- "Tết này có về quê không?". Không về vì muốn ở lại thành phố bám trụ mưu sinh. Không về để tiết kiệm lo cho tương lai,... Còn không về vì lo cho đàn trâu không thể chịu nổi giá rét vùng cao kéo dài. Và không thể về vì ông trời không "ưu ái".

Mưu sinh (Ảnh minh họa: VietNamNet)
An ủi vì cuộc sống mưu sinh

Đã 5 năm nay, chị Nguyễn Thị Hoa, quê ở Thanh Chương, Nghệ An đã không về ăn Tết với mẹ. Bố mất sớm, nhà chỉ còn mẹ và 2 đứa em nhỏ nên gánh nặng đè lên vai Hoa. Mới tốt nghiệp đại học, Hoa xin vào làm việc ở một nhà hàng tại trung tâm thành phố Hà Nội. Tết ai cũng tranh thủ về quê cùng gia đình nên rất thiếu người làm. Bà chủ ở đây khuyến khích nhân viên ở lại bằng cách trả lương gấp nhiều lần ngày thường. Thậm chí, có năm ở lại mấy ngày Tết phục vụ, Hoa đã dành dụm được gần 2 triệu đồng, ngót cả tháng lương.

Từ những năm cuối sinh viên, Hoa đã ở lại thành phố mưu sinh và gửi tiền về để mẹ lo Tết. Cũng từng đó năm, đến ngày Tết Hoa không được thắp hương lên mộ cha và vui vầy quanh nồi bánh tét cùng mẹ và các em.

"Dù biết đón Tết một mình nơi thành phố rất buồn và nhớ nhà, nhưng nếu không về tôi sẽ có thêm tiền gửi về đỡ mẹ nuôi em", chị Hoa ngậm ngùi.

Chị Thu Hà ở Vũ Thư, Thái Bình cũng đã trải qua nhiều cái Tết trong tâm trạng đau đáu hướng về quê hương, nơi có chồng, 2 con và người thân. Làm nghề thu gom phế thải nên chị cứ nán lại để gom nhặt những lon bia, chai nhựa bán kiếm lời và giảm thiểu chi phí đi lại.

Việc ăn Tết xa nhà thâm niên nhất phải kể đến vợ chồng chị Hải, anh Hoan (quê ở Xuân Trường, Nam Định). Mở quán phở gia truyền Nam Định, mỗi dịp Tết đến, việc kinh doanh cũng thuận lợi hơn nên vợ chồng anh Hoan gửi con lại cho ông bà để ở lại thành phố mưu sinh. Theo chị Hải, một ngày này làm lãi gấp vài lần so với ngày thường nên chị cố nán lại để có thể dành dụm lo cho gia đình và con cái học hành.

Cũng Tết này, nhiều công nhân phải ở lại TP.HCM mà không thể về quê đón Tết cùng gia đình vì hoàn cảnh quá khó khăn. Đã 3 năm nay, cô công nhân may Nguyễn Thị Hiền, ở quận 8, TP.HCM không về đón Tết với gia đình. Quê ở vùng miền Trung xa xôi đầy cát và nắng gió, cái nghèo đói cứ đeo bám gia đình Hiền từ thuở ấu thơ nên khi vừa mới lớn, Hiền đã bươn chải xa quê để mưu sinh đỡ đần cha mẹ.

Suy tính đi về dịp Tết phải tốn đến cả triệu bạc nên Hiền dành dụm gửi về quê, còn mình thì ở lại tìm việc làm thêm kiếm tiền.

Vì ông trời chưa "ưu ái"

Bên cạnh những số phận đón Tết xa nhà vì mưu sinh thì còn nhiều hoàn cảnh xa nhà khác "đặng chẳng đừng". Tại vùng núi cao xã Trung Chải, huyện SaPa, tỉnh Lào Cai, hàng trăm gia đình người dân tộc thiểu số không được đón xuân mới ở nhà mình vì phải đưa đàn trâu đi tránh rét ở vùng thấp ấm hơn, cách nhà vài chục cây số. Việc di chuyển này khiến đàn trâu, bò thoát được thiệt hại nên cũng khiến bà con dù phải ăn Tết xa nhà cũng được an ủi vài phần.

Bà con vùng cao huyện Sa Pa đưa đàn trâu xuống vùng thấp tránh rét (Ảnh: Dân trí)
Theo tính toán của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, đợt rét kéo dài tại miền Bắc đã tiệm cận con số 30 (bắt đầu từ 2/1/2011 - PV). Rét đậm, rét hại đã giết chết hàng nghìn con trâu, bò ở các khu vực vùng núi cao. Tuy nhiên, do "chạy" rét sớm nên đàn trâu bò của bà con xã Trung Chải đã may mắn thoát nạn.

Chia sẻ trên báo Dân trí, ông Châu A Pho cùng các gia đình ở bản Chu Lìn (xã Trung Chải) cho biết, đã theo đàn trâu bò suốt từ đầu tháng 1/2011. Đến nay tuy đã thấm mệt nhưng mấy ngày Tết Nguyên đán Tân Mão ông vẫn cùng con cháu bám đồng cỏ ở vùng thấp Bát Xát chăm mấy con nghé vừa mới đẻ.
"Về nhà ăn tết sướng miệng nhưng mà trâu đói rét và bị chết mất hàng chục triệu đồng, tiếc lắm. Chăn trâu bò ở nơi sơ tán chỉ khổ nơi ngủ thôi - rét lắm, nhưng trâu nghé lại ấm nên bà con ai cũng ráng chịu", ông Pho tâm sự.
Trong khi đó, cũng vì chưa được ông trời "ưu ái" nên một số hộ dân tại vùng biển thôn An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã phải di tản đến nơi khác vì bị triều cương đột nhiên xuất hiện.

Chiều qua (1/2), trên tờ Bee, ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Bình Hải, huyện Bình Sơn cho biết: "Nếu sóng biển và triều cường chưa hạ xuống thì chắc chắn năm nay người dân thôn An Cường sẽ đón Tết trong lo sợ. Hai hộ dân vừa di dời sẽ không được đón Tết trong nhà của mình" - ông Thiện nói.

"Tết này có về không?". Lời hỏi thăm dồn dập từ bạn bè khắp nơi đối với những người con phải xa quê đi làm ăn. Họ không về vì ở lại thành phố bám trụ mưu sinh; không về để tiết kiệm lo cho tương lai;  còn không về vì lo cho đàn trâu không thể chịu nổi giá rét vùng cao kéo dài.

Ngoài ra, ở đâu đó trong từng ngôi nhà, bên mâm cơm cúng tất niên hay giờ khắc thiêng liêng giao thừa tiễn năm cũ, đón chào năm mới 2011 vẫn còn thiếu vắng những người con, người cha, người mẹ. Đó là, các chiến sĩ hải đảo, lực lượng công an phải thay nhau túc trực để đảm bảo sự bình yên của đất nước.

Rồi các bác sĩ, nhà báo, nhà đài đến các cô lao công,... với công việc góp một phần nhỏ phục vụ người dân đón Tết vui vẻ, an lành cũng phải vắng nhà Tết này. Nhưng dù là mưu sinh, vì công việc hay vì lý do gì đi chăng nữa thì việc những thành viên không được đón Tết ở nhà mình cũng là điều thật... ngậm ngùi.

Cẩm Anh