- Trước vụ việc liên
quan đến “đường dây XKLĐ đi Hàn Quốc” của bà Vũ Thị Bích Ngọc, Cục Quản lý lao
động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) đã có công văn yêu cầu Sở LĐTBXH tỉnh Nam Định làm
rõ.
Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra đột xuất xác minh các vấn đề dư luận phản ảnh. Sau hơn một tháng thanh tra, khi làm việc với VietNamNet, ông Phạm Lê Hà, Chánh Thanh tra Sở LĐTB&XH Nam Định cho biết: “Về cơ bản chúng tôi cũng đang làm, nhưng kết quả thì chưa có….”.
Thanh tra có… mập mờ?
Tại buổi làm việc, ông Phạm Lê Hà và ông Lưu Văn Tuyển, Chánh Văn phòng Sở
LĐTB&XH cho biết: gày 26/10, Sở đã thành lập đoàn thanh tra về trường hợp bà Vũ
Thị Bích Ngọc là nhân viên tư vấn bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm Giới thiệu
việc làm tỉnh Nam Định chứ không có nhiệm vụ liên quan tới tiếp nhận hồ sơ lao
động đi XKLĐ tại Hàn Quốc.
Ông Phạm Lê Hà (ảnh trái), Chánh thanh tra và ông Lưu Văn Tuyển (ảnh phải), Chánh Văn phòng Sở LĐTB&XH. |
Ông Hà cũng cho biết thêm: Số tiền viết giấy biên nhận vay của lao động Trần Phú Cường, bà Ngọc lý giải là vay mượn cá nhân, khi đó bố bà Ngọc ốm nên vay mượn sử dụng vào việc riêng. Hiện thanh tra Sở chỉ thu thập được những giấy vay nợ nên chưa có cơ sở xác minh.
"Về cơ bản, chúng tôi cũng đang
làm nhưng kết quả thì chưa có. Chúng tôi xác minh thì chưa có chứng cứ rõ ràng",
ông Hà cho biết.
Thế nhưng, khi PV đưa tờ giấy biên nhận chứng tỏ bà Ngọc nhận tiền để lo cho anh
Trần Phú Cường đi Hàn Quốc thì ông Hà đã lung túng và nói: "Bản này tôi chưa
có".
Quay lại với sự việc của lao động Trần Phú Cường, anh này cho biết: Sau khi sự
việc được phanh phui, bà Ngọc đã đem 2000 USD đến nhà anh để trả lại và “mặc cả”
trả xong phải viết giấy bãi nại cho bà.
Ngay sau khi bà Ngọc trả lại tiền
cho gia đình anh Cường, thì ngày hôm sau công an và Thanh tra Sở đến xác minh
việc anh này đã nộp tiền cho bà Ngọc.
“Có 2 cán bộ thanh tra đến hỏi về thời điểm nộp tiền và lý do đưa tiền cho bà
Ngọc. Và tôi cũng đã trả lời rất rõ ràng 6.000 USD đưa cho bà Ngọc là để bà lo
cho tôi đi XKLĐ tại Hàn Quốc. Lúc đầu khi gia đình tôi đòi lại tiền thì bà Ngọc
chỉ trả lại 4.000 USD, 2.000 USD còn lại chỉ sau khi báo chí lên tiếng bà Ngọc
mới trả”, lao động Cường cho biết.
Về việc bà Ngọc “giữ” 2000 USD của lao động Trần Phú Cường, ông Phạm Lê Hà cho
biết , bà Ngọc có trình ra một thông báo tạo nguồn lao động đi Hàn Quốc theo
dạng visa E7 của Công ty CP XKLĐ thương mại & du lịch TTLC.
Trong thông báo này ghi rõ lao
động trúng tuyển sẽ nộp 2000 USD để “đặt cọc”. Bà Ngọc đã lý giải: ngày
18/9/2011 gia đình Cường đưa cho tôi 2000 USD để làm thủ tục bảo đảm hợp đồng
cho Cường theo thông báo của công ty TTLC.
Liên quan đến Công ty TTLC, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Trí Dũng, Phó
Tổng giám đốc lại khẳng định: “Công ty không có mối liên hệ gì với bà Vũ Thị
Bích Ngọc. Với chương trình visa E7, công ty mới chỉ ra thông báo tạo nguồn lao
động đăng ký danh sách tham gia để chuẩn bị cho các đợt tuyển chọn, kiểm tra tay
nghề trực tiếp của đối tác Hàn Quốc vào tháng 12. Công ty cũng chưa thu bất kỳ
một khoản phí nào của người lao động”.
Lao động Cường cho biết: Lúc đầu khi gia đình tôi đòi lại tiền bà Ngọc chỉ trả lại 4.000 USD, 2.000 USD còn lại chỉ sau khi báo chí lên tiếng bà Ngọc mới trả. |
Trong khi đó, để đi được theo diện visa E7 yêu cầu lao động phải có ít nhất 5
năm kinh nghiệm và điều kiện tuyển cũng rất khắt khe.
Ngày 1/12, Công ty TTLC đã có công văn gửi Công an tỉnh Nam Định, Sở LĐTB&XH
tỉnh Nam Định đề nghị làm rõ trách nhiệm của những đối tượng liên quan, tránh
ảnh hưởng đến uy tín công ty.
Như vậy, rõ ràng, cách giải thích
của bà Ngọc có mâu thuẫn và khuất tất cần sớm được làm rõ.
Và những bất thường
Trong buổi làm việc với báo chí, ông Phạm Lê Hà cho biết, tại Trung tâm GTVL bà
Ngọc không được giao nhiệm vụ tư vấn XKLĐ, vậy vì sao bà Ngọc có thông báo tuyển
dụng này để mạo nhận đưa lao động cho công ty TTLC?
Để trả lời câu hỏi này cũng như xác minh việc bà Ngọc đứng ra nhận lo cho lao
động đi Hàn Quốc tại Trung tâm GTVL, chúng tôi đã trực tiếp đến liên hệ làm việc
lãnh đạo trung tâm.
Tuy nhiên, cuộc làm việc bất
thành bởi ông Đỗ Thanh Sơn, Giám đốc trung tâm đi công tác xa.
Trao đổi qua điện thoại, ông Sơn nói, việc liên quan tới bà Vũ Thị Bích Ngọc chỉ
ông mới được quyền phát ngôn, không một ai trong trung tâm được nói thay. Ông
Sơn khẳng định rằng đây là chỉ đạo của Giám đốc sở LĐTBXH Nam Định - ông Nguyễn
Văn Vinh.
Trong khi đó, quá trình tác nghiệp tại tỉnh Nam Định, nhóm phóng viên đã tiếp
xúc với rất nhiều nguồn tin tố giác những “bất thường” trong hoạt động tiếp nhận
hồ sơ của lao động có nguyện vọng đi lao động Hàn Quốc theo chương trình EPS ở
trung tâm này.
Ông Mai Đình T. (huyện Mỹ Lộc, TP. Nam Định) cho biết, cách đây 2 năm con rể ông
là anh Mai Trung Quang đăng ký đi lao động ở Hàn Quốc qua một người tên Khoa
giới thiệu là làm trong ngành LĐTBXH địa phương. Ông Khoa ra giá 150 triệu đồng
và yêu cầu nộp trước 50 triệu đồng.
Khi anh Quang thi đỗ và được chọn sang làm việc tại Hàn Quốc, ông Khoa yêu cầu
gia đình anh phải nộp nốt 100 triệu, nếu không sẽ không đưa lịch xuất cảnh cho
anh Quang. Ông T. cho hay, khi ấy “người của Trung tâm GTVL” đã giữ lịch bay của
anh Quang và chỉ tới khi ông nhờ người nhà “làm to” ở tỉnh can thiệp thì lịch
bay của anh mới được chuyển cho gia đình.
Sau đó, cháu của ông T. là anh Mai Văn Tiền cũng bị “người của trung tâm” giữ
lịch bay khi chưa “chồng đủ tiền” cho “đầu dây”. Thậm chí, ông T. còn cho hay,
người này còn tuyên bố thẳng với anh Tiền: tôi ký cho anh lịch bay thì tôi cũng
có thể ký lịch hoãn, anh liệu mà thanh toán đầy đủ cho người mà anh 'chạy' nếu
không rắc rối kệ anh.
Nhóm PV