- Khi mà đào rừng ngày một khan hiếm và giá cả bị đẩy lên cao tít, việc săn đào cảnh khá “thời thượng” này cũng trở nên khó khăn và vất vả không kém những người săn tìm trầm hương thủa nào… Phải mất một chầu rượu ngô say bí tỉ, tôi mới thuyết phục được Mùa A Si cho tháp tùng chuyến săn “báu vật cuối cùng”.


Đổi lợn lấy đào

Từ thị trấn Mộc Châu (Sơn La) có thể nhìn rõ ngọn Pha Luông hùng vĩ như con thuyền khổng lồ vượt sóng giữa đại ngàn. Nhưng phải mò mẫm từ sáng sớm đến tận nhá nhem tối, với hơn 30km chạy xe máy và hơn 5 tiếng leo núi, tôi và đoàn “hùng binh” săn tìm cành “đào rừng” mới chạm chân tới nơi được ví là nóc nhà của miền Tây Bắc.

Cả đoàn có 5 người, Mùa A Si, Mùa A Sơn, Mùa A Giang và Đặng Văn Xuân (người dân tộc Dao) là anh cọc chèo của trưởng đoàn Mùa A Si.

 Cây đào còn sót lại trong một vườn đào thuộc xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La - Ảnh: Lê Anh Dũng
Từ khi cành “đào rừng” lên ngôi, dịp cuối năm là cơ hội kiếm tiền khá của nhiều người Mông trong bản Co Chàm (Lóng Luông - Mộc Châu). Ban đầu người ta chặt cành đào ở vườn nhà mang ra quốc lộ bán.

Khi đào vườn đã hết, nhiều người rủ nhau tiến sang các vùng khác mua về bán. Nhưng chặt mãi rồi cũng hết, người ta phải đi xa hơn, tìm khó hơn, thậm chí khu vực nào còn đào cành trở thành một bí mật không thể tiết lộ.

“Có khi đi vài ngày kiếm được một cành bằng trồng ngô cả năm, mấy thằng đi xe ga chiều qua mình gặp đều là từ đào cành hết anh ạ”. Đó chính là lý do khiến phải mất một chầu rượu ngô say bí tỉ cùng với lời đảm bảo của anh đồng nghiệp là họ hàng của Si tôi mới được chấp nhận làm thành viên bất đắc dĩ.

Mặc dù thời điểm này trùng với tết cổ truyền của đồng bào Mông, nhưng Si đã tổ chức cho cả đoàn ăn tết trước một tuần để tập trung đánh quả cuối năm.

Mục tiêu của chuyến này là “báu vật đẹp mê hồn” ở Pha Luông, chỉ ngặt là chủ nhân của nó chưa từng gật đầu bán cho bất kỳ ai. Ba năm trước, sau khi xuất ngũ về, từng lăn lộn bán hàng dong kiếm sống khắp các vùng xa xôi nhất Si đã phát hiện ra vườn đào này. Tuy nhiên cũng đã hai lần Si đã phải quay trở về tay trắng khi không thuyết phục được chủ nhà.

Gió thổi quất thẳng những giọt mưa phùn ràn rạt khiến mặt ai cũng như bầm tím. Trên Pha Luông chỉ có những lán trại của người Mông chăn thả dê và trâu, bò. Bước chân vào chiếc lều được dựng nguyên từ những thân gỗ bổ đôi, hơi lửa phả ra cùng với mùi thơm sặc của nhựa pơmu bị đốt cháy khiến cái lạnh tan nhanh. Chủ nhân của lán, Vàng A Nui là người Mông di cư từ Bắc Yên sang hơn hai chục năm nay nhận ra “người bán hàng quen thuộc”, tay bắt mặt mừng.

Chưa kịp vui mừng, qua “sóng ngắn” (nói chuyện bằng tiếng dân tộc) của Si có vẻ khá căng thẳng cùng cách trả lời nhát gừng của chủ nhà, tôi cảm nhận được cái lắc đầu của Nui.

Sau hồi đàm phán bất thành, Si xin cho cả đoàn được ngủ nhờ qua đêm để sáng sau đi tiếp. Mặc dù hậu cần được chuẩn bị rất đầy đủ cả thịt hộp, gạo, muối nhưng Si quyết giao nhiệm vụ cho 2 “chiến binh” xuống núi mua lợn cắp nách.

“Không mua được cành đào thì ta uống rượu ngắm hoa đào cũng được” – Si cười khà khà kèm theo ánh mắt láu lỉnh đầy bí ẩn.

Vượt gần chục cây số đường rừng trong mưa rét, xuống bản dưới chân núi, hai chiến binh khệ nệ ôm về một chú lợn còm gần chục cân và dăm lít rượu ngô. Chín giờ tối, tiếng lợn bị chọc tiết xé toang màn đêm tĩnh mịch.

Chỉ 30 phút sau mùi thơm của thịt nướng đã sực nức, trên phản gỗ mấy bát tiết canh đã đông cứng. Khi can rượu ngô và chai Hà Nội (loại 2lít) mang theo đã “chổng mông không ra nước”, là lúc trời đã tờ mờ sáng.

Có những cây đào phải dùng xe chuyên dụng để cẩu - Ảnh: Lê Anh Dũng
Sau cái chạm chén cuối cùng và mấy lần bắt tay liên tục, Nui sách dao ra vườn xin tặng mỗi người một cành mang về gọi là quà tết, quyết không nhận tiền. Nhìn cành đào khúc khủy, xù xì đầy rêu xanh ngắt, xen lẫn những nhánh tầm gửi đang nở hoa, cả đoàn như tỉnh rượu, ai nấy cũng trở nên nhanh nhẹn lạ thường.

Si lấy chiếc khăn bông cũ trong ba lô ra cuốn cẩn thận phần thân to của cảnh đào, rồi dùng sợ nilon gò chi tiết từng nhánh nhỏ cho gọn để có thể vác được trên vai.

Hành trình trở về kéo dài hơn dự kiến 2 giờ vì phải “tăng bo” hai người khiêng một cành đoạn qua vách núi treo leo và vượt suối Sập. Cả đêm mất ngủ lại bị tẩn trận rượu mê tơi và quãng đường dài, cả đoàn mệt lả.

Dựng xe bên lề đường nghỉ ngơi, đúng lúc một chiếc xe 7 chỗ đỗ xịch trước mặt. Không cần mặc cả, cành mở hàng của Si bán ngay được 11 triệu đồng. Hai hôm sau Si gọi điện thông báo vừa mới tậu "con" xe máy, “mời anh uống rượu mừng”.

Phố đào... buồn

Đầu tháng giêng, bản Co Chàm xã Lóng Luông - Mộc Châu nghiêng ngả dưới cái lạnh gần 0 độ. Sương mù như tấm màn đặc kín, đứng trước mặt mà khó nhận được người quen.

“Phố đào” cành vẫn khá đông đúc, nhưng không còn sức hút bởi thiếu đi những “sơn nữ” (cách ví những cành đẹp của cánh buôn đào cảnh) có khả năng mở toang những chiếc ví vài chục triệu đồng như trước.

Xã Lóng Luông có 70% dân là đồng bào dân tộc Mông. Mấy năm “nhờ” phong trào bán đào cảnh cả gốc, cả cây, nhiều gia đình đã phất lên, mua xe, mua đất, xây nhà.

Không chỉ tiện thể đi công tác mà nhiều người đánh cả xe con lên Mộc Châu mua đào rừng về chơi tết - Ảnh: Lê Anh Dũng
Bây giờ đào cảnh bán ở đây chủ yếu là những cành non, không có dáng đẹp, rất ít người hỏi mua. Bà con không chặt cành mang ra đường nhiều như trước mà chỉ để một vài cành giới thiệu, nếu có khách thì mời thẳng vào vườn, ưng cành nào lấy cành ấy.

Khách có nhu cầu cành đẹp phải đặt tiền trước, nhưng cũng không chắc đã được như ý. Mùa A Dinh vừa thuê một xe tải 5 tấn, “càn” khắp tỉnh, từ Bắc Yên, Mường La, Quỳnh Nhai, Sông Mã trở về nhưng tỏ ra khá thất vọng.

“Mấy năm trước, đi “vụ nào trúng vụ đó”, đào nhiều vô kể, thoải mái lựa chọn, giá cả thì hết sức hữu nghị, nhưng năm nay bết bát quá” - Dinh lắc đầu kèm theo cái thở dài buồn chán.

Có người em trai lấy vợ bên kia biên giới, năm ngoái, hai anh em Tráng A Lư, bản Co Tang - Lóng Luông kiếm ngót 100 triệu đồng chỉ trong vòng 1 tuần khi đánh hẳn một xe bán tải xuyên biên giới rinh về được 3 cây đào.

“Không còn cảnh sáng đi, chiều về kiếm tiền triệu nữa đâu anh ạ, em vừa đi Hủa Phăn, mua mất hơn 5 triệu, giờ bán gần hết cả xe mới được 3,8 triệu" - A Lư tiếc nuối.

"Mấy năm nữa, có mang vàng đi mua cũng không còn!" - Ảnh: Lê Anh Dũng
“Cứ cảnh nhà nhà đi buôn, người người đi buôn, đặc biệt là kiểu khai thác hủy diệt như bây giờ, em sợ mấy năm nữa, có mang vàng đi mua cũng không còn. Cành 11 triệu của thằng Si mới bán, có lẽ là “báu vật cuối cùng” - Lư nói.


Nguyễn Trường Chinh