- Ngày Tết đang đến gần. Trong khi chị Thu vừa cuống quýt với 2 nhóc nghịch tung trời ở nhà lại vừa lo sắm sửa đồ đạc cho nhà mình, thêm cả 2 bên nội ngoại. Thế nhưng, ông xã của chị ngày nào cũng lu bu theo cách của riêng: quay cuồng ở quán nhậu cuối năm.

"Anh đi nhậu cuối năm!"

Đi dọc các tuyến phố như Phùng Hưng, Tăng Bạt Hổ, Giảng Võ, Khâm Thiên, đường Kim Liên mới… vào những ngày cuối năm này, đâu đâu cũng thấy chật ních các đấng mày râu đang ngồi lai rai đến tận tối mịt mà vẫn chưa buồn đứng dậy.

Các đức lang quân vẫn “kiên trì” bám trụ các quán nhậu với muôn vàn các lí do (ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Trời Hà Nội lạnh căm căm, nhưng các đức lang quân vẫn “kiên trì” bám trụ các quán nhậu với muôn vàn các lí do “tổng kết đội bóng cơ quan”, “tổng kết hội câu cuối tuần”, “tất niên phòng”, “tất niên nhóm bạn cấp 3”… , có lúc còn có thêm cả “tất niên nhóm hay đi ăn buổi trưa cùng nhau”.

Càng sát ngày Tết, các cuộc nhậu này ngày càng nhiều hơn, với nhiều lí do kiểu “trăm hoa đua nở”. Đa phần khi hỏi nhanh các anh, đều nhận được câu trả lời chung: vợ có hội shopping, hội đi lễ....thì cánh đàn ông có hội nhậu nhẹt là đương nhiên.

Nhiều đức ông chồng quan niệm, từ 30 tết đã phải lo việc gia đình, họ hàng nên những ngày cuối năm thế này là dịp lý tưởng để các anh cùng ngồi với nhau, “tận hưởng chút niềm vui nhỏ nhoi”.

Đa phần những cánh đàn ông hay ngồi quán nhậu cuối năm này là dân công sở. Bởi những người làm kinh doanh thì càng về cuối năm lại càng bận rộn. Chính vì thế, các anh đều chung một lí do “cả ngày làm việc vất vả, chỉ có mỗi cuối ngày ngồi với nhau, nhất là dịp cuối năm để hỉ hả tổng kết năm thì chả có gì là không hợp lý”.

Vậy là, các bà vợ cứ việc mòn mỏi chờ đợi ở nhà, quần quật với hàng trăm công việc không tên của ngày Tết: mua sắm, lo đồ Tết cho cả nhà ông bà 2 bên, dọn dẹp nhà cửa … thì ở ngoài quán bia, các ông chồng vẫn vui vẻ … tổng kết.

Chị Thu, nhân viên hành chính một Tổng công ty xây dựng cho biết: Cuối năm, mình lu bù lo quà cho sếp đi chúc Tết, rồi mua sắm đủ thứ cho gia đình, dọn dẹp nhà cửa mờ mắt và chồng cũng lu bu nhậu tổng kết cuối năm, gọi điện giục về thì không nghe hoặc tắt máy. Có hôm, chồng chị Thu đã bị vợ ép đến mức phải về nhà đúng hẹn sau giờ tan sở, nhưng chỉ cần một cuộc điện thoại là lại bẽn lẽn “xin lỗi em, nhưng anh phải đi nhậu cuối năm, liên hoan đội bóng cơ quan”.

Trăm cách điều trị chồng đi nhậu

Nhìn mâm cơm gia đình càng những ngày giáp Tết càng thưa vắng hình ảnh ông chồng mẫu mực, người cha yêu dấu của các con, chị Hoàng Lan (quận Ba Đình, Hà Nội) quyết định đưa ra chiêu độc “chuyển cả gia đình về ăn Tết nhà bố mẹ chồng”.

Vì bố mẹ chồng chị Lan nhà cũng ở ngay phường Tứ Liên, quận Tây Hồ nên chuyện chuyển cả vợ chồng con cái về ăn Tết cổ truyền cũng khiến bố mẹ chồng chị thấy vui vẻ, còn chị đỡ được gánh nặng một mình chăm cho 2 đứa con nghịch ngợm.

Còn chồng chị Lan cũng ngại, không dám đi nhậu nhiều vì chính bố mẹ đẻ cũng khó chịu khi thấy con trai đi tối ngày, để vợ quần quật ở nhà lo Tết cho nhà chồng. Nhờ cách này, chị Lan vừa điều trị được thói quen thích nhậu nhẹt của chồng, lại vừa được tiếng thơm là “dâu hiền”.

Trên các diễn đàn, nhiều chị em còn truyền tai nhau kinh nghiệm để cùng điều trị các ông chồng ham nhậu. Cách “mượn uy mẹ chồng” đã được chị Lan tận dụng triệt để. Nhiều chị em khác cũng bắt đầu quay lại thủ thỉ với mẹ chồng, tâm sự chuyện nhà cửa để mẹ chồng đồng cảm cùng và mắng cho “lão ấy” một trận.

Một số chị em khác thì áp dụng chiêu “dùng con trói bố”. Tức là cứ thấy chồng ton tót đi nhậu là thế nào cô con gái út cũng lon ton chạy ra “bố ơi, bố đi đâu cho con đi với, con hứa sẽ ngoan”. Cuối năm, các con được nghỉ học cả nên việc đi theo bố lang thang các quán nhậu là chuyện đơn giản vì có thể đi chơi thoải mái mà không lo bài vở.

Hoặc trong khi đức lang quân đang vui vẻ chén chú chén anh ở một quán bia hơi nào đó thì các chị em sẽ “nhắc bài” cho con ở nhà gọi điện “bố ơi, bố đang ở đâu, con nhớ bố lắm, bố mau về với con đi”. Theo các chị em, thì cách này tương đối hiệu quả vì các ông chồng có thể không thiết tha với vợ, nhưng nghe giọng non nớt của con thì không thể nào từ chối được.

Nhiều kinh nghiệm được đưa ra để áp dụng, nhiều câu chuyện được các chị em nhắc đến để trị các ông chồng ham nhậu. Tuy nhiên, cuối cùng, các chị em đều kết luận rằng, cuối năm, việc nhậu nhẹt của các đức lang quân như một căn bệnh trở thành "dịch" lây truyền. Nếu tìm mọi cách mà vẫn không trị được chồng, các chị em cũng chẳng nên lấy thế làm buồn mà "tổn hại nhan sắc". Bởi sau Tết, mọi chuyện sẽ đâu lại vào đấy.

T.L