- Đến cuối năm, thanh toán hết tiền trọ, đặt cọc sẵn tiền phòng cho tháng Tết, tiền tàu xe…, sinh viên rơi vào tình trạng nhẵn túi. Tuy vậy, một buổi liên hoan tất niên vui vẻ cùng cả lớp hoặc các chiến hữu thì không thể bỏ qua.

Trong cái “nghèo” ấy, sinh viên đã nghĩ ra nhiều chiêu độc để giảm bớt chi phí cho những bữa tiệc tất niên.

Xôn xao bàn tán chuyện tất niên

Những buổi học cuối năm, không khí giảng đường các trường Cao đẳng, Đại học cũng sôi nổi hơn. Ngoài việc trao đổi  những dự định Tết thì dân tình cũng xôn xao bàn bạc cho buổi liên hoan cuối năm.

Tiền “cạn” nên mức tiền đóng góp, cách thức, địa điểm liên hoan… đều được sinh viên chọn lựa rất kỹ càng nhằm tiết kiệm tối đa chi phí.

N. Hân (Học viện Hành chính) chia sẻ: “Cuối năm, cả lớp định tụ tập đi liên hoan nhưng bạn nào cũng hết tiền. Có bạn chỉ còn vài chục nghìn sống tạm mấy hôm đợi nghỉ học là về quê luôn. Có bạn còn không đủ tiền mau vé tàu về quê….

Lúc đầu, ban cán sự lớp dự tính mỗi bạn đóng 100 nghìn nhưng thấy tình hình "bi đát" quá nên đã giảm xuống 50 nghìn, phần còn thiếu thì trích quỹ lớp. Mọi người cũng bàn tán sôi nổi nhưng đến khi chốt danh sách cũng chỉ được tầm hai chục bạn tham gia”.
 

Dù nghèo nhưng sinh viên vẫn cố gắng tiết kiệm để có thể có một bữa tất niên rộn ràng với bạn bè trước khi về nghỉ Tết

Liên hoan trong những ngày thời tiết lạnh giá, lẩu trở thành món ăn được lựa chọn nhiều nhất. Mức giá sàn trung bình cho một nồi lẩu đặt tại quán dao động từ 120 đến 200 nghìn/nồi. Giá cả hợp lý, chỉ cần tụ tập đến ăn uống hò hét, cả lớp dường như cũng đoàn kết hơn khi cùng nhau tụ họp bên nồi lẩu.

Tuy vậy, hiện nay, nhiều sinh viên lại thích tự nấu tiệc liên hoan hơn. So với cách đặt lẩu ở hàng quán thì mỗi nồi lẩu tự làm, sinh viên cũng có thể tiết kiệm khoảng 50 nghìn/1 nồi. Hơn nữa, tự tổ chức tất niên, sinh viên có thể ăn no, “chém gió” thoải mái mà không lo “thòm thèm”, bị đói hoặc phải nói năng tế nhị như ở các hàng quán.

Hưng (Đại học Công nghiệp Hà Nội) nhớ lại: “Hôm vừa rồi, chúng tớ tự nấu lẩu để liên hoan. Lớp tớ có 90 bạn nhưng khi liên hoan thì chỉ có 18 đứa chơi thân thân với nhau tụ tập. Lẩu của chúng tớ là dạng thập cẩm, vừa gà vừa bò luôn. Mỗi bạn chỉ cần đóng 50 nghìn là đã có một bữa liên hoan ra trò. Cả 18 đứa tụ trong cái phòng của tớ, tuy hơi chật nhưng mỗi người một công một việc, nói chuyện rôm rả nên vui lắm. Ngồi vui vẻ từ 8h đến 10h tối thì tiệc tan để các bạn nhà nào về nhà ấy, tránh giờ “giới nghiêm” của các chủ trọ”.

Ngoài những bữa tiệc tự nấu, sinh viên còn nghĩ ra những cách thức liên hoan khác nhẹ nhàng và thú vị không kém như mua đồ ăn nhẹ, tất cả tập trung ở một địa điểm rộng rãi, thuận đường cho các thành viên rồi cùng nhau ăn uống.

Ăn xong, mọi người có thể đi chơi để tăng thêm không khí vui vẻ. Mặc dù hơi rét nhưng những buổi liên hoan cũng là buổi dạo chơi một vòng Hà Nội khiến nhiều bạn tỏ ra rất thích thú.

Bắp ngô cũng phải chia đôi

Sau khi huy động cả lớp 30 người đi liên hoan, nhưng chỉ có gần 20 người đồng ý tham gia, cộng với số tiền đóng góp chẳng đáng bao nhiêu, sinh viên lớp báo K28 (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) vẫn quyết định thẳng tiến tới quán lẩu dê nằm trên đường Kim Mã. Chi phí cho bữa lẩu đều được tính toán sát sao nhất sao cho tiền ít mà vẫn có dư để đi tiếp ca 2.

Để tiết kiệm tối đa số tiền góp được nên trước khi xuất phát, cả lớp đã đồng ý là sẽ không sử dụng khăn lạnh (4.000 đ/chiếc), đồng thời thủ sẵn hai chai nước ngọt cỡ lớn mang từ trường đi. Một nồi lẩu thông thường chỉ ngồi 4 người, nhưng với số lượng đông nên mỗi nồi lẩu có tới hẳn 6 người. Dù không được bữa lẩu no nê nhưng cả lớp đã có buổi liên hoan thú vị.

Cũng nhờ tính toán trước, nên sau bữa lẩu, cả lớp vẫn còn dư tiền và tiếp tục có bữa ngô nướng.

T.Thùy (thành viên lớp) nói: “Đi ăn ngô nướng nhưng bị hét giá lên tới 6.000đ/1 bắp nhỏ nên không đủ tiền để mỗi người ăn một bắp. Phương án cuối cùng được đưa ra là một bắp ngô chia hai đứa khiến chị bán nước và mấy vị khách cũng phì cười vì sinh viên “đói kém”.

Nhóm của Hoài (Đại học Kinh tế - ĐH QGHN) cũng đã có buổi tất niên vui vẻ trước khi lui về nghỉ Tết. Cô bạn này hồ hởi chia sẻ về bữa liên hoan: “Cả đám đóng tiền tụ tập ăn uống, về sau cũng thiếu hụt túi bụi nhưng cuối cùng các bạn nam ga lăng đứng ra chi trả giùm nên sau buổi liên hoan ai ra về mặt mày cũng hớn hở”.

Còn lớp của Vĩnh An (Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) để tránh “viêm màng túi” trước khi nghỉ Tết, cả lớp đã kịp tổ chức một buổi liên hoan trước khi lên đường thực tập vừa để đón Tết sớm, vừa để chúc tụng nhau gặp nhiều thuận lợi khi thực tập.

Những buổi liên hoan cuối năm thế này, vừa giúp sinh viên vui vẻ về quê ăn Tết vừa tạo ra không khí đoàn kết cho cả lớp và lưu lại những khoảng khắc đáng nhớ thời sinh viên.

Tuy nhiên, trong những buổi tiệc này, các bạn cũng nên kiềm chế để không bị say xỉn, làm mất đi ý nghĩa tích cực của bữa tiệc. Bởi nếu cứ tiếp diễn tình trạng rượu chè, “đi dễ khó về” thì sẽ chẳng còn ai thiết tha với những lần liên hoan tất niên nữa.

Đinh Thùy