoát nước…

Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa dừng lại ở đó!

Trạm biến áp “biết chạy”

Một trong những nội dung khác mà các hộ dân Liền kề 23 bức xúc với chủ đầu tư, đó là trạm biến áp “mọc” án ngữ khoảng không của nhiều hộ gia đình, trong khi đó, bản thiết kế kỹ thuật không có công trình này.

Thời điểm cuối tháng 3, chiếc trạm biến áp này được xây dựng ở trước cửa các hộ LK 23 – 11, LK 23 – 12… hộ gia đình anh Tuấn (lô LK 23 – 11).

Anh Tuấn, lô LK 23 – 11 khi đó bức xúc về việc một nhóm thợ đến trước cửa nhà mình đào hố, xây móng… Hỏi ra, anh được biết họ đang xây dựng một trạm biến áp điện. “Gạch đá tập kết ùn ùn trước cửa, 3-4 hộ dân chúng tôi không có lối vào, phải đi men, đi vòng. Nhưng, nguy cơ bị bịt lối đi về lâu dài là chắc chắn, nếu như cái trạm biến áp này được xây dựng xong”.

Một trong những nội dung khác mà các hộ dân Liền kề 23 bức xúc với chủ đầu tư, đó là trạm biến áp “mọc” án ngữ khoảng không của nhiều hộ gia đình, trong khi đó, bản thiết kế kỹ thuật không có công trình này.
 

Về nội dung này, ông Nguyễn Trí Dũng, lãnh đạo của Sông Đà – Thăng Long giải thích: Ông Dũng cũng khẳng định: việc xây trạm biến áp trước nhà dân là không nằm trong bản đồ quy hoạch, và cũng không do Công ty Sông Đà – Thăng Long xây dựng.

“Chúng tôi sẽ “bứng” trạm biến áp này đi vì nó không có trong sơ đồ quy hoạch cũng như do chúng tôi thi công. Hình như nó thuộc BQK dự án giãn dân Vạn Phúc. Không có lý gì mà họ được xây dựng trạm điện trên khu quy hoạch của chúng tôi”.

Đơn vị này cũng thừa nhận việc hoàn thiện việc hạ đường dây điện ngầm và đường ống dẫn nước đến khu vực hàng rào của khu căn hộ. Lý do chậm trễ đó là việc kéo điện, nước từ nơi cấp phát về.

Sau khi đấu tranh, trạm biến áp này đã không án ngữ mặt tiền của các lô liền kề 11, 12 nữa. Tuy nhiên, nó lại “chạy” sang án ngữ hết các lô khác, cụ thể là lô LK 17, 18,19 và vẫn nằm trên phần đất lưu không được quy hoạch thiết kế trồng vườn hoa cây xanh.

Chị Nguyễn Tú Anh, chủ lô liền kề 17 – 23 bị trạm biến áp này che lấp toàn bộ phần mặt tiền nhà mình cho biết: khoảng tháng 9 tôi sang vẫn chưa có gì xảy ra. Thế mà chỉ một tháng sau, khi tôi sang thì đơn vị thi công đã xây dựng hết… tầng một của trạm biến áp.

Trạm biến áp hiện tại đang được xây dựng có chiều rộng 6,5 mét, dài 14 mét, và được xây kiên cố như một căn hộ dân sinh. Chị Tú Anh nghi ngờ: “Một trạm biến áp dành cho khu dân cư, không ai xây dựng với quy mô quá lớn như vậy. Tôi cho rằng họ sẽ chỉ dành một phần diện tích để đặt trạm biến áp, phần còn lại cho thuê mặt bằng kinh doanh!”.

Tuy nhiên, điều bức xúc nhất, về hợp đồng mua bán, phía Sông Đà – Thăng Long cam kết, dự án gồm có các hạ tầng: đường 1.08 (tương đương 17m), điện nước, hành lang vườn hoa cây xanh… Trong hợp đồng và trong bản đồ quy hoạch không có bất cứ chi tiết nào nói về trạm biến áp.

“Những hạ tầng trên là cơ sở để cấu thành giá mua căn hộ, và nó đã nằm trong giá mua căn hộ. Chúng tôi phải bỏ tiền để mua những hạ tầng đó, nên chủ đầu tư không có quyền xây dựng bất cứ một công trình không nằm trong quy hoạch trong phần đất đã phân lô bán cho chúng tôi” – chị phân tích.

Giải thích điều này, ông Nguyễn Trí Dũng phát biểu trên báo chí: "Dự án của chúng tôi được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt từ năm 2006, nhưng sau đó, Dự án giãn dân Vạn Phúc được cấp liền kề với dự án của chúng tôi, nên khi biểu hiện trên thực địa, vùng giáp biên của hai dự án này bị biến đổi. Đây là lỗi của cơ quan cấp phép, họ chưa đi thực tế trước khi ký quyết định phê duyệt. Chúng tôi cũng đang đau đầu về điều này!”.

Ông Dũng cũng khẳng định: việc xây trạm biến áp trước nhà dân là không nằm trong bản đồ quy hoạch, và cũng không do Công ty Sông Đà – Thăng Long xây dựng.

“Thế nhưng khi chúng tôi sang làm việc, họ lại nói đó không phải trách nhiệm của Sông Đà – Thăng Long, mà của dự án khác. Chúng tôi muốn kiện thì phải sang đó để kiện!” – chị Tú Anh cho biết.

K.Trung