– Rét đậm kéo dài, các chủ vườn đào phục vụ Tết Tân Mão đã phải mua máy sưởi để… chống rét cho đào.


Người lạnh, đào… ấm


Hàng chục điểm trưng bày đào Tết dọc tuyến phố Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) từ nhiều tuần lễ nay đã rậm rịch trưng đào cho khách chơi Tết tới ngắm. 

 

Tuy nhiên, khí hậu khắc nghiệt của đợt lạnh cuối năm kéo dài đã khiến các chủ đào lo lắng. Nếu như thời tiết tiếp tục như thế này, việc đào bung nụ đúng tiết ba ngày Tết nguyên đán đầu năm sẽ không đúng như mong muốn.

Để “kích” đào ra nụ và nở hoa đúng dịp, nhiều chủ đào đã không quản giá rét để làm lán, quây ni-lông để che đào. Đây là biện pháp phổ biến mà nhiều chủ đào áp dụng.

Khoảng vài chục gốc đào đã được đưa vào chậu, xếp riêng ở một khu vực, sau đó người ta làm khung bằng tre, phủ ni-lông kín mít để đào tránh rét, tránh sương muối cuối năm.

Nhiều chủ đào đã không ngần ngại thắp điện 24/24 để sưởi ấm cho đào. Có chủ đào còn dùng cả… quạt sưởi để chăm đào.

“Đây là giải pháp tình thế để hạn chế rét hại chừng nào hay chừng ấy. Trời rét, những chồi nụ mới nhú sẽ không đủ sức chịu rét mà tự lụi. Trâu bò còn chết cả đàn chứ nói gì đến việc cây sống được” – chủ vườn đào Đức Lâm (đường Lạc Long Quân) cho biết.

Theo các chủ đào, biện pháp nói trên sẽ “kích đào” ra nụ, nở hoa, tuy nhiên hoa sẽ không đẹp bằng hoa tự nhiên. Những cây đào khỏe đã ra nụ, ra hoa, dưới tiết trời lạnh giá cũng lâu bị tàn. Tuy nhiên, hoa không được thắm như hoa đào tự nhiên.

Hai ba hôm trước, người trồng đào đã thở phào khi trời hửng nắng. Thế nhưng, sang ngày 18,19/1, trời lại lạnh trở lại khiến các chủ đào không thể nghỉ ngơi.

Người trồng hoa phát sốt vì rét hại

Chìm trong màn sương trắng đục ôm đầy hơi lạnh của Hà Nội, những ngày rét đậm, rét hại, vườn đào Nhật Tân (Tây Hồ) cũng thưa hẳn sắc hồng. Con đường dẫn quanh vườn đào hun hút gió đông cũng không nhộn nhịp người đến đặt mua như mọi năm.

Vừa kéo sợi dây gò lại cành đào, chị Phương vừa tâm sự: “Cả vườn đào nhìn lác đác chẳng mấy cây nở được hoa. Trời rét quá, mắt đào bị chột không bung được. Nhìn những cành đào khẳng khiu trơ đen vì rét mà thấy nóng hết ruột gan”.

Chỉ tay theo chiếc xe cải tiến chở những cành đào mới được chặt, chị bảo: “Đấy là những cành đào tuốt lá sớm nên vẫn còn dựa được hơi ấm trước đó mà nở để bán chơi rằm. Còn những cành đào tuốt muộn là để dành cho Tết. Rồi không biết có nở được không? Trời cứ rét thế này, của để dành lại thành của bỏ đi”.

Gắn bó với vườn đào của gia đình đã mấy chục năm, cụ Nguyễn Văn Thức cho biết: “Trước đợt rét đậm, rét hại kéo dài vườn cũng đã có một số khách đến xem và đặt mua. Cứ như mọi năm, khách buôn đến đặt gần hết rồi đấy. Nhưng đợt này, thời tiết lại được dự báo có rét tăng cường nên khách đến ít mà đến có khi cũng chẳng có đào mà bán”.

Cũng giống như người trồng đào, những người trồng hoa cũng đang thấp thỏm nỗi lo mất tết vì rét.

Tình trạng ảm đạm tương tự tại làng hoa Quảng Bá, Tây Tựu, Nghi Tàm. Dù chưa đầy nửa tháng là tới tết nguyên đán, thế nhưng những vườn cây cảnh ở các làng hoa này vẫn tràn ngập một màu xanh ngắt. Trời giá làm cho những ruộng hoa chỉ ngậm nụ mà không thấy nở.

 


Cẩn thận cuốn bọc lớp báo vào từng nụ hồng chị Nguyễn Thị Thanh (Tây Tựu – Từ Liêm) chia sẻ: “Cả ngày còng lưng trên ruộng quấn quấn, bọc bọc giữ ấm cho hoa mong cho hoa nở. Cả mấy sào hoa cứ ngậm nụ theo rét đến tết thì cũng chẳng biết phải làm thế nào…”.

Gạt vội những giọt mồ hôi giữa cái rét lạnh buốt, anh Trần Văn Hùng bùi ngùi: “Mấy ngày hôm nay cả nhà ra đồng căng, buộc ny lông cho cả ruộng hoa. Bây giờ kéo thêm dây điện làm đèn thắp sáng nữa, may ra còn vớt vát được ít vốn lo Tết cho gia đình”.

Lụp sụp những tấm ny lông che mưa, chống rét, cuộn bọc lớp giấy báo cũ….cứ như thế người nông dân tự tìm cách chống chọi với thiên nhiên hết mưa, úng, lụt đến rét.

Cứ như thế người nông dân chỉ còn biết đánh cược với trời?
 

 
 
 
 
Chủ đào rốt rao mua máy sưởi về giữ ấm cho đào.

K.T – Q.Anh - H.Khanh