Ngày 27/11, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) phối hợp cùng Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam, Nhóm Vật lý Thiên văn thuộc Viện Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành tổ chức hội thảo “Vật lý thiên văn SAGI lần thứ 2 về phân cực bụi tại TP Quy Nhơn.
Hội thảo diễn ra từ ngày 27/11 - 1/12, nằm trong khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 19 năm 2023 tại Bình Định do Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm ICISE tổ chức.
Hội thảo “Vật lý thiên văn SAGI lần thứ 2 về phân cực bụi” nhằm giới thiệu các kỹ thuật và xu hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực Vật lý Thiên văn. Trong đó, hướng nghiên cứu tiên phong của vật lý thiên văn trong kỷ nguyên vàng của phân cực bụi”, tập hợp các chuyên gia về vật lý phân cực bụi để trình bày, thảo luận về các kết quả nghiên cứu mới, cùng với các mô hình tính toán và quan sát để giải quyết các vấn đề về bụi vũ trụ, sự phân cực của bụi và các vấn đề khác có liên quan.
Đồng thời, nhấn mạnh sự tham gia tích cực của các nhà nghiên cứu trẻ, cung cấp cho họ cơ hội trình bày các nghiên cứu và tham gia vào các cuộc thảo luận với các nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực này. Từ đó, tạo điều kiện cho các sự hợp tác khoa học và phát triển cho các nhà khoa học trẻ trong trong cộng đồng Vật lý Thiên văn.
Tại hội thảo, các nhà khoa học hàng đầu trình bày cách nhìn về các hướng nghiên cứu mới cho những người tham dự giúp các nhà nghiên cứu tiếp cận thông tin, nghiên cứu gần đây trong các lĩnh vực bụi vũ trụ, sự phân cực của bụi, đo từ trường 3D bằng kỹ thuật bụi phân cực.
PGS.TS Hoàng Chí Thiêm, Viện Khoa học Thiên văn và Vũ trụ Hàn Quốc, Hàn Quốc (KASI), cho biết, hội thảo nhằm sử dụng lý thuyết nền tảng về sự phân cực bụi theo cả định tính và định lượng để mô hình số và mô phỏng các tính toán tạo ra dữ liệu phân cực, nhằm tổng hợp so sánh các kết quả đó với quan sát thực.
Sức mạnh tổng hợp của lý thuyết, tính toán và quan sát hứa hẹn phép đo phân cực bụi trở thành một chẩn đoán chính xác của vật lý thiên văn, có thể giúp giải quyết các câu hỏi lâu nay và có khả năng mở ra các biên giới mới của vật lý thiên văn. Nhằm tạo điều kiện cho sự hợp tác khoa học, tập trung vào các nghiên cứu trong lĩnh vực Vật lý Thiên văn.
“Con người xuất phát từ những hạt bụi và kết thúc cũng thành những hạt bụi. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên vàng của phép đo phân cực bụi trong đó sự phân cực của bụi được quan sát bởi các đài quan sát mạnh mẽ nhất: ALMA, NOEMA, IRAM/ Nika2-Pol... trải dài trên tất cả các quy mô của vũ trụ, từ quy mô thiên hà đến môi trường liên sao, các đám mây phân tử, đến các vùng hình thành sao và hình thành hành tinh cho đến các đĩa vụn và lớp vỏ của các ngôi sao “sắp chết”, PGS.TS Hoàng Chí Thiêm chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền, Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa kỳ (NASA), Trưởng Nhóm Vật lý Thiên văn SAGI tại Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE) thuộc Trung tâm ICISE cho biết, hội thảo Vật lý Thiên văn lần thứ 2 về phân cực bụi là cơ hội để các nhà khoa học trong và ngoài nước có cơ hội thảo luận về Phân cực bụi cũng là cơ hội để các nghiên cứu sinh trẻ, sinh viên tại Việt Nam có cơ hội tiếp xúc với các nhà khoa học quốc tế về Vật lý Thiên Văn, đặc biệt là trong lĩnh vực phân cực bụi.
“Nhóm Vật lý Thiên văn SAGI tại Viện IFIRSE đã được tiếp cận và sử dụng các thiết bị từ Đài Quan sát Thiên văn Quy Nhơn ở ngay cạnh Trung tâm ICISE trong các hoạt động nghiên cứu. SAGI cũng đang phát triển các thiết bị như quang phổ kế và phân cực kế cho các hoạt động nghiên cứu”, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền chia sẻ thêm.
Diễm Phúc