– Nhiều người đang đau đầu
lựa chọn quà cáp đi tết sếp sao cho vừa hợp túi tiền của mình lại vừa ý thích
của sếp. Với những người có sếp là nữ giới thì đây quả là một thử thách khó
khăn. Nhiều người phải đi Tết sếp đã bảo nhau “cấm phá giá” để tránh mâu thuẫn
nội bộ.
Chật vật chọn quà cho sếp nữ
Hầu hết người đi Tết sếp đều muốn mua một món quà thỏa mãn 2 điều kiện: Có thể khiến sếp bất ngờ/thú vị (hài lòng sếp) và không quá đắt đỏ (để vừa túi tiền).
Điều này nói nghe có vẻ dễ nhưng thực hiện lại không dễ. Nhất là với người phải đi nhiều sếp cùng lúc thì đây quả là vấn đề nan giải. Có không ít người không chọn lựa đươc cái gì vừa ý đành đi Tết sếp theo “công thức” cổ điển: rượu ngoại và “phong bì”.
“Phong bì ít nhất cũng phải 500 ngàn. Đó là chưa kể đến nhà sếp sẽ lì xì bố mẹ sếp, con sếp, mỗi người cũng ít nhất 100 ngàn trở lên”, chị Thái nói.
Chị Thái cho biết cứ tính sơ sơ cả tiền lẫn rượu ngoại cũng ít nhất 1,5 triệu/1 sếp. Nếu không đi theo “công thức” cổ điển này mà đi theo dạng tặng cây, tặng quà thông thường kèm tiền lì xì thì “tổng thiệt hại” cũng rơi vào 500.000-700.000 đồng/giỏ quà.
Với sếp nữ, chuyện mua quà trở nên khó khăn hơn. |
Một nhân viên nam làm trong cơ quan Nhà nước tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi được vợ tư vấn là nên tặng sếp nữ một thẻ spa ở những thẩm mỹ viện/trung tâm chăm sóc sắc đẹp có tiếng. Sau khi tham khảo một spa nổi tiếng nằm trong trung tâm thương mại lớn nhất nhì Thủ đô, tôi thấy mức giá (dành cho 1 người) thấp nhất 58 USD/lần và cao nhất là 108USD/lần. Như vậy có lẽ cũng hợp lý và “đủ tầm” để tặng sếp”.
Từ cách đây nửa tháng, những trang web bán hàng trực tuyến đã rao bán nhiều loại hàng cao cấp phục vụ nhu cầu mua sắm để biếu xén dịp Tết. Ngoài rượu ngoại như một phần không thể thiếu thì có thể kể đến một số loại hàng độc đáo được quảng cáo như: nhung hươu tươi nhập về từ Úc; tổ yến, linh chi, kỳ hươu bằng ngọc, các loại hoa cây cảnh độc và đắt tiền, vv…
Hiểu được sự khó khăn mỗi khi phải chọn quà đi Tết sếp, có một số trang web đã đưa ra hẳn một topic (chủ đề) về những điều nên và không nên khi mua quà tặng sếp để mọi người vào cùng chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm sao cho sếp hài lòng nhất mà mình cũng đỡ “méo mặt” nhất.
Tuy nhiên, không phải cứ có lý thuyết dẫn đường trước thì phần thực hành sẽ suôn sẻ. Có sự trợ giúp đắc lực của internet nhưng rất nhiều người đau đầu mỗi khi Tết đến vì không biết nên mua quà gì để biếu sếp.
Tiền đi Tết sếp lớn hơn tiền thưởng
Năm nào đến Tết cũng có chỉ thị từ cấp cao nhất về chuyện cấm biếu xén, cấm tặng quà cấp trên. Mới đây nhất, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2011 của Hà Nội tổ chức vào ngày 4/1, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng nhấn mạnh “đừng biếu quà Tết ai, đừng để ai biếu mình” khi nhắc đến chuyện quà cáp dịp Tết Nguyên Đán.
Nhưng là “điệp khúc” này có vẻ chưa thể hiện hiệu quả một cách rõ ràng trong cuộc sống. Có công chức đã thật tâm chia sẻ: “Tiền đi Tết sếp lớn hơn tiền thưởng Tết”.
Lý do thì khá đơn giản: Nếu chỉ làm chuyên viên thông thường, làm một công chức quèn (như cách mà người ta vẫn gọi những công chức ngồi ở vị trí “ít bổng lộc”) trong một cơ quan Nhà nước không có thu (không có dịch vụ xã hội hóa) thì tiền thưởng Tết không thấm tháp gì, chỉ dừng ở vài trăm ngàn đồng, nơi nào cao và là niềm ngưỡng mộ của giới công chức cũng chỉ trên 1 triệu đồng/người.
Những người làm Nhà nước, lương thấp nhưng lại phải đi Tết nhiều. Có người còn than vãn tiền thưởng ít hơn tiền đi Tết. |
Vị công chức trên kể: “Cuối năm, cơ quan đi Tết sếp như nước. Ai cũng đi cả mà
mình không đi cũng thấy ái ngại”.
Đã có “thâm niên” đi Tết sếp nên vị này cũng “khuyến cáo” đồng nghiệp: “Nên căn ke khéo kéo để chọn được thời điểm thích hợp, đến còn trò chuyện được với sếp. Nên đi cách xa một chút thì sếp còn thong thả. Đi sát Tết quá sếp đông khách, người vào ra tấp nập, aloxo sếp lại không nhớ ai vào ai!”.
Đối với cơ quan Nhà nước nhưng có thu do xã hội hóa, một số nhân viên cho biết tiền đi Tết của họ không lớn hơn tiền thưởng Tết nhưng cũng phải bằng 1/3 tổng số tiền thưởng.
Cấm đồng nghiệp … phá giá
Một công chức từng làm trong một Bộ kể lại câu chuyện của mình: Trong cơ quan, có một quy định khi đi Tết sếp là “cấm phá giá trong điều kiện bình thường”. Hiểu một cách nôm na là phải biết nhìn trước ngó sau. Chỉ trừ người nhăm nhe lên chức hoặc “có phốt” cần phải lấy lại “danh dự” thì mới phải “phá giá”. “Nếu đang “bình thường” mà cứ muốn “chơi trội” thì chỉ có thiệt thân thôi”, công chức này nói. |
- Cẩm Quyên