Hôm 7/11 tại Bình Dương, Đoàn công tác (nhóm 2) Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam, do Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã báo cáo sơ kết về phát triển kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 1997-2023.

Trên cơ sở nhận thức lý luận, quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, qua hơn 25 năm tái lập và phát triển, tỉnh Bình Dương đã tập trung chuyển đổi mô hình phát triển, chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp kém phát triển, dựa nhiều vào thành phần kinh tế có vốn Nhà nước sang nền kinh tế nhiều thành phần, lấy kinh tế nhà nước làm lực lượng dẫn dắt, đi đầu và kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài làm động lực chính trong phát triển công nghiệp-đô thị-dịch vụ.

Theo đó, toàn tỉnh thu ngân sách tăng bình quân 18,9%/năm, đảm bảo điều tiết về ngân sách Trung ương. Chi ngân sách tăng bình quân 16,93%/năm, trong đó bố trí 50% để chi cho đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm, các dự án liên kết, kết nối vùng tạo ra không gian phát triển mới, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương, tránh tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải.

binhduong.png

Đồng thời, với phát triển kinh tế, Bình Dương luôn chú trọng chăm lo, phát triển mọi mặt đời sống văn hóa xã hội, không ngừng nâng cao mức sống, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn.

Đến nay, tỉnh Bình Dương không còn doanh nghiệp Nhà nước thuộc trường hợp phải cổ phần hóa; còn 2 doanh nghiệp Nhà nước và 1 doanh nghiệp có vốn Nhà nước; có 64.975 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 706.000 tỷ đồng (tương đương 29,5 tỷ USD); 4.192 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với 40 tỷ USD; 222 tổ hợp tác và 237 hợp tác xã.

Theo báo cáo của Bình Dương, đồng thời, với phát triển kinh tế, tỉnh luôn chú trọng chăm lo, phát triển mọi mặt đời sống văn hóa xã hội, không ngừng nâng cao mức sống, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn.

Nhờ đó, nền kinh tế của tỉnh Bình Dương phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao, quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên, chất lượng tăng trưởng được cải thiện mang lại những thay đổi rất lớn cho Bình Dương trong công cuộc đổi mới và phát triển.

Đến cuối năm 2022, tổng sản phẩm GRDP của tỉnh đã tăng lên 459 nghìn tỷ đồng, gấp 117,1 lần so năm 1997; dịch vụ tăng 152,5 lần; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá so sánh giai đoạn 1997-2022 đạt 10,74%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 174 triệu đồng/người, gấp khoảng 30 lần so năm 1997...

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm chỉ đạo thực hiện; chất lượng giáo dục tiếp tục nâng cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đến năm 2023 đạt 83%. Tỉnh đã hoàn thiện thể chế về kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh; thực hiện tốt các giải pháp nhằm giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả đạt được của Bình Dương trong thời gian qua, là điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đánh giá cao những kết quả đạt được của Bình Dương về phát triển kinh tế trong suốt thời gian qua, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, tỉnh Bình Dương là điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa; tỉnh đã chủ động sáng tạo trong phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị, dịch vụ; xây dựng khu công nghiệp sinh thái, thành phố thông minh, Vùng đổi mới sáng tạo; có kinh nghiệm về mô hình phát triển công nghiệp từ Singapore nhưng vận dụng sáng tạo vào Bình Dương cho phù hợp....

Cửu Long