(VietNamNet) – Cùi cụi mấy chục năm trời, ông “tiến sỹ mèo” Nguyễn Văn Thanh đã bỏ công sức để nghiên cứu cả mèo và… chuột, để đưa ra một kết luận chắc nịch: không có phương pháp nào trị chuột hiệu quả hơn mèo, bởi cần chỉ ngửi hơi mèo, chuột đã tự hạn chế bản năng sống!

Tiến sỹ mèo Nguyễn Văn Thanh.
Ấn tượng lần đầu tiên tiếp xúc với ông tiến sỹ mèo Nguyễn Văn Thanh tại ngôi nhà đẹp đẽ trong một khu dân cư mới của ông ở ngoại thành Hà Nội (khu vực Trâu Quỳ), đấy là vẻ gì đó gần giống với khái niệm “đáng trí bác học” mà người ta vẫn thường dành cho những người dồn hết tâm sức cho công việc nghiên cứu khoa học.

Chậm rãi, cẩn trọng và hết sức tự nhiên, ông gọi một lúc ba, bốn chú mèo đang cuộn tròn trong gầm cầu thang. Thấy chủ gọi, mấy con vật quen hơi luẩn quẩn bên chân ông, dụi cái đầu nhỏ vào tay ông đòi được bế. Ông bảo, đấy là lũ mèo hoang, chẳng biết từ đâu mà cứ kéo đến nhà ông, rồi ông giữ lại nuôi thuần hóa chúng thành “mèo nhà”.

Cả chục năm nay ông cưu mang không biết bao nhiêu “cuộc đời mèo cơ nhỡ”. Ai muốn nuôi mèo đến xin, ông cho luôn về nuôi nhưng không kèm theo lời nhắc nhở: phải nuôi chứ không được mang về làm… tiểu hổ. Những người biết ông “cưu mang” mèo, gặp mèo lạ, mèo hoang đều mang đến nhà ông để ông chăm sóc. Thành thử, nhà ông như một “trại tế bận” của mèo, và cái tiếng “ông Thanh cưu mang mèo” đã trở nên nổi tiếng khắp xung quanh khu dân cư gần trường ĐH Nông nghiệp.

Công trình nghiên cứu giảng dạy của Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh
Ông “tiến sỹ mèo” tâm sự: “Tôi sinh ra tai một vùng quê nghèo trong một ra đình nông dân ở đất lúa Hải Dương. Thủa thiếu thời tôi đã hiểu rõ nỗi vất vả của người nông dân trong sản xuất  nông nghiệp. Để làm ra hạt thóc, bắp ngô củ khoai, củ sắn người nông dân phải đổi bằng mồ hôi và kể cả nước mắt.

Thế nhưng mùa màng của họ không chỉ bị đe dọa ngoài sự bất thường của thiên nhiên như bão lụt, hạn hán… còn phải kể đến sự tàn phá của lũ chuột. Tôi đã phải chứng kiến cảnh đau lòng khi chính mẹ tôi đứng đầu bờ ruộng rơi nước mắt vì chỉ trong một đêm thành quả lao động nhiều tháng trời đã lũ chuột tàn phá một cách tàn bạo, những vạt ruộng bị chuột cắn nát tan tành.

Bà con đã sử dụng nhiều phương pháp diệt chuột như dùng bả, dùng bẫy, đào bắt…, nhưng theo tôi không có biện pháp nào khả thi và hiệu quả hơn là dùng mèo - một thiên địch khắc tinh của lũ chuột. Mèo ngoài việc giết chuột trực tiếp nó còn có tác dụng uy hiếp ngăn cản sự sinh sôi nẩy nở của chuột. Ở đâu có mèo ở đó sự sinh sản của loài chuột bị kìm hãm - một quy luật sinh học tất yếu. Đó là lý do chính thúc dục tôi dành thời gian quan tâm nghiên cứu về việc bảo vệ phát triển đàn mèo!”.  

Quyết tâm ấy thôi thúc ông Thanh đăng ký vào trường Đại học Nông nghiệp, khoa thú y. Sau khi trở thành giảng viên, ông dành thời gian công sức để nghiên cứu cả… mèo và chuột.

TS Thanh đã ngấm ngầm… nuôi chuột sinh sản để “hoảng hồn” nhận ra rằng, khả năng sinh sản của chuột là… khiếp đảm: một chuột đồng cái, trong vòng một năm, sinh tới 80 chuột con. Cứ 2 tháng sau, lại có một thế hệ chuột tham gia sinh sản. Tỉ lệ gia tăng tự nhiên của chúng theo cấp số nhân. Như vậy, một năm, mỗi đôi chuột có thể trực tiếp và gián tiếp cho "ra lò" tới 2.160 con chuột. Nếu một cánh đồng có 1.000 con chuột, thì mỗi ngày sẽ có 6.000 chuột con chào đời! Tổng số đàn chuột ở nước ta là cả trăm triệu con và thiệt hại do chúng gây nên tới vài chục tỉ đồng mỗi ngày.

Vì là người làm công tác nghiên cứu khoa học nên ông cũng đặt ra nhiều giả thiết. Ông thử các phương pháp diệt chuột mà người dân vẫn làm như bẫy, bả, bẫy bán nguyệt, băng dính…, chỉ có kết quả ở những lần đầu. Từ lần thứ hai, như kiểu con nọ mach con kia, lũ chuột đều tránh được hết. Yên tâm với kết quả về hiệu quả của những phương pháp “bẫy chuột nhân tạo”, ông thí điểm nghiên cứu khả năng bắt chuột của mèo.

Ban đầu, ông cho lũ chuột ở trong một khu vườn riêng biệt, với một môi trường thuần tự nhiên, đủ thức ăn… đảm bảo cho đàn chuột… thả sức đẻ. Sau một thời gian, ông Thanh bắt đầu cho mèo tiếp cận với “khu vườn chuột”, để cho hai loài vật tạo hóa sinh ra là “thiên địch” tự thân chống chọi, chế ngự nhau. Kết quả mỹ mãn: lũ chuột như bị tê liệt. Những chiến binh mèo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. “Khu vườn chuột” tự nhiên biến mất. Lũ chuột tinh quái như bị ma làm bỗng nhiên mất hút vì có… hơi mèo.

“Đàn mèo hoang” được thuần hóa tại nhà ông Thanh
Sau đó, TS Thanh tổng kết và đưa ra các kết luận: Mèo bắt chuột không ngừng nghỉ, bất kể ngày đêm. Một con mèo có thể bao quát được một vùng đất rộng cả ngàn mét vuông và mỗi năm tóm sống trung bình 300 - 400 con chuột. Thế nhưng, lại có một điểm “vênh”: Một năm một chuột cái trực tiếp và gián tiếp sinh sản hơn 2.000 chuột, trong khi mỗi năm một con mèo chỉ xơi được 300 - 400 chuột, như vậy có hiệu quả? Cần tới 5 con mèo để phụ trách một mèo đầu não?

Lại thêm một thí nghiệm công phu khác: Ông Thanh gom khoảng 100 đầu chuột cái mang bầu nhốt vào chuồng, cũng trong một môi trường đảm bảo để chúng đẻ sòn sòn. Chuột con chào đời vài ngày tuổi đã nhanh chóng trở thành chuột trưởng thành, đủ để độc lập tách đàn.

Giai đoạn 2 của thí nghiệm này, ông thả mèo vào những ngăn chuồng nhốt chuột mang bầu, tất nhiên là không để cho mèo “chén” chuột. TS Thanh theo dõi, thấy mỗi lần xuất hiện mèo, đàn chuột nhũn như chi chi, toàn thân run cầm cập. Dù lưới thép đảm bảo an toàn tuyệt đối, song đàn chuột quên cả ăn ngủ khi có chú mèo lượn lờ bên ngoài. Kết cục: 90% số chuột sảy thai, lưu thai. TS Thanh tiếp tục thả chuột đực vào chuồng, nhưng tuyệt nhiên không thấy con nào mang bầu.

Và thế là ông có đủ chứng cứ để kết luận: mèo không chỉ bắt chuột, giết chuột, mà vía của mèo còn khiến chuột khó mang thai, khó sinh sản. Do đó, khi vùng đất nào có nhiều mèo, ắt có ít chuột, còn ít mèo, thì ắt chuột hoành hành dữ dội, bất kể con người cố gắng diệt chuột như thế nào.

Kết luận của quá trình nghiên cứu này cũng là “cái” để ông thuyết phục bà con nông dân xã Thanh Bình tin tưởng ông để nên tôn vinh đàn mèo, không nuôi mèo chỉ phục vụ “cái anh tiểu hổ”. Và, cuộc thi “hoa hậu mèo” của ông thành công ngoài ý muốn, những nàng mèo không chỉ đẹp mà còn bắt chuột giỏi.

Ngần ấy câu chuyện, ngần ấy tâm sức mà ông đau đáu, cũng đủ để ông nổi tiếng trong giới chuyên môn của trường ĐHNN Hà Nội – ông “tiến sỹ mèo” Nguyễn Văn Thanh, dù rằng cái danh hiệu ấy, ông phải cùi cụi 30 năm ròng “dan díu” với lũ mèo mới có được.

Kiên Trung