Trong 50 năm qua, chúng ta đã chứng kiến các cuộc cách mạng máy tính, cách mạng Internet, cách mạng di động và cách mạng điện toán đám mây.
Chúng ta hiện đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI). Một số chuyên gia trong ngành này tin rằng cách mạng AI sẽ thay đổi thế giới nhiều hơn tất cả các cuộc cách mạng trên trong 50 năm qua cộng lại.
Nhiều quốc gia đã nhận thấy tầm quan trọng của AI, và đã ban hành chiến lược quốc gia về AI. Liên Hợp Quốc và Liên minh Viễn thông Quốc tế đã xác định AI là lĩnh vực trọng tâm cần thúc đẩy hợp tác, và đã tổ chức chuỗi các hội nghị với chủ đề "AI vì sự tốt đẹp".
Sự phát triển của AI mang lại cả cơ hội và thách thức cho tất cả chúng ta. Việc quyết định cách sử dụng và quản lý AI sẽ đóng vai trò quyết định trong việc định hình tương lai của chúng ta. Việt Nam đã chọn chủ đề của Tuần lễ số quốc tế Việt Nam lần thứ 2 là "Ứng dụng AI diện hẹp".
AI diện hẹp là AI chuyên biệt, tập trung và do người dùng tạo ra. Các hệ thống AI diện hẹp được thiết kế và huấn luyện cho một nhiệm vụ cụ thể. Chúng có hiệu quả cao trong phạm vi chức năng được xác định trước. Công nghệ AI diện hẹp hiện đã sẵn sàng để ứng dụng rộng rãi.
AI diện hẹp là AI của riêng bạn, do bạn tham gia tạo ra, là đứa con, là bộ não mở rộng của bạn. Bạn cung cấp cho AI diện hẹp của mình các dữ liệu và thuật toán của bạn. Bạn huấn luyện AI của riêng bạn và sau đó sử dụng. Bạn tạo ra nó, vì thế bạn tin tưởng nó. AI diện hẹp nằm dưới sự kiểm soát của bạn hoặc tổ chức của bạn bởi vì chính bạn hoặc tổ chức của bạn đã tạo ra nó, chứ không phải ai khác. AI diện hẹp là AI dùng riêng. Nó không cần quá nhiều các quy định của chính quyền.
AI diện rộng (general AI) là AI của bên thứ ba, nó không phải là AI của bạn, nó là AI của người khác tạo ra. AI diện rộng thì giống như một người mà bạn không biết. AI diện rộng được tạo ra để dùng chung. Mọi thứ dùng chung, dùng cho công cộng, thì đều cần có quy định. Cần có các nguyên tắc, hướng dẫn, quy tắc, kiểm tra trước... Đó là điều bình thường. Để ứng dụng rộng rãi nó cần được chính quyền quy định và đánh giá.
Bằng cách chia sẻ các thực tiễn tốt (best practices) từ cả khu vực công và tư, chúng ta có thể làm cho AI diện hẹp trở nên hiệu quả hơn và có ích hơn cho mọi người.
Cách mạng AI đòi hỏi các chính phủ phải phát triển cơ sở hạ tầng AI, lực lượng lao động AI và thiết lập khung pháp lý cho AI.
Cách mạng AI mang đến cơ hội cho tất cả các quốc gia, đặc biệt cho những ai thích nghi nhanh, dám thay đổi và đón nhận thay đổi.
Trong thời đại cách mạng AI, tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các nước đang phát triển, bằng cách nắm bắt cơ hội và tận dụng lợi ích của AI, sẽ có khả năng phát triển đột phá và bắt kịp các nước phát triển.
Cách mạng AI cũng đòi hỏi chúng ta phải tăng cường hợp tác để tối đa hóa lợi thế và giảm thiểu rủi ro. Cách mạng AI là một hành trình dài, rất dài, vì vậy chúng ta cần phải đi cùng nhau.
Trong thế giới VUCA hiện nay: Biến động (Volatility), Bất định (Uncertainty), Phức tạp (Complexity), và Mơ hồ (Ambiguity), chúng ta cần có niềm tin. Nhiều niềm tin hơn. Tin tưởng vào con người. Tin tưởng lẫn nhau. Và tin tưởng vào công nghệ mới, như AI.
Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ số, kinh tế số, đặc biệt trong các chương trình hợp tác về AI.
Hợp tác luôn nằm ở trung tâm của sự đổi mới sáng tạo. Và mục tiêu của Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam là nhằm tạo môi trường để thúc đẩy hợp tác. Chúng ta có các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý công và lãnh đạo doanh nghiệp. Việc trao đổi tri thức và các cơ hội kết nối sẽ mở đường cho hợp tác.