Một ký thịt bò, heo xuất xứ nội địa giá hơn trăm ngàn đồng, nhưng hàng ngoại lên đến tiền triệu. Tương tự như vậy là phomát, xúc xích, bánh kẹo, rượu, trái cây… nhập từ châu Âu, Mỹ, Nhật ngày càng trở nên phổ biến trong ngày tết của những gia đình khá giả. Ở TP.HCM, có khá nhiều cửa hàng, chợ chỉ dành riêng bán sản phẩm tết như vậy.

9 giờ sáng chủ nhật ngày 23.1, cửa hàng bán thực phẩm Việt Hằng (số 237 Lý Tự Trọng, quận 1) tấp nập người đến mua sắm. Căn nhà này bề ngang rộng chừng 4m, sâu 20m, nhưng hàng hoá xếp ken kín từ sâu bên trong ra tới tận vỉa hè, chỉ trừ lại lối đi nhỏ xíu để khách len vào chọn hàng.

Đa số khách tới đây mua đều đi xe hơi hoặc tay ga xịn. Không có chỗ để xe, nên từng chiếc xe hơi, xe gắn máy chỉ kịp vội tấp vào lề để chủ của nó chạy ào vào, chọn mua vài món, rút ra cả xấp tiền 200.000, 500.000 đồng mới cứng, đếm vội vã trả cho người bán và lại leo lên xe chạy đi. Cảnh mua bán quá nhanh lẹ, chỉ diễn ra chừng một vài phút, nên dù nằm sát ngay ngã tư đường Trương Định nhưng không xảy ra tắc đường.
Một cửa hàng thực phẩm cao cấp

Đi chợ nhà giàu

Chị Minh, nhà ở quận Phú Nhuận, đi chiếc Toyata bảy chỗ ngoắt tài xế tấp vào sát cửa hàng, vội vàng bước xuống đưa tờ giấy ghi chi tiết tên từng mặt hàng cho chủ cửa hàng. Đứng đợi khoảng hai phút sau, cô nhân viên đưa cho chị một bịch đồ, nào là sôcôla, mấy hộp bánh quy, kẹo, hạt dẻ, hạt sen, hai thùng bia Heineken, tổng cộng hết gần 3 triệu. Toàn bộ số hàng chị Minh mua là đồ ngoại nhập, như sôcôla Mỹ giá 350.000 đồng/gói, bánh Đan Mạch 420.000 đồng/hộp, bia Heineken chai lùn Pháp 450.000 đồng/thùng 20 chai…

“Năm nào tui cũng tới đây sắm đồ tết. Hàng hoá tuy mắc một chút nhưng toàn đồ hiệu, ngoại nhập nên an tâm về chất lượng”, chị Minh nói. Là nhân viên trong công ty viễn thông, chồng bên ngành xây dựng, thu nhập thuộc hạng khá, nên theo chị Minh, làm vất vả cả năm, nay bỏ vài chục triệu mua sắm tết cũng bõ công…

Tại cửa hàng thực phẩm Ân Nam (đường Hai Bà Trưng, quận 1), một ký thịt heo muối, nhập từ Pháp có giá 1,2 triệu đồng, thịt bò Mỹ, Úc, Ý giá không dưới 1,3 triệu đồng/kg, hay như xúc xích Tây Ban Nha, jambon Đức giá từ 700.000 đến 1 triệu đồng/kg. Ngay như một số loại rau củ nội địa như càrốt, dưa leo, bắp cải… nguồn gốc Đà Lạt, trên bao bì ghi là sản phẩm sạch cũng đắt gấp nhiều lần so với bán ở chợ, siêu thị. Đứng một lúc quan sát, dù giá cao, vẫn có người tới chọn mua. Cô Trần Hương Trang, quản lý cửa hàng nói rằng, không chỉ người gốc nước ngoài, mà ngay cả người Việt lấy người ngoại quốc, gia đình thuần Việt cũng lui tới mua sắm.

“Họ bỏ ra 5, 10 triệu, thậm chí có người mua một lúc hơn 30 triệu chỉ để mua một vài hộp bánh, kẹo, phomát, ít thực phẩm tươi, đóng hộp, vài chai rượu nhập từ châu Âu, Mỹ…”, Trang nói.

Ở cửa hàng trái cây góc đường Nguyễn Tri Phương – An Dương Vương, quận 5, trái cherry nhập từ New Zealand giá khoảng 800.000 đồng/kg và người bán cho biết giá có thể biến động vào sát tết do khách mua nhiều. Một số người sành ăn tìm mua cherry nhập từ Úc và chấp nhận giá hơn 1 triệu đồng/kg vì cho rằng loại này ngọt hơn.

Ở các shop thực phẩm và một số siêu thị, bánh kẹo, sôcôla ngoại nhập đã ra mắt hơn 50 loại, mới cả về nguồn gốc lẫn khẩu vị. Bày bán nhiều trên các quầy kệ ở nơi này là bánh cookies pha trộn sôcôla, hạt hạnh nhân, quả óc chó hoặc bánh có thêm omega-3, bánh không chứa trans fat, bánh ngũ cốc không thêm đường, bánh xốp làm từ đường ăn kiêng… nhập từ hơn 20 quốc gia như Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Canada, Đan Mạch, Philippines.

Mua hàng theo đẳng cấp

Sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người có tiền nhắm đến yếu tố mới lạ, độc đáo, tiện dụng, tươi ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm và quan trọng hơn là đúng đẳng cấp. Cũng là nước lô hội đóng chai, trong khi giá ở siêu thị 8.000 – 12.000 đồng mỗi lon, hàng nhập trên bao bì có ghi giàu chất xơ, giá lên đến 40.000 đồng. Bà chủ cửa hàng bách hoá thực phẩm Minh trên đường Cách Mạng Tháng Tám cho biết: “Tôi nghĩ là giá mắc, nên lấy vài chục chai bán thăm dò, ai dè chỉ chào hàng cho hai vị khách quen là họ mua hết”.

Theo chị Việt Hằng, chủ cửa hàng cùng tên, khách mua chủ yếu là dân có tiền, nên hàng hoá phải ở phân khúc riêng, nếu là nhập ngoại thì hiệu Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức… Còn đồ nội thì cửa hàng cũng chỉ bán hàng “tuyển”, tuyệt đối không bán hàng xô, rẻ tiền… “Khách hàng tin tưởng chất lượng họ mới tới mua”, chị Hằng bảo vậy.

Bà Ngọc Mỹ, ngụ ở khu dân cư Trung Sơn, Bình Chánh cho biết đã mua bánh xốp, bánh quy bơ, bánh sôcôla với giá 85.000 đồng/gói, hàng nhập khẩu từ Canada vì sản phẩm có bổ sung thêm omega 3 – 6 và một số vitamin, không chứa chất béo gây hại (zero trans fat). Không rõ các chất bổ sung tác động tới sức khoẻ thế nào, nhưng trước mắt, giá bán cao gấp bốn lần so với loại thông thường.

Bà Ngọc Mỹ cho rằng: thà mua mắc một chút để tốt cho sức khoẻ. Còn chị Hải, làm nhân viên tài chính cho công ty vật liệu xây dựng Pháp, thu nhập hơn ngàn đôla mỗi tháng thì cho rằng, chơi tết bây giờ không ăn no như trước, nên mua sắm cũng phải lựa chọn những món ngon, mới lạ. “Tiền không thành vấn đề”, chị nói về quan niệm của mình.

(Theo SGTT )