Sáng 11/8, nhiều người dân tại Hà Nội bày tỏ bất ngờ khi trời mù mịt, có hiện tượng như sương bao phủ.

Theo hệ thống quan trắc PAM Air, các điểm đỏ cũng liên tục xuất hiện. Điển hình, tại điểm đo tại đường Chùa Láng, chỉ số AQI (một chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày) lên tới 184.

Thậm chí tại một số khu vực như đường Kim Mã, Dịch Vọng Hậu, Khu đô thị Times City, chỉ số AQI còn chuyển sang màu tím (cao trên 200, ở mức rất không lành mạnh).

Hệ thống quan trắc PAM Air ghi nhận chất lượng không khí của Hà Nội ở mức ô nhiễm nặng. 

Lý giải về nguyên nhân hiện tượng trên, đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng đêm qua (10/8) và sáng sớm nay, miền Bắc có mưa, mưa rào.

Những cơn mưa đêm đã để lại lượng ẩm trong không khí lớn nên sáng nay tạo ra lớp sương mù.

Mặt khác, hiện nay, ở miền Bắc đã vào Thu. Vì thế, hiện tượng sương mù và sương mù nhẹ xuất hiện như sáng hôm nay là một nét đặc trưng của mùa Thu miền Bắc.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, sương mù là một trong số hơn 20 loại hình thiên tai thường gặp ở Việt Nam.

Trên thực tế, những ngày có sương mù bao phủ ở Hà Nội cũng không phải là hiếm.

Sương mù dày khiến tầm nhìn xa hạn chế.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, những ngày sương mù xuất hiện làm cho sự lưu thông khí quyển bị hạn chế, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm gia tăng ô nhiễm môi trường không khí.

"Với chất lượng không khí như vậy, những người nhạy cảm sẽ gặp vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít gặp hơn, tiến sĩ Hoàng Dương Tùng cho biết.