Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số sẽ là 2 chuyển đổi quan trọng nhất của nhân loại trong nhiều thập kỷ tới. Bình Định có lợi thế trong cả 2 chuyển đổi này. Lợi thế của chuyển đổi xanh là nắng và gió. Lợi thế của chuyển đổi số (CĐS) là nghèo, vì CĐS thì không cần đầu tư nhiều nhưng hiệu quả mang lại sẽ rất lớn. CĐS thì thay đổi là chính, nghèo thì có ít thứ để mất, ít gánh nặng của quá khứ, nên dễ thay đổi. Hai cái thuận lợi này thì Bình Định đều đã có cả. Chỉ cần khát vọng, sự quyết tâm và bước đi đúng của lãnh đạo tỉnh, nhất là người đứng đầu.
Bình Định muốn dẫn đầu thì phải đi đầu về cái mới. Muốn đi đầu về cái mới thì phải xây dựng các cơ sở hạ tầng mới và hiện đại hoá các hạ tầng hiện tại.
Một trong những hạ tầng quan trọng nhất cho cái mới là hạ tầng số. Hạ tầng số là hạ tầng viễn thông băng rộng cộng với hạ tầng điện toán đám mây. Bình Định phải xây dựng hạ tầng số hiện đại, coi hạ tầng số cũng quan trọng như hạ tầng giao thông. Hạ tầng giao thông là dòng chảy vật chất, hạ tầng số là dòng chảy dữ liệu tương ứng.
Hiện đại hoá các hạ tầng hiện tại thì không chỉ là riêng hạ tầng giao thông. Mà còn là hiện đại hoá các cơ sở hạ tầng khác về kinh tế, xã hội, văn hoá và môi trường bằng cách thông minh hoá chúng thông qua ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ số. Thông minh hoá là để sử dụng các cơ sở hạ tầng này hiệu quả hơn. Cuộc CMCN lần thứ tư chính là cuộc cách mạng về thông minh hoá. Bình Định mà không xây dựng các cơ sở hạ tầng mới, không hiện đại hoá, thông minh hoá các hạ tầng hiện có thì sẽ không thể tạo ra tăng trưởng nhanh và bền vững được, nhất là không thể tăng trưởng được ở những lĩnh vực mới, thí dụ như kinh tế số.
Sự phát triển trong tương lai sẽ phụ thuộc vào công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST), chuyển đổi số và nhân tài. Bởi vậy, định hướng phát triển của Bình Định phải toát lên được tinh thần là cái gì mới, kể cả công nghệ mới, mô hình mới, thể chế mới, định hướng mới thì cho thử ở đây trước, phát triển ở đây trước để từ đây đi ra cả nước và xa hơn. Làm cho toát lên được ý này thì sẽ rất rõ định hướng phát triển của Bình Định là xây dựng tỉnh thành một trung tâm KHCN và ĐMST. Muốn thành trung tâm về KHCN và ĐMST thì tự mình phải sử dụng KHCN trước, chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm KHCN, tự mình phải CĐS trước, tự mình phải ĐMST trước.
Bình Định mà tăng trưởng cao hơn trung bình các tỉnh lân cận 10-20%% về những cái truyền thống thì sẽ không phải là dễ. Nhưng tăng trưởng về những cái mới, thí dụ như kinh tế số, cao hơn trung bình các tỉnh lân cận 30-50% thì lại không khó. Tăng trưởng về những cái truyền thống thì là cạnh tranh với các tỉnh khác, còn tăng trưởng về những cái mới thì sẽ là thúc đẩy các tỉnh khác.
CĐS là hiện thực hoá, là sự thể hiện sinh động nhất, hiệu quả nhất cuộc CMCN lần thứ tư. Trong 12 công nghệ của CMCN lần thứ tư thì có tới 6 công nghệ là công nghệ số (CNS), các công nghệ còn lại cũng phát triển dựa trên công nghệ số. ĐMST bây giờ thì cũng chủ yếu là ĐMST số. Kinh tế tri thức lúc này cũng chủ yếu là kinh tế số. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngày nay cũng có nội hàm mới là số hoá, thông minh hoá. CNH là CĐS lĩnh vực chế biến, chế tạo. HĐH là CĐS toàn diện bao gồm cả kinh tế, xã hội, văn hoá, chính trị và môi trường. Bình Định nếu phải chọn một cái làm trung tâm, làm hạt nhân xuyên suốt trong giai đoạn tới 2030 thì nên chọn CĐS. CĐS thì có thể trở thành toàn dân và toàn diện được, vì nó gần gũi, thiết thực, dễ làm, dễ thấy hiệu quả ngay, mà lại không tốn kém. Một cuộc CMCN mới muốn thành công thì khó nhất là làm cho nó trở thành toàn dân và toàn diện.
Phát triển nhanh thì cần không gian mới. CĐS thì tạo ra không gian mới là không gian số.
Phát triển nhanh thì cần tài nguyên mới. CĐS thì tạo ra một loại tài nguyên mới là dữ liệu.
Phát triển bền vững thì phải dựa vào ĐMST. Trên 80% các ĐMST, trên 80% các doanh nghiệp kỳ lân công nghệ là trên môi trường số, là sử dụng các công nghệ số. ĐMST thì chủ yếu là ĐMST số.
Phát triển bền vững thì cần hiệu quả cao. CĐS tạo ra 3 xu thế lớn là phi trung gian hoá, phi tập trung hoá và phi vật chất hoá, và đó đều là các xu thế làm cho nền kinh tế hiệu quả hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Phát triển muốn nhanh và bền vững thì phải phân cấp, phân quyền. Nhưng phân cấp, phân quyền thì phải giám sát được. Chỉ có CĐS, tức là đưa mọi hoạt động KT-XH lên môi trường số, thì mới có thể giám sát online toàn diện. CĐS là bước đi đầu tiên để dẫn tới phân cấp, phân quyền hiệu quả.
CĐS có thể giúp tỉnh giải quyết tốt một số bài toán lớn. Đó là giảm khoảng cách thành thị và nông thôn, nhất là về y tế, giáo dục, thông qua CĐS 2 ngành này; Giải bài toán nghèo của người nông dân thông qua việc truy xuất nguồn gốc nông sản, tạo ra thương hiệu nông sản đến từng hộ nông dân, đưa các đặc sản của tỉnh lên môi trường số để mở rộng thị trường, tăng được giá bán; Nâng cao chất lượng công chức thông qua trợ lý ảo AI; Giải bài toán quan liêu của bộ máy hành chính thông qua hệ thống quản trị số dựa trên dữ liệu; Giải bài toán phòng chống tham nhũng thông qua CĐS toàn diện, số hoá toàn diện để có thể giám sát toàn diện, phát hiện sớm các vấn đề, nhắc nhở, xử lý sớm và tránh được mất cán bộ và các tai nạn lớn.
Bình Định nên đi đầu về CĐS, vừa là tạo ra động lực mới cho phát triển của tỉnh, vừa là thúc đẩy CĐS quốc gia, và chính CĐS quốc gia sẽ lại là thị trường lớn, là cơ hội lớn cho sự phát triển của tỉnh.
Khát vọng vẫn luôn là yếu tố quan trọng đầu tiên để một tổ chức phát triển. Lãnh đạo Bình Định có tầm nhìn, có mục tiêu, có khát vọng, nhất là quyết tâm xây dựng tỉnh trở thành một trung tâm CĐS, KHCN, ĐMST, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Người dân Bình Định văn võ song toàn. CNS, CĐS đã vào giai đoạn ứng dụng rộng rãi. Hạ tầng số, hạ tầng đào tạo nhân lực số là những nền tảng quan trọng. Công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử, trí tuệ nhân tạo là những ngành, lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình đơn giản, thuận tiện là ấn tượng đầu tiên về một chính quyền số minh bạch. Một trung tâm điều hành thông minh dựa trên dữ liệu sạch, sống, đúng, đủ là CĐS chính quyền. Mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang, mỗi người dân trưởng thành một điện thoại thông minh, một định danh số, một chữ ký số, một tài khoản thanh toán số là những thành tố nền tảng để tạo thành công dân số, xã hội số. Trợ lý ảo cho cán bộ công chức là cách hiệu quả nhất nâng cao chất lượng và NSLĐ trong bộ máy Nhà nước. Mỗi người dân một trợ lý ảo về kỹ năng số là cách đào tạo kỹ năng số tốt nhất cho người dân. Sự kết hợp và hội đủ những yếu tố trên đây sẽ tạo ra một Bình Định có sức cạnh tranh cao.