Phiên phúc thẩm xét xử ông chủ “địa ngục” massage Tân Hoàng Phát và các đồng phạm đã bước vào phần nghị án nhưng những người tham dự phiên tòa không khỏi băn khoăn về những tình tiết bất thường.

Ngày 9/12, sau khi kết thúc phần tranh luận, đại diện VKSND Tối cao tại TP.HCM đã phát biểu quan điểm về vụ án.

Theo Viện kiểm sát, cấp sơ thẩm xác định tội danh cũng như mức hình phạt đối với 6 bị cáo trong vụ án trên là hoàn toàn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

“Đúng người, đúng tội”!

Theo Viện kiểm sát, căn cứ vào hồ sơ vụ án, nhận thấy có đủ cơ sở xác định: trong quá trình kinh doanh dịch vụ massage, vợ chồng bị cáo Phan Cao Trí - Phan Thị Yến cùng đồng bọn đã cùng nhau tổ chức biến tướng thành hoạt động kinh doanh không lành mạnh (massage kích dục).

Về tội danh, theo Viện, việc vợ chồng Phan Cao Trí lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của các nữ tiếp viên Phan Cao Trí cùng đồng bọn đã buộc họ phải ký cam kết lao động với điều kiện hà khắc như phải tiếp khách từ 9 giờ sáng đến 1giờ khuya, không được nghỉ phép, không được tự do ra ngoài khi chưa có người canh chừng là đã làm mất quyền tự do đi lại của họ.

Hành vi trên của các bị cáo Phan Cao Trí, Phan Việt Hậu, Phan Quốc Cường đã phạm vào tội “bắt giữ người trái pháp luật”.

Bên cạnh đó, khi các nữ tiếp viên vi phạm các quy định hà khắc của công ty, vợ chồng Trí – Yến đã cho nhân viên đánh đập, khi nhân viên muốn nghỉ việc buộc họ hoặc gia đình phải nộp tiền, nếu vi phạm quy định phải nộp phạt…là đã phạm vào tội “cưỡng đoạt tài sản”.

Từ đó, Viện nhận định việc các bị cáo bị truy tố, xét xử về các tội danh trên là không oan.

Bị cáo Phan Cao Trí cùng đồng bọn sau phiên toà

Về hình phạt, Viện kiểm sát nhận định mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên với bị cáo Phan Cao Trí (12 năm tù), Phan Việt Hậu (em vợ Trí) 10 năm tù, bốn bị cáo còn lại từ 2 đến 9 năm tù là hoàn toàn phù hợp.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo không đưa ra được tình tiết giảm nhẹ nào mới nên Viện đề nghị tòa bác toàn bộ kháng cáo kêu oan của 4/6 bị cáo trong đó có vợ chồng ông chủ “tập đoàn” massage Tân Hoàng Phát cũng như kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của hai bị cáo còn lại, tuyên y án sơ thẩm.

Viện – Tòa “vênh” nhau

Tại tòa, sau phần đề nghị của Viện kiểm sát, các luật sư đã tham gia tranh luận. Luật sư Nguyễn Đăng Trừng bào chữa cho bị cáo Phan Cao Trí cho rằng thân chủ của mình không phạm tội.

Các luật sư còn lại cũng lần lượt tham gia bào chữa. Tuy nhiên, điều bất thường tại phiên tòa phúc thẩm lần này, vị đại diện Viện kiểm sát không phải mất nhiều thời gian tranh luận với các luật sư mà phải mất khá nhiều thời gian để “đối đáp” với Hội đồng xét xử về số lượng người bị hại trong vụ án.

Theo Viện, căn cứ vào hồ sơ, khi cơ quan chức năng đột kích vào “địa ngục” massage Tân Hoàng Phát đã giải thoát cho tổng cộng 65 nữ tiếp viên, điều này đã được thể hiện rõ ràng trong hồ sơ vụ án với 65 lời khai.

Quá trình điều tra, 29 bị hại khác từng làm việc tại Tân Hoàng Phát đã làm đơn tố cáo. Sau đó, một trong số 65 tiếp viên khai họ hoàn toàn không bị đánh đập, giam giữ..do đó số bị hại trong vụ án là 93 người.

Theo Tòa, cáo trạng nói trong số 93 tiếp viên chỉ có 9 trường hợp đủ căn cứ truy tố do đó việc xác định 93 tiếp viên trên là bị hại trong vụ án là có phần chưa đúng, việc xác định có bao nhiêu bị hại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khung hình phạt mà các bị cáo phải chịu (càng nhiều bị hại mức hình phạt càng cao).

Tuy nhiên, theo hồ sơ có thể nhận thấy rằng, trong vụ án vợ chồng Trí – Yến cùng đồng bọn đã phạm vào một trong hai tội “bắt giữ người trái pháp luật” và “cưỡng đoạt tài sản” và hai đối tượng người bị hại của hai tội danh này hoàn toàn khác nhau.

Đối với tội “bắt giữ người trái pháp luật”, khi cơ quan chức năng kiểm tra có 64 người (một trường hợp khai không bị giam giữ) đang bị giam giữ sau đó có thêm 29 người làm đơn tố cáo do đó số bị hại phải là 93 người mới đúng.

Còn về tội “cưỡng đoạt tài sản”, cáo trạng xác định trong số 93 trường hợp trên chỉ có 9 trường hợp đủ căn cứ truy tố do đó cần hiểu riêng tội cưỡng đoạt thì có 9 bị hại còn tội “bắt giữ người trái pháp luật” có 93 bị hại, hai đối tượng bị hại của hai tội danh trên khác nhau.

Tuy nhiên, không hiểu sao Tòa không thống nhất điều này mà có ý cho rằng tổng số bị hại trong vụ án chỉ có 9 người?

Trong phần tranh luận, Tòa cho rằng kết luận của cáo trạng tiền hậu bất nhất khi nói trong 93 trường hợp chỉ có 9 trường hợp đủ cơ sở truy tố. Khi Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm, Tòa đã chất vấn dồn dập “VKS kết luận có 93 người bị hại từng bị bắt giữ vậy bắt ai? ai bắt? ai giữ? phải kết luận cho rõ ràng”.

Đương nhiên, Viện không thể ngồi thống kê được hết số người trên, tên họ thế nào…nên chỉ biết khẳng định rằng mình giữ nguyên quan điểm.

Viện cho rằng bản án sơ thẩm đã xác định có 93 bị hại và trong phạm vi xét xử phúc thẩm, Tòa xem xét lại bản án sơ thẩm chứ không sa đà vào cáo trạng thì Tòa nói thêm “VKS chú ý, nếu Tòa tuyên bị cáo không có tội là không có tội như truy tố chứ không phải như bản án sơ thẩm mà nói thế”…

Thế là, phần tranh luận diễn ra khá căng không phải giữa Viện kiểm sát với luật sư mà là giữa Viện với Tòa.

Trước đó, tại phiên tòa ngày 4/8, cách xét hỏi của chủ tọa Phạm Hồng Việt đã khiến không ít người nghe cảm thấy ngỡ ngàng. Khi vừa nghe một bị hại khai các bị cáo đã khống chế không cho đi lại, không cho ra ngoài, khi ra ngoài phải có người canh chừng thì chủ tọa đã “chua” thêm “người ta bỏ tiền ra kinh doanh, không quản lý các chị để các chị đi lung tung thì người ta phá sản à?”.  

Sau phần tranh luận, HĐXX tiến hành nghị án, sẽ tuyên án vào 8 giờ sáng ngày 12/12.

M.Phượng