Năm 2024, cuộc thi viết thư quốc tế UPU có chủ đề là: “Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để kể về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa”.
Tiếng Anh là: "At 150 years old, the UPU has served people around the world for more than eight generations. The world has changed enormously since then. Write a letter to future generations about the world you hope they inherit".
Chủ đề của cuộc thi năm nay gắn với kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính Thế giới (1874-2024).
Dưới đây là bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53:
... Ngày... tháng... năm...
Chào các bạn - thế hệ tương lai của chúng tôi!
Khi tôi đặt bút viết lá thư này, thế giới mới bước sang năm 2024. Nhờ hành trình 150 năm qua phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã góp phần tích cực để thay đổi thế giới.
Ở nơi bạn sống có còn tình trạng phân biệt giới tính không? Đất nước tôi ở năm 2024, dù vấn đề "bình đẳng giới" đã được quan tâm hơn, song vẫn còn tình trạng này.
Từ năm 2016, Việt Nam đã triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hằng năm (từ ngày 15/11 đến ngày 15/12). 7 năm hưởng ứng với nhiều hoạt động, không phủ nhận đã đạt được những thành tựu không nhỏ, song, trên đất nước tôi đâu đó vẫn còn định kiến về giá trị của người phụ nữ.
Ngay mẹ tôi - một người phụ nữ tứ tuần, 4 mùa chỉ quanh quẩn bên căn nhà nhỏ. Dần dần nét vui tươi của mẹ đã biến thành nỗi lo toan bếp núc, chồng con… Mẹ bảo, phụ nữ phải có bổn phận, trách nhiệm chăm sóc, vun vén gia đình và tiêu chí đánh giá một người phụ nữ giỏi là một gia đình hạnh phúc. Tôi tự hỏi, ngay bản thân mẹ còn quên mất giá trị bản thân, quên cách yêu thương chính mình, đến bao giờ việc phân biệt giới tính mới được xóa bỏ.
Tôi nói điều này vì tôi biết, mẹ cũng có những ước mơ, những sở thích riêng. Nhưng vì gia đình, vì định kiến “hậu phương vững chắc" mẹ đành bỏ lại chúng phía sau. Nhìn dáng vẻ mẹ hiện tại, tôi rất sợ đó là hình ảnh của mình trong tương lai. Tôi không muốn sống một cuộc đời bình lặng đến mức ảm đạm như mẹ. Tôi ghét phải sống mà không có ước mơ, càng ghét phải sống trong định kiến của ai đó.
Ở những miền thôn quê khác, việc phân biệt giới tính có khi còn xảy ra càng nặng nề hơn.
Thậm chí, việc trọng nam khinh nữ trở thành quy ước bất thành văn. Họ tìm đủ mọi cách chỉ để sinh con trai, bởi có như vậy mới "có người nối dõi tông đường"; chỉ có con trai sau này mới yên tâm có người hương khói, cúng bái tổ tiên.
Không chỉ chịu sự bất bình đẳng trong tình cảm, việc phân chia tài sản, hưởng quyền thừa kế giữa con trai và con gái cũng có những phân biệt rõ rệt... Tôi nghĩ trong xã hội hiện đại, những quan niệm cần được thay đổi.
Bất kể bạn là ai, bạn đều phải được đến trường, được học tập và phát triển. Đàn ông hay phụ nữ có quyền và nghĩa vụ ngang nhau, cùng xây dựng gia đình và phát triển kinh tế.
Tôi là một nữ sinh lớp 8 với vô vàn trăn trở. Phụ nữ giỏi làm việc nhà nhưng không đồng nghĩa chúng tôi phải "giam mình" trong căn bếp, hoặc phải nhất nhất lui về sau làm hậu phương. Chúng tôi cũng có năng lực, có ước mơ cần được chinh phục thay vì làm hài lòng tất cả mọi người.
Tôi viết lá thư này gửi đến các bạn - thế hệ tương lai, chỉ với mong muốn tất cả cùng nhìn nhận lại việc phân biệt giới tính trên toàn cầu. Hy vọng, trong tương lai không xa, vấn đề này sẽ được xóa sổ hoàn toàn và thế giới bạn sống sẽ bình đẳng đúng nghĩa.
Tôi tin rằng, mong cầu một thế giới bình đẳng không chỉ là một ước mơ, mà còn là một sứ mệnh mà chúng ta cần cùng nhau thực hiện. Tôi của hiện tại và bạn của tương lai, hãy cùng nhau hành động vì một thế giới bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, bạn nhé!
Trân trọng,
Ký tên.