- Tết Nguyên Đán chỉ còn đếm từng ngày, trong khi nhiều người đã rục rịch về quê để sum họp bên gia đình, thì tại nhiều bệnh viện có không ít bệnh nhân vẫn phải chống chọi với nỗi đau bệnh tật.

Đón Tết là niềm vui xa xỉ

Những ngày giáp Tết Âm lịch, giữa cái lạnh tê tái của Thủ đô, nhiều bệnh viện vẫn trong tình trạng quá tải vì bệnh nhân nhập viện liên tục. Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện K, Bệnh viện Xanh Pôn,… vẫn còn không ít người nhà bệnh nhân phải nằm chầu trực ở ngoài hành lang, trên các ghế đá vì không còn đủ chỗ trong các phòng bệnh.

Theo ghi nhận của PV, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều giường bệnh phải có đến từ 2 – 3 cháu nằm. Đối lập hoàn toàn với không khí tấp nập bên ngoài khi người người, nhà nhà đi sắm sửa cho năm mới, thì tại bất kỳ nơi nào trong bệnh viện người ta cũng chỉ thấy một khung cảnh thật nặng nề.

Nhiều bệnh nhân nghèo phải ở lại nhà lưu trú trong dịp Tết tại BV Bạch Mai.

Những khuôn mặt còn hằn in nguyên vẹn nỗi lo lắng về bệnh tật của người nhà và bệnh nhân, không biết bao giờ mới qua khỏi. Tại khoa Phẫu thuật thần kinh – BV Xanh Pôn vào ngày 26 Tết, chúng tôi gặp hai mẹ con chị Nguyễn Tuyết Mai, quê ở Thanh Hóa, đang đứng ngồi không yên vì tính mạng của chồng chị còn đang mong manh. Anh bị chấn thương sọ não nặng và gãy chân bên phải.

“Vừa chiều hôm trước nhận được điện thoại của một người quen nói chồng tôi bị xe tải đâm, đang phải cấp cứu trong bệnh viện, không còn giữ được bình tĩnh nữa, hai mẹ con bỏ hết việc ở nhà ra Hà Nội ngay. Sáng hôm ấy, nhà tôi cũng vừa gọi điện về nhà nói là 27 Tết sẽ về. Vậy mà chiều đã xảy ra tai nạn rồi. Bị mất rất nhiều máu, khâu hơn chục mũi ở mặt nữa. Giờ cũng chỉ mong cho chồng mau tỉnh lại thôi chứ cũng không còn tâm trí để nghĩ đến Tết nữa” – chị Mai vừa quệt hai hàng nước mắt, vừa nghẹn ngào nói.

Có mặt tại Nhà lưu trú dành cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Bạch Mai, chắc chắn người ta sẽ không còn nghĩ đến một không khí Tết sum vầy và ấm cúng sắp đến nữa. Đa số các bệnh nhân ở đây đều phải đi chạy thận, căn bệnh sẽ đeo bám họ cho đến suốt cuộc đời, nên những mảnh đời “nghèo vẫn hoàn nghèo”.

Chị Tạ Thị Sáu (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) đưa chồng đi chạy thận, ngậm ngùi cho hay: “Nhà tôi bị suy thận cũng khá lâu, ở quê chữa mãi không khỏi, phải lên trên này chạy thận. Một tuần 3 lần, cả tháng cả tiền ăn ở và chữa trị hết gần 10 triệu. Cũng phải chạy vạy, vay chỗ nọ, chỗ kia thôi. Tết này cũng không dám về, bệnh này để lâu sẽ tích nước, có thể chuyển sang suy tim. Nên đành phải ở lại bệnh viện. Nhà nông, cũng chẳng khá giả gì nên không biết đến bao giờ mới có tiền chữa khỏi bệnh. Cứ cố được tí nào thì hay tí ấy”.

Câu nói thở dài, không tìm thấy một chút hi vọng mong chồng khỏi bệnh của cô Sáu, buông thõng cũng chính là tâm lý chung của rất nhiều bệnh nhân nghèo ở nơi đây. “Cuộc chiến” dài với bệnh tật khiến cho Tết đã trở thành một điều quá xa xỉ đối với họ.

Xót xa nỗi lòng những người mẹ

Khoa Ung bướu Bệnh viện Nhi Trung ương vào những ngày cận kề Tết Nguyên Đán, các bác sĩ vẫn tiếp khá nhiều ca cấp cứu bệnh nhi trong tình trạng nguy cấp. Đặc biệt có trường hợp của cháu Nguyễn Xuân Hiếu, 11 tuổi, ở Thái Bình, bị bạch cầu cấp ở giai đoạn nghiêm trọng.

Chị Nguyễn Thị Én, mẹ của Hiếu nghẹn ngào cho biết trong đôi mắt đọng đầy nước: “Cháu đã vào viện được 2 tháng, sau nhiều lần truyền hóa chất, cơ thể lại càng yếu đi. Nhiều lần bị khó thở phải cấp cứu như vậy rồi. Các bác sĩ cũng chưa dám chắc về tình trạng sức khỏe của cháu. Không biết có qua được Tết này không nữa”.

Nỗi lòng của người mẹ nghèo ấy chỉ mong được xoa dịu đi khi mỗi lần chờ đợi các bác sĩ đi ra từ phòng cấp cứu và nói rằng “cháu đã qua cơn nguy kịch”.

Chị Xuân bên đứa con gái nhỏ 2 tháng tuổi bị u máu

Những ngày giáp Tết, chị Nguyễn Hương phải một thân một mình mang theo con trai mới hơn 2 tháng tuổi, từ Nghệ An ra Hà Nội để chữa trị bệnh tim bẩm sinh. Nhìn đứa con bé bỏng nằm lọt thỏm trong chiếc chăn quấn để ủ ấm cho cháu, chị vừa gạt nước mắt vừa nói: “Cháu còn bị cả viêm phế quản phổi 1 tháng nay, liên tục phải thở bằng ống khí. Các bác sĩ ở trong đấy có giới thiệu ra ngoài này chữa nên mẹ con tôi phải thu xếp đi ngay, sợ để lâu bệnh lại càng nặng. Cả nhà đều sốt ruột chữa bệnh cho cháu nên cũng chẳng còn để ý đến Tết nhất gì nữa”.

Nhìn những thân hình nhỏ bé, yếu ớt của các em tại bệnh viện nhi phải “gồng” thêm cả đủ loại dây rợ, bình truyền hóa chất và ống thở, nỗi lòng biết bao người cha, người mẹ lại càng đau thắt hơn nữa.

Cháu Hà Vi (Vĩnh Phúc) cũng chỉ mới 2 tháng tuổi mà đã mang trong mình căn bệnh u máu quái ác. Những vệt thâm tím đã loang lổ trên khắp người và cả khuôn mặt.

“Cháu bị bệnh ngay từ khi sinh ra mới được có mấy ngày. Các bác sĩ kiểm tra và cho biết tim, phổi của cháu cũng không tốt. Hàng ngày vẫn phải hút đờm cho cháu. Nó còn quá nhỏ không biết có chịu đựng được không. Vậy là cháu đã không được biết đến cái Tết đầu tiên lúc chào đời” – chị Xuân, mẹ Hà Vi, tâm sự trong đôi mắt còn đỏ hoen.

Cũng tại Khoa lưu trú dành cho bệnh nhân nghèo của BV Bạch Mai, chúng tôi thấy xót xa thay cho trường hợp của bác Nguyễn Thị Bình và chị Phùng Thị Hằng (Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội). Người mẹ đã ngoài 50 tuổi hàng ngày phải xúc từng thìa cháo để chăm người con gái mới 24 tuổi nhưng bị mắc bệnh suy tim nặng.

Bác Bình không giấu nổi những giọt nước mắt khi nói về đứa con gái không may mắn của mình: “Hằng tốt nghiệp ĐH Sư phạm, đi dạy được hơn một năm thì gia đình mới biết. Trước đó, nó giấu cả nhà vì sợ không có tiền chữa bệnh. Lúc đầu chỉ bị suy thận, rồi sau đó đi khám mới phát hiện ra đã chuyển sang suy tim. Đây là năm thứ 2, gia đình chưa biết không khí Tết như thế nào, vì còn lo tiền thuốc thang, trị bệnh cho Hằng”.

Những căn bệnh quái ác, với những nỗi đau triền miên đã không cho nhiều bệnh nhân có cơ hội được đoàn tụ với gia đình để hưởng không khí Tết – thời điểm được mong chờ nhất trong năm. Sẽ là một chút lắng lòng để mỗi người biết rằng, hạnh phúc mà mình đang có trong thời khắc thiêng liêng chào đón năm mới lại là mơ ước của rất nhiều người, mà tính mạng của họ đang “ngàn cân treo sợi tóc” trên giường bệnh.

  • Vân Anh