– Những gốc lũa có tuổi đời hàng ngàn năm và thuộc hàng… siêu khủng đã hồi xuân thành những tác phẩm nghệ thuật tiền tỷ.



Trào lưu chơi gỗ lũa đã có từ vài chục năm nay, tuy nhiên, đối với số đông những người có sở thích tự phát này, phần lớn là gom nhặt những gốc lũa được vùi lấp trong các lòng sông – suối… để trưng trong nhà, như là một sản phẩm lạ lẫm.

 


Tác phẩm lũa "con rồng tre".
Thế nhưng, đối với những con mắt nghệ thuật, thì sản phẩm lũa là kết tinh hàng trăm năm đời thảo mộc, bị tự nhiên sương nắng, bị nước bào mòn trở thành hóa thạch… Đó là những siêu tác phẩm không phải ai cũng có thể kiến tạo và dám trưng bày.

 

Lý do: để có thể đưa được những gốc lũa (gốc cây bị thạch hóa bởi sự bào mòn của nước) nặng hàng tấn, ở những địa hình hiểm trở, đồi núi, trong rừng già… đã là cả một quá trình. Và, để nó trở thành một tác phẩm nghệ thuật, còn phải có con mắt tinh tế trong việc chế tác thành những tác phẩm.

 

Một lý do quan trọng khác, đó là phải có không gian trưng bày, vì những gốc lũa thuộc hàng “siêu khủng” này phải được đặt trong các không gian rộng, kết hợp với bài trí để tạo thành một tiểu cảnh hợp lý.

 




Rồng khổng lồ và... nấm khổng lồ!?
Ngoài ra, đó còn là vấn đề… tài chính. Không ai dại bỏ tiền tỷ để “rước” về một gốc cây… chẳng để làm gì: chặt làm củi đun cũng không được, vì nó đã hóa thạch. Thứ hai, theo tâm lý chung, vật sống lâu có thần trong đó, những gốc lũa đường kính cả chục mét vuông chắc chắn là gốc của những “thần cây” hàng trăm tuổi. Và, theo tâm thức của người Á Đông, đó là nơi ngự trị của các thánh thần.

 

Người ta đã từng choáng váng trước gốc cây gỗ hương của đại gia Đức “gấu” (Lương Sơn – Hòa Bình) khi đại gia này bứng được gốc gỗ hương cổ thụ ở nơi hiểm trở nhất của đại ngàn Tây Bắc. Từ gốc lũa này, đại gia Đức “gấu” đã chế tác được một bộ sập, bàn ghế, tủ, bình phong và một chiếc giường độc đáo liền khối.

 

Tuy nhiên, nó sẽ là “của độc” nếu như không có sự xuất hiện của các “siêu khủng gỗ lũa” được tụ tập từ mọi miền đất nước trong dịp Triển lãm sinh vật cảnh chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội vào thời điểm tháng 10/2010.

 

Người dân Thủ đô đã có cơ hội nghìn năm có một khi được tận mắt chiêm ngưỡng những “siêu phẩm ngàn tuổi” tại dịp triển lãm này. Có lẽ, chẳng thể nào dùng ngôn từ để có thể “vẽ” lại được những công trình này. Nhưng tựu trung, nó có thể “gói” trong ba từ: độc – khủng – đẹp.

 

Vì lẽ đó, người ta đã gọi, đó là sự hồi sinh của những vật vô tri nghìn tuổi. Các thế lũa được chế tác chủ yếu theo hình dáng rồng, phượng, tứ linh, địa danh của các đại hùng sơn…

 

Dù ai cũng bị nó mê hoặc, nhưng người xem chỉ có thể biết… ngắm và… bình luận, chứ không ai dám ngỏ ý muốn được sở hữu nó. Vì hai lý do: tài chính và không gian trưng bày.

 

Cùng VietNamNet chiêm ngưỡng những siêu khủng ngàn tuổi hồi xuân:


















Trước những tuyệt phẩm siêu khủng này, người xem chỉ biết... ngước nhìn! - Ảnh: Kiên Trung.