– Không chỉ đổ xô sang thực phẩm sạch, các loại hoa quả được quảng cáo là có nguồn gốc từ Mỹ, Úc và “sạch hoàn toàn, không chất bảo quản” cũng đang trở thành sự lựa chọn trong thói quen tiêu dùng của những người giàu có.


Được quảng bá “sạch hoàn toàn”

“Hoa quả nhập khẩu từ Mỹ, Úc”, “sạch hoàn toàn”, “không chất bảo quản” là những cụm từ đã trở nên quen thuộc đối với những người hay mua hoa quả tại các điểm như số 2 Láng Hạ, đầu đường Nguyễn Sơn (quận Long Biên) hoặc một vài địa điểm khác trên toàn thành phố Hà Nội.

Có nhiều người kinh doanh nắm được tâm lý của khách hàng là đã bắt đầu thích mặt hàng này nên chuyển sang bán theo đường “xách tay”, chỉ cần lên mạng quảng cáo tên quả, nguồn gốc, giá cả là khách sẽ chỉ việc ngồi một chỗ để nhận hàng (miễn phí vận chuyển).

Nắm bắt được tâm lý sính ngoại và sợ ăn phải hoa quả chứa chất bảo quản, ngày càng nhiều cửa hàng mọc lên và quảng bá sản phẩm của mình là hàng nhập ngoại từ Úc, Mỹ và đảm bảo không có hóa chất bảo quản.

Khi quảng cáo, người kinh doanh quên nói “nhập khẩu từ Mỹ, Úc rất đảm bảo, ngon ngọt, do vận chuyển bằng đường hàng không nên hoa quả rất tươi và không chất bảo quản”. Để gia tăng lòng tin cho khách, người bán còn “chú thích” nguồn hàng mình lấy trùng với nguồn nhập của các khách sạn 5 sao hàng đầu tại Hà Nội (như khách sạn Metropole chẳng hạn).

Do có xuất xứ và chất lượng “đặc biệt’ nên giá bán của loại hàng này cũng không lấy gì làm “dễ chịu” (với đại đa số người mua, còn với người giàu có thì lại không phải vấn đề). Cụ thể: Quả Cherry có giá 470.000 đồng/kg (bán lẻ ít nhất cũng từ 0,5kg trở lên); kiwi có giá 120.000 đồng/kg; nho đen Mỹ 170.000 đồng/kg; táo Mỹ 155.000 đồng/kg; táo Fuji 220.000 đồng/kg; đào 280.000 đồng/kg; cam Úc 120.000 đồng/kg; vv…

Tuy giá đắt, nhưng chủ các cửa hàng kinh doanh này cho biết, lúc đầu mới xuất hiện thì người tiêu dùng khá e dè, song đến nay thì khách có tiền cũng thường xuyên phải “đợi hàng về” mới mua được. Có những người không chỉ mua để ăn hàng ngày mà còn mua để đi biếu như một món quà sang trọng. Thậm chí có người mua ăn, mua biếu nhiều nơi thì chỉ mua 1 lần cũng hết gần chục triệu đồng.

Người tiêu dùng có lý do để lựa chọn những loại hoa quả này, vì nhiều người từng mua cho biết đúng là ăn rất ngon, nhưng có “sạch hoàn toàn” và đúng nguồn gốc từ Mỹ, Úc như quảng cáo không thì thực sự họ cũng không biết chắc chắn được.

“Khi mua hoặc giao hàng tôi cũng không có thói quen hỏi giấy tờ nguồn gốc hàng hóa, mà có hỏi chưa chắc cũng đã được xem. Nhiều khi tôi cũng băn khoăn là hàng xách tay mà nhiều như vậy thì có tin tưởng được không? Nhưng tôi thấy ăn ngon và nhiều người cũng mua nên tôi vẫn tiếp tục sử dụng”, chị Nguyễn Kim Chi, một khách hàng thường xuyên sử dụng hoa quả nhập khẩu bày tỏ.

Chưa có ai quản?

Dù giá đắt nhưng nếu thông tin đúng như những gì người bán nói thì đây cũng có thể là một kênh mua bán tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Nhưng liệu nguồn gốc thực sự của chúng có phải từ Úc, Mỹ và liệu chúng có “sạch hoàn toàn” khi mà có thể để thêm 3-4 ngày trong tủ lạnh mà vẫn tươi ngon (kể từ thời điểm mua). Đó là chưa nói đến quãng thời gian vận chuyển từ Úc, Mỹ về đến Việt Nam và quãng thời gian “chờ đợi” để đến được tay người tiêu dùng.

Ở đây có 2 vấn đề là nguồn gốc và chất lượng sản phẩm cần được quan tâm. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, các vấn đề này cần hỏi thanh tra sở y tế địa phương có mặt hàng này lưu hành. Khi hỏi thanh tra sở Y tế Hà Nội, đơn vị này cho biết, “cần hỏi bên ngành công thương”.

Hỏi ngành công thương thì được nói “cần hỏi ngành y tế” (?!). Sau khi biết trước đó ngành y tế đã “chuyển” sang mình nên ngành công thương... chỉ sang ngành nông nghiệp. Hỏi ngành nông nghiệp thì ngành nông nghiệp (cụ thể là bên bảo vệ thực vật) cho biết, hàng nhập khẩu phải do... Bộ Công Thương quản lý (?!).

Trước thực trạng rối rắm như thế này, Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chỉ còn biết khuyến cáo người mua một câu đã “xưa như trái đất” là “khi mua hàng hóa cần lấy hóa đơn để hạn chế gian lận của tư thương, cần hỏi về giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ vì đó là quyền lợi người tiêu dùng”. Còn chuyên gia an toàn thực phẩm thì khuyến cáo “Khi mua về cũng không nên chủ quan mà cần rửa, ngâm sạch sẽ như đối với các loại hoa quả khác”.

An toàn: Ảo giác hay sự thật?

Khi được hỏi liệu ăn uống ở một nhà hàng đắt tiền có mang lại an toàn thực sự cho sức khỏe hay chỉ tạo ra “ảo giác” về sự an toàn, anh Thắng, người thường xuyên sử dụng món phở có giá 750.000 đồng/bát (như chúng tôi đã nhắc trong bài trước), nhìn nhận: “Tôi nghĩ những nơi như thế này họ phải làm thật như những gì họ nói thì mới giữ được khách. Ít nhất nhìn bằng mắt thì tôi cũng thấy ổn hơn”.

Trong khi hàng rào triệt tiêu thực phẩm bẩn hổng quá nhiều chỗ (thậm chí có chuyên gia còn bi quan cho rằng an toàn thực phẩm ở Việt Nam đang bị thả nổi) thì chỉ có người nghèo không có khả năng tiếp cận thực phẩm sạch, đành “nhắm mắt” ăn liều rồi tích bệnh tật vào cơ thể.
Theo chủ các nhà hàng được hỏi, thực phẩm nhập về phải đảm bảo toàn bộ những tiêu chí quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm và nhà hàng có đủ các thiết bị máy móc để kiểm tra độc chất. Nếu sản phẩm nào không đạt yêu cầu sẽ bị trả lại. Thậm chí, có những nhà hàng cho biết họ đã đặt hàng nơi sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn riêng để đảm bảo thực khách không phải ăn chất độc trong thực phẩm một cách “sống sượng” như hiện nay.

Toàn bộ bát đũa cũng được rửa bằng máy, khử trùng rồi sấy khô ở nhiệt độ gần 100 độ C; các món ăn không sử dụng mì chính; các loại nước sốt đều được nhập khẩu từ thị trường Âu, Mỹ. Nước phở, nước lẩu được ninh 48 tiếng từ xương, thịt thật chứ không dùng viên nấu lẩu của Trung Quốc như ở các điểm bán “giá rẻ giật mình”.

Chuyện kiểm chứng những gì nhà hàng nói đã có cơ quan chức năng đảm nhận. Nhưng rõ ràng với người giàu, đang có một “dòng chảy” sang dịch vụ ăn uống cao cấp để được hưởng an toàn vệ sinh thực phẩm ở mức tối đa. Nhiều ông chủ kinh doanh đã nhanh chóng nắm bắt được xu hướng này và tung ra những chiêu hút khách kịp thời.

Trong khi hàng rào triệt tiêu thực phẩm bẩn hổng quá nhiều chỗ (thậm chí có chuyên gia còn bi quan cho rằng an toàn thực phẩm ở Việt Nam đang bị thả nổi) thì chỉ có người nghèo không có khả năng tiếp cận thực phẩm sạch, đành “nhắm mắt” ăn liều rồi tích bệnh tật vào cơ thể.