– Gặp gỡ một người đàn ông đồng cảnh ngộ, mong muốn giã từ vết nhơ, xây dựng tổ ấm dù chỉ từ con số “0”. Nhưng ma túy cũng nhất quyết không buông tha. Ngày biết chồng tái nghiện, cũng là ngày Mai biết mình đã mang thai đứa con của anh.

Sida đấy, eo ơi sợ nhỉ!

Hai mươi tuổi, tôi bước chân vào trại cai nghiện dưới cái hình thể tàn tạ, xiêu vẹo chỉ còn da bọc xương! Được các anh công an hình sự phường đưa đi trên chiếc xe thùng màu trắng bít bùng kín bốn phía, ấy vậy mà tôi thấy lòng háo hức kỳ lạ…. rồi đây một trang đời mới sẽ mở ra!

Tôi mơ màng nghĩ về quãng thời gian sắp tới, ấp ủ mọi dự định nối tiếp nhau với khát vọng mãnh liệt được “làm lại từ đầu”.

Nhưng…Bất ngờ thay…sau hai tháng tập trung cai nghiện ở đó, khi sức khoẻ của tôi đang hồi phục rất tốt thì bỗng choáng váng, ngỡ ngàng bởi cái tin sét đánh: Tôi được phát hiện đã nhiễm căn bệnh HIV trong một đợt xét nghiệm máu toàn trại!

Thế là hết thật rồi! Chẳng còn gì là cuộc sống tương lai nữa cả! Ai? Điều gì đó đã xô tôi tới cái kết cục ngày hôm nay? Lòng thù hận bấy lâu đã lắng xuống, giờ lại được dịp len lỏi vào từng mạch máu trong quả tim của tôi!

Hết thời hạn 6 tháng, tôi trở về gia đình như một thủ tục hoàn tất cho các quy trình cai nghiện – phục hồi. Lúc này, mẹ tôi đã thôi bán sạp rau quả và đồ khô. Bà xoay sang dọn một quán ăn bình dân và bán thêm vài thức uống giải khát.

Không biết từ đâu nguồn thông tin tôi vừa đi cai về, lại bị HIV rò rỉ rồi mau chóng loan ra khắp ngõ phố? Là một khu dân cư gồm đa phần đều là những người thuộc tầng lớp lao động nghèo, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, nên số đông hàng xóm tỏ ra có vẻ rất tò mò, hiếu kỳ!

Hễ ai có dịp đi qua nhà tôi, họ đều “tế nhị” cố đi chậm lại, rồi đưa cặp mắt dò xét, săm soi vào tận góc trong cùng ngôi nhà với hy vọng được nhìn tận mắt người mang “căn bệnh thế kỷ”.

Song tuyệt nhiên, hàng quán của mẹ tôi bỗng dưng không một bóng khách ghé vào mua – bán. Có hôm tôi vừa bước ra đường một đám trẻ con đang nô đùa chạy nhảy, chợt chúng xúm lại thì thầm với nhau nhưng tôi nghe rất rõ:

- Sida đấy…Eo ơi…Sợ thế nhở!

Tôi tê tái trong lòng, đêm về trằn trọc không sao ngủ được vì cái âm thanh oan nghiệt kia cứ vang vọng luẩn quẩn khắp bốn phía xung quanh!

Mẹ vẫn vậy, luôn cay nghiệt với tôi dù không còn đánh đòn tôi như lúc trước! Mối quan hệ  “mẫu – tử” giữa chúng tôi vốn đã có nhiều mâu thuẫn ẩn sâu bên trong, nay lại càng trở nên tồi tệ hơn vì lý do tôi là “đứa hư hỏng”!

Miệng tiếng thế gian khiến mẹ tìm cách giam lỏng tôi giữa bốn bức tường. Thậm chí, tôi bị cấm không được lai vãng xuống nhà dưới, chỉ quanh quẩn trên căn gác xép mà ánh sáng mặt trời chỉ lọt được vào qua mấy khe cửa thông gió.

Mẹ không cho tôi đụng vào việc gì trong nhà, mọi vật dụng sinh hoạt đều được bà sắp riêng cho tôi từ cái bát, đôi đũa. Mà sau mỗi bữa ăn việc thứ nhất tôi phải làm là tự tay rửa riêng bát đũa của mình.

Đôi khi, tôi tìm cách gợi chuyện – hy vọng phá đi sự ngăn cách giữa hai mẹ con tôi. Tuy nhiên, bà chưa bao giờ cho phép tôi ngồi sát gần bên cạnh, nếu đoán biết tôi có ý định ấy. 

Bà sẽ nhắc nhở tôi trước rằng hãy ngồi xa ra một chút. Tôi thấy mình sao mà buồn tủi kinh khủng! Cô đơn và mặc cảm cứ ngày một chất đầy!

Cuộc sống gia đình chúng tôi chỉ trông cậy cả vào quán hàng. Nhưng từ khi tôi về nó rơi vào tình trạng ế ẩm kéo dài khiến điều kiện kinh tế lâm vào khó khăn, quẫn bách. Không làm ăn được gì, mẹ tôi sinh ra bực dọc, cáu gắt, chì chiết, còn tôi chỉ biết ôm đầu ngồi thở dài trên căn gác xép mà cõi lòng như thắt lại!

"Vòng quay của ma tuý đưa tôi ra – vào trại cai nghiện hết lần này cho tới lần khác!" (ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: baodatviet.).
 

Để xoay chuyển tình thế, mẹ bảo tôi hãy dọn ra ngoài, đi thuê nhà ở riêng, khoản tiền mỗi tháng bà đồng ý sẽ chi trả. Bà còn thẳng thừng yêu cầu tôi từ nay về sau vĩnh viễn đừng bao giờ quay về ngôi nhà này!

Chẳng còn cách nào khác, tôi buộc phải làm theo ý bà. Như một kẻ giữa lúc gặp cơn hoạn nạn, sóng gió thì bị bỏ rơi, tôi lủi thủi một thân, một mình trong cái thế giới tách biệt và bế tắc – bức bối oán hận cuộc đời, lòng thù hận làm tối mắt tôi!

Ma tuý luôn khôn khéo và ranh mãnh, hình như nắm bắt được tâm trạng mu muội của tôi, nó lôi kéo tôi quay trở lại trong cám dỗ, nó ru ngủ đi nỗi hận đời của tôi bằng những cơn ảo giác ma mị…

Tôi lại trượt dốc! Tự mình nhấn chìm xuống bao khát vọng làm lại cuộc đời đã đôi lần từng nhen nhóm!

Như một quy luật tất yếu sẽ phải diễn ra: Vòng quay của ma tuý đưa tôi ra – vào trại cai nghiện hết lần này cho tới lần khác!

Hạnh phúc trong đớn đau

Đi cai lần thứ ba, tôi quen biết rồi yêu một thanh niên cùng cảnh ngộ, anh ấy cũng từng mắc nghiện và đang mang căn bệnh HIV trong mình như tôi.

Chúng tôi đến với nhau bằng tất cả mối đồng cảm, chia sẻ, động viên nhau cùng vượt qua bao tháng ngày gian nan cai nghiện. Và quyết tâm cùng nhau hướng tới một tương lai hoàn lương- giã từ những quá khứ đã có nhiều vết nhơ của ngày hôm qua!
 
Rời khỏi nơi ấy, chúng tôi cùng trở về gặp nhau. Anh dẫn tôi tới giới thiệu với gia đình, sau đó xin phép họ cho chúng tôi kết hôn. Nhưng khi biết rõ về quá khứ và gia cảnh không mấy tốt đẹp của tôi, họ tỏ ý ngăn cấm, kiên quyết không chấp nhận cuộc hôn nhân này. Dù đã nhiều lần phân tích, thuyết phục mà kết quả không như chúng tôi mong muốn!
 
Đành vậy! Chúng tôi thuê một căn nhà nhỏ để chung sống- hy vọng rằng sau này khi chúng tôi có một cuộc sống tốt – lương thiện, gia đình anh sẽ từ từ thay đổi cách nhìn mà chấp nhận những nỗ lực của chúng tôi.
 
Bắt tay vào việc xây dựng “tổ ấm” của mình dù chỉ từ con số “0”, nhưng tôi và anh đều cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, háo hức hoà nhập trong cuộc sống của bao người dân lao động chân chính, bình dị!

Xã hội bây giờ trình độ – bằng cấp không, sức khoẻ cũng không có, vậy để xin được một việc làm đàng hoàng còn khó hơn “mò kim đáy bể”. Tôi đành sắm sửa vài vật dụng: thuốc, nước, kẹo bánh… xếp vào vừa đủ chiếc làn, rồi xách “quán trà di động” đi rong ở một bén xe khách.

Tôi chen lấn giữa các đầu xe đỗ trên sân, mời chào và bán cho những bác tài cùng hành khách trên xe. Sáng sáng, anh ấy chở tôi ra đó, rồi tới làm thuê cho một cửa hàng cắt tóc nam.

8 giờ tối anh lại về đón tôi, gặp hôm tôi còn khách mua hàng, anh dựng xe kiếm thêm vài đồng bằng một, hai cuốc xe ôm. Cũng long đong lắm cái cảnh cánh hàng rong liên tục bị đội cảnh sát trật tự đuổi, cuống cuồng chạy đôn chạy đáo, có khi phải “bỏ của chạy lấy người”!

Nhưng rồi sau mỗi một ngày rong ruổi nắng mưa với bụi bặm bê bết – chúng tôi lại nhìn nhau bằng nụ cười đầy ắp sáng bừng trên môi.
 
Giá như cuộc sống chỉ có vậy thôi thì cũng đã mãn nguyện  biết bao…!
 
Ma tuý lại một lần nữa len lỏi vào cuộc sống ấy, nó không buông tha cho chúng tôi! Không biết tự lúc nào, anh lén lút, giấu giếm tôi việc anh sử dụng lại. Cho tới lúc tôi hay được chuyện này cũng là lúc tôi mới biết mình đã mang thai đứa con của anh !

Không một ai tán thành việc giữ lại cái thai để sinh nở bởi lý do chúng tôi đề bệnh tật như thế! Mẹ tôi chính là người phản đối gay gắt nhất – bà làm toáng mọi chuyện lên với anh, bắt anh cam đoan sẽ đưa tôi đi nạo phá.

Mặc dù ngoài mặt tỏ ra tuân theo ý mẹ, nhưng thực chất tôi đã âm thầm giấu giếm để lại cho tôi khi cái bùng lùm lùm lớn dần lên.

Đột ngột một ngày, tôi hụt hẫng chứng kiến anh ấy bị cưỡng chế bắt vào trại cai nghiện thêm một lần nữa! Bụng tôi đã nặng nền, lại phải sống ở ngoài một thân một mình nếm trải đầy cơ cực.

Nghĩ thương cho đứa bé trong bụng! Tôi tìm về van nài để mẹ cho tôi trở về nhà. Nói hết nước hết cái thì bà cũng chịu đồng ý, song với một điều kiện: sau khi sinh nở xong, tôi phải lập tức bỏ lại đứa trẻ ở bệnh viện chứ không được mang về nuôi nó.

Thôi thì trước mắt cứ đành gật đậu, rồi sau ra sao thì tính tiếp! Tôi quay về, lại ru rú trên căn gác xép tăm tối, chẳng dám thò mặt để ai thấy mình! Dường như sự khó chịu của mẹ tỉ lệ thuận theo độ lớn – nhỏ của cái bụng tôi!

Hễ đi thì chớ, về đến nhà chạm mặt tôi là bà lại cau có, eo xèo.

- Của nợ… Đúng là của nợ! Mày cứ ở rịt trên ấy đi, đừng có mà xuống để hàng xóm họ trông thấy cái “nghiệp chướng” này… Ô nhục cái mặt tao lắm!... Nghe chưa con kia!

Hoàng Sang – Vân Anh(còn nữa)

(Bài viết sử dụng tư liệu trong phần tự truyện của nữ phạm nhân Trần Thị Hoàng M.)