Nhìn lại đời sống giới trẻ Việt Nam năm 2011, dư luận phải giật mình với số lượng tội ác và bạo lực gia tăng chóng mặt.

Những mảng tối đáng báo động

Nhìn lại năm 2011, dư luận Việt Nam đã bao phen rúng động, bàng hoàng vì những vụ phạm tội kinh hoàng, nữ sinh đánh nhau dã man hay hàng loạt các hành động, phát ngôn gây sốc khiến cộng đồng phẫn nộ… Đáng suy nghĩ và đau lòng hơn cả khi hầu hết thủ phạm trong các vụ việc còn rất trẻ.

Tháng 8/2011, vụ thảm sản tại tiệm vàng Ngọc Bích xảy ra làm dư luận cả nước kinh hoàng. Không ai ngờ, hung thủ Lê Văn Luyện – kẻ xuống tay giết chết ba mạng người, không tha cả đứa bé 18 tuổi, chặt đứt lìa tay cháu nhỏ 9 tuổi lại chưa đầy 18 tuổi.
Sát thủ tuổi teen Lê Văn Luyện.
Không kém về mức độ tàn bạọ là vụ án 95 nhát dao sát hại thai phụ 8 tháng tại Quảng Bình. Vụ án thương tâm càng thêm phần bi phẫn khi thủ phạm lộ diện là nữ, sinh năm 1993, đồng thời là bạn học của nạn nhân.

Trước đó, vụ rủ bạn gái mới quen trên mạng đi chơi rồi xiết cổ, cướp tài sản của Nguyễn Duy Quang – nam sinh viên 20 tuổi của ĐH Xây Dựng cũng khiến nhiều người choáng váng vì độ độc ác, táo tợn.… Hầu hết các vụ việc đáng tiếc đều bắt nguồn từ những nguyên do hết sức tầm thường: Do thủ phạm muốn có tiền tiêu xài, muốn “ra oai” với bạn bè, hoặc do mâu thuẫn tình ái…

Bạo lực còn lan tràn vào môi trường học đường tưởng như không thể kiểm soát. Trên khắp cả nước xuất hiện hàng loạt các clip học sinh, nữ sinh đánh nhau ghê rợn: Nữ sinh Thái Nguyên đánh bạn gục tại chỗ, nữ sinh Bắc Ninh dùng dao lam rạch áo đánh bạn, nữ sinh Bắc Giang “ra tay dạy dỗ” nữ sinh khác trong phòng trọ, nữ sinh Lạng Sơn đánh hội đồng tàn bạo… Bất chấp sự lên án gay gắt của dư luận, các vụ đánh nhau vẫn diễn ra, thậm chí, thủ phạm còn quay clip tung lên mạng, coi đó là một cách thể hiện bản lĩnh của mình.
Dòng status vô nhân tính của "kẹo mút chơi bời" gây bức xúc cộng đồng mạng.
Tình trạng bạo lực tràn lan ấy đi cùng với mức độ gia tăng sự vô cảm trong giới trẻ. Một bộ phận người trẻ tỏ ra bàng quan, lạnh lùng trước nỗi đau của người khác, sẵn sàng vào hùa với đám đông, vô tình tiếp tay cho cái xấu.

Cư dân mạng vẫn chưa quên Kẹo Mút chơi bời (tên thật Đặng Văn Linh) lên facebook "khoe thành tích đâm xe chết người". Hay cô gái tự nhận mình là hotgirl Hà thành có nickname Princess Milano hồn nhiên "ném đá" Nhật Bản trong khi cả thế giới đang chung tay cầu nguyện cho đất nước này qua cơn thảm họa kép… Hoặc ở clip chồng đâm vợ ở hồ Hoàn Kiếm, trong khi sự việc đau lòng này xảy ra thì một số người thản nhiên dùng điện thoại di động quay clip và đưa lên mạng. Tuy không có hành vi gây án dã man, nhưng những câu nói, những phát ngôn hành động lạnh lùng của họ nhẫn tâm và gây đau đớn không kém cho cộng đồng.

Ngoài những hiện tượng nổi cộm này, năm 2011 cũng khép lại với dư âm về những các trò lố gây sốc kiểu như vào chuồng cọp… xỉa răng cho hổ, nam thanh niên… lái xe bằng mông, nhóm thanh niên lạng lách ngông cuồng lao vào đầu ô tô trên quốc lộ 1A, tung clip sex, ảnh “khoe hàng” trên mạng mong nổi tiếng…

Biết bao vụ việc đau lòng, những trào lưu sốc và lố đến khó tin này, đáng buồn thay lại không có dấu hiệu giảm. Chúng phản ánh phần nào những ẩn họa, những mảng tối đáng báo động trong bức tranh đời sống giới trẻ năm 2011.

Không phải ai cũng hời hợt!

Trong khi cả xã hội lo ngại về đạo đức giới trẻ đang bị xuống cấp, cho rằng giới trẻ sống hời hợt, vô cảm, thực dụng, thích hưởng thụ, lười lao động thì một bộ phận không nhỏ những người trẻ bằng hành động thiết thực của mình đang chứng minh ngược lại điều đó. Một loạt những động thái tích cực của người trẻ trong năm qua giúp chúng ta nhận ra rằng: không nên "chụp mũ" cho giới trẻ như vậy.
Nguyễn Trung Hiếu được bầu chọn là một trong 10 gương mặt xuất sắc nhất Thủ đô 2011.
Có thể nói Nguyễn Trung Hiếu, lớp 11 chuyên Lý trường THPT chuyên Amsterdam là một trong những gương mặt trẻ sống "không hời hợt" trong năm qua. Sống trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mẹ lại đau ốm nhưng Hiếu không chỉ là học sinh giỏi toàn diện, mà còn là người con hiếu thảo. Đặc biêt, hoàn cảnh không làm cho em bị ám ảnh bởi tiền bạc.

Trái lại, những suy nghĩ của em khiến cho nhiều bạn trẻ, và ngay cả người lớn tuổi, phải nhìn nhận lại cuộc sống và suy nghĩ về đồng tiền. Bài văn về đồng tiền của Hiếu đã gây xúc động cho hàng triệu bạn đọc. Bài văn là một thông điệp sống, gạt bỏ, đẩy lùi sự ích kỷ, nhân lên tình thương yêu, vị tha và trách nhiệm, có tác dụng thức tỉnh nhiều bạn trẻ chưa nhận diện đúng giá trị của đồng tiền đối với cuộc sống.

Bên cạnh những gương mặt điển hình như Nguyễn Trung Hiếu, cộng đồng người trẻ đã thể hiện tiếng nói, tâm tư tình cảm của mình qua những sự kiện cụ thể. Tấm ảnh một bé gái ăn xin trần truồng quỳ gối xin ăn trên đường phố Giang Tây (Trung Quốc) khiến không ít bạn trẻ rớt nước mắt, phẫn nộ trước cảnh tượng đáng thương.
Giới trẻ lên tiếng bảo vệ sự sáng tạo của mình khi cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ bị cấm xuất bản.
Hành động mất nhân tính của một bạn trẻ khoe thành tích đâm chết người của mình trên facebook có tên là "kẹo mút chơi bời" cũng bị giới trẻ lên án gay gắt, thậm chí các bạn trẻ còn lập hẳn một hội truy tìm "kẹo mút chơi bời" để "xử". Các bạn trẻ kêu gọi nhau giúp đỡ đôi khách Hồng Kong bị cướp trên đường phố Sài Gòn. Người trẻ cũng biết rớt nước mắt trước những câu chuyện cảm động như Thư gửi con, clip món quà Noel tặng mẹ,...

Xung quanh câu chuyện cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ bị cấm xuất bản, những người trẻ cũng đã lên tiếng, mong muốn những sáng tạo của người trẻ phải được tôn trọng. Người trẻ cũng lao động, cũng đổ mồ hôi, công sức, thậm chí là nước mắt thì cần phải được ghi nhận.

Rõ ràng người trẻ vẫn biết cảm thông, chia sẻ với những nỗi đau mất mát của mọi người. Biết lên tiếng bênh vực cái thiện, lên án cái ác. Họ có cá tính, có tiếng nói chứ không sống hời hợt như "người ta" lo ngại.
 
La Hoàn - Quỳnh Anh