– Trước tình trạng các loại thịt chứa nhiều loại thuốc tăng trọng, rau củ chứa nhiều thuốc bảo vệ thực vật hoặc vi khuẩn có thể gây ngộ độc tức thời, nhiều gia đình ở Hà Nội đang ráo riết săn lùng thịt, rau sạch từ các vùng nông thôn để có một cái Tết an toàn.

Đổ dồn về quê

Giáp Tết, chuyện ăn uống trở thành mối quan tâm của hầu hết mọi gia đình. Rau và thịt sẽ là 2 mặt hàng được sử dụng nhiều nhất nên đang được nhiều người “săn” từ các nguồn sạch mà họ yên tâm hoàn toàn. Đó là sản phẩm có xuất xứ từ các vùng quê và nhất định phải mua qua người quen thì chất lượng mới được đảm bảo.

Nếu ai có người thân ở quê thì đây là thời điểm lý tưởng để “nhờ vả”. Nếu không có thì hầu hết các nội trợ gia đều cậy đến những người bán hàng quen ở chợ, nhờ những người này tìm kiếm cho mình nguồn cung rau, thịt đảm bảo từ các vùng quê lân cận Hà Nội.

Chị Nguyễn Thanh Nga, một giáo viên tại Hà Nội thường xuyên ăn rau tự trồng trong hộp xốp nhưng do dịp Tết cần rau, thịt sạch với số lượng nhiều nên chị đã gọi điện về quê ngoại (tại Thanh Oai, Hà Nội) từ cách đây hơn 1 tuần để “đặt hàng” mọi loại rau, thịt, củ quả.

Các loại rau bán tự do ở chợ không thu hút người tiêu dùng dịp Tết vì nỗi lo ngộ độc thực phẩm (Ảnh minh họa: Internet)
“Tôi đã nhờ em dâu ở quê tìm và mua giúp gà ta, rau mọi loại ở nơi an toàn, tức là rau không phun thuốc, gà nuôi hoàn toàn bằng cám, lúa, rau xanh. Đây phải là những địa chỉ không trồng rau, chăn gà để kinh doanh mà chỉ để phục vụ gia đình, thừa thì bán. Như vậy mới có thể đảm bảo”, chị Nga nói.

Sở dĩ phải chọn lựa kỹ càng vì nếu ở nông thôn mà gia đình nuôi để kinh doanh thì có thể gia chủ vẫn dùng cám tăng trọng hoặc thuốc bảo vệ thực vật. Chị Nga cho biết chị hoàn toàn thoải mái khi trả giá cao hơn cho những sản phẩm này, một phần để mua được hàng, một phần để "giữ mối" mua tiếp cho những năm sau.

Tại Hà Nội cũng không thiếu cửa hàng quảng báo bán rau sạch, nhưng chị Nga không yên tâm. “Đôi khi vào nơi chuyên bán rau sạch nhưng vỏ túi đựng rau không ghi nguồn gốc, hỏi thì người bán hàng nói rau trồng ở Đông Anh, hoàn toàn sạch. Nhưng tôi không tin được. Tôi thấy hiện giờ thực phẩm sạch hay không chỉ có người chăn nuôi mới biết. Thực phẩm sạch đang là một món quà dân dã nhưng rất quý”, chị Nga nói.

Có gia đình còn cầu kỳ hơn khi đến tận nơi trồng rau sạch để “chọn hàng” ngay từ khi gia chủ bắt đầu gieo hạt cho vụ mới để đảm bảo rau được trồng và chăm bón theo đúng “đơn đặt hàng” mình đưa ra. Thời gian tính từ lúc gieo hạt (các loại rau như xà lách, rau mùi, cải cúc, …) đến lúc thu hoạch sao cho trùng với thời điểm Tết Nguyên đán là thích hợp nhất. Đến khoảng 28 hoặc 29 âm lịch số rau trên sẽ được thu hoạch và “cuốn sạch” về Hà Nội, nằm gọn trong tủ lạnh của cả gia đình.

Trên các diễn đàn trực tuyến đang khá sôi nổi bàn tán về cách “đầu tư” công phu và tốn kém này. Nếu như giá rau sống ở chợ hiện nay ở mức 1.700 đồng/lạng xà lách thì tính ra theo cách làm trên, giá có thể lên đến 2.500, thậm chí 3.000 đồng/lạng. Tuy nhiên, không ai thấy mức giá này là vượt quá khả năng chi trả của mình, miễn sao rau sạch, ngon, đảm bảo an toàn. Cách đầu tư này đang thu hút khá nhiều người có điều kiện kinh tế và thời gian rảnh rỗi.

Đi gần trăm cây số để mua thịt sạch

Nếu như rau sạch, gà sạch “chính hiệu” ở các vùng nông thôn lân cận Hà Nội có thể thỏa mãn các vị khách khó tính, thì với thịt lợn – loại thực phẩm không thể thiếu trong những ngày Tết – lại đòi hỏi công sức nhiều hơn nếu thực khách muốn mua được loại thịt ngon, đảm bảo về chất lượng. Thay vì đi đến các vùng nông thôn ở ngoại thành 20-30 km, nhiều gia đình còn lái xe lên tận Hòa Bình (cách Hà Nội cũng đến gần trăm km) để mua được loại lợn chỉ ăn toàn cám, cơm, gạo và thả rông trong vườn.

Điểm đáng chú ý là không chỉ trong dịp Tết thói quen này mới ra đời. Ngay cả trong sinh họat bình thường, cũng đã có không ít gia đình dày công tìm kiếm nguồn thực phẩm sạch.

Anh Năm có vợ làm giáo viên, thời gian rảnh rỗi nhiều và cuối tuần anh được nghỉ 2 ngày, gia đình cũng tương đối khá giả nên thường kết hợp các chuyến đi chơi cuối tuần với việc tìm kiếm các loại rau sạch, thịt sạch mang về.

Nơi gia đình anh Năm (cùng một số bạn bè thân thiết) hay tìm đến là Hòa Bình. Trước khi đến, anh Năm thường gọi điện cho một vài người quen tại địa phương nhờ tìm giúp những con lợn nhỏ, nuôi trong thời gian tương đối dài, ăn hoàn toàn cám, rau, gạo, vv… để mua cả con, xẻ thịt tại chỗ rồi mang về và chia cho một nhóm gồm 2-3 gia đình ăn dần.

“Cách làm này không những đảm bảo về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn rẻ hơn thịt trên thị trường rất nhiều. Hiện giờ giá thịt khoảng 8.500 đồng – 9.000 đồng/lạng. Nếu mua theo cách này thì chỉ rẻ bằng một nửa. Nhưng rẻ không quan trọng bằng sạch và ngon”, anh Năm nói.

Tăng cường đảm bảo ATVSTP dịp Tết Nguyên đán

Ngày 18/1, Bộ Y tế công bố kế hoạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Tân Mão nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh dịch truyền qua đường thực phẩm. Đợt thanh tra này đã bắt đầu từ 25/12/2010 và sẽ kết thúc vào tháng 2/2011.

Dịp Tết Nguyên đán Canh Dần (2010) đã ghi nhận con số rất lớn những người bị ngộ độc thực phẩm. Trong vòng 6 ngày đầu năm Canh Dần (từ 12-19/2/2010) thống kê toàn quốc của Bộ Y tế cho thấy không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhưng số ca cấp cứu phải nhập viện do ngộ độc thức ăn tại gia đình lên tới 1.104 trường hợp, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm Kỷ Sửu (2009).

 

Cẩm Quyên