Chiều 21/7, tại hội thảo hoàn thiện quy định pháp luật để bảo vệ người lao động, chị Nguyễn Thị Huyền, quản đốc phân xưởng may Nhà máy Dệt kim Haprosimex (Khu công nghiệp Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, công ty nợ lương từ tháng 10/2016, còn nợ BHXH từ tháng 7/2011 của toàn bộ gần 500 công nhân. 

Tính đến trước tháng 3/2023, số tiền công ty này nợ BHXH của người lao động là hơn 15 tỷ đồng. Suốt 6 năm ròng rã, cứ mỗi lần công nhân đi tìm gặp lãnh đạo công ty thì đều nhận được câu trả lời doanh nghiệp rất khó khăn, chưa có tiền chi trả cho người lao động.

Do công ty nợ BHXH nên không có bảo hiểm y tế cho người lao động. Chính vì vậy, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hàng trăm lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, trong số 500 công nhân bị nợ lương, nợ BHXH, có nhiều hoàn cảnh rất khó khăn.

Doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH khiến đời sống người lao động rất khó khăn (Ảnh minh hoạ)

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay không ít doanh nghiệp nợ BHXH do khó khăn, nhưng cũng có doanh nghiệp cố tình chây ì khoản tiền này, họ kinh doanh trên cả nỗi đau của người lao động.

Thực tế có những trường hợp người lao động mất không được nhận tiền tử tuất; sinh con, khi con lớn chưa được nhận tiền thai sản.

Khó khởi kiện chủ doanh nghiệp

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, hiện nay công đoàn được giao quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho người lao động về BHXH, tuy nhiên việc khởi kiện chủ doanh nghiệp đang chịu sự chi phối của 4 luật: Lao động, Công đoàn, BHXH và Tố tụng dân sự. 

Theo ông Hiểu, các đạo luật này có sự mâu thuẫn nhau, có đạo luật yêu cầu công đoàn nói chung có quyền khởi kiện, có đạo luật nêu rõ là công đoàn cơ sở, có đạo luật bắt buộc người lao động phải ủy quyền, có đạo luật yêu cầu chung. Vì vậy đến nay cơ bản là bế tắc, tòa không thụ lý các vụ việc…

Từ thực tế trên, ông Hiểu kiến nghị cần xem xét sửa các luật để đảm bảo tính đồng bộ. Trong đó, Luật BHXH đang lấy ý kiến sửa đổi cần bỏ ngay quy định ủy quyền cho công đoàn khởi kiện.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng cho rằng, chế tài và hành lang pháp lý để ngăn chặn tình trạng nợ, trốn đóng BHXH đã đầy đủ. Tuy nhiên thực tế chúng ta đang khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. 

Chẳng hạn, chủ doanh nghiệp bị xử lý hình sự trong trường hợp đã bị xử lý hành chính về vi phạm này. Nhưng hiện nay, cơ quan xử lý hành chính không bao quát được việc này, chưa làm hết trách nhiệm. 

“Việc khởi kiện dân sự hoặc hình sự chưa làm được là do chúng ta chứ không phải chưa có cơ sở pháp lý, chế tài”, ông Dũng nói.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, các cơ quan thanh tra lao động và chính quyền địa phương cần phát hiện nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ, chính xác đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH bắt buộc. Từ đó xử lý hành chính làm cơ sở để xử lý hình sự đối với những hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc.