Cuối tháng 4 vừa qua, sau khi đưa ông Tsubame Kazuhiko, doanh nhân Nhật Bản, đến Bình Định tham quan và tìm hiểu cơ hội đầu tư, tôi chở ông đến Nhà khách Tỉnh ủy Bình Định trên đường Trần Phú, TP. Quy Nhơn thưởng thức các món ăn đặc sản.
Những đĩa thức ăn được chế biến từ các loại hải sản tươi rói vừa đánh bắt trên vùng biển Bình Định lần lượt đưa lên bàn. Song, chưa món nào gây ấn tượng với vị khách Nhật Bản, bởi ông đã đi nhiều nơi và thường xuyên thưởng thức các món này.
Đến khi đĩa bột mì nhứt khuấy xuất hiện cùng chén nước mắm dằm cá lóc đồng nướng than nóng hổi, ông giơ ngón tay cái lên, ngụ ý rằng "món này là số 1" rồi ăn một lèo 3 chén.
Những cộng sự đi cùng ông Kazuhiko hôm ấy đến từ TP.HCM và Hà Nội, ai cũng tấm tắc khen khi lần đầu tiên được thưởng thức món này. Họ không ngờ đây lại là món ăn dân dã một thời ở xứ Nẫu Bình Định. Khi ấy mì rất rẻ, giá mỗi ký không bằng một cây cà rem. Bởi vậy, thường chỉ có nhà nghèo mới ăn sáng món này.
Bột mì nhứt khuấy thời điểm ấy được chế biến từ củ mì tươi. Đầu tiên, củ mì được lột vỏ sạch sẽ rồi mài thành bột. Tiếp đó, bột mì chà trên lớp lưới hoặc vải dày, phần bột lắng xuống chậu để qua đêm thì gọi là bột mì nhứt.
Trước khi chế biến, bột mì nhứt được pha với một lượng nước vừa đủ, không loãng quá cũng không đặc quá. Chảo lửa phải sẵn sàng và cho vào đó chút dầu để khỏi dính đáy. Khi dầu vừa sôi, đổ bột vào, để lửa liu riu và liên tục khuấy đều tay.
Cái tên bột mì khuấy cũng xuất phát từ động tác này. Người chế biến phải khéo léo và nhanh tay khuấy bột để chỗ nào cũng chín đều. Bột chín tới đâu thì trong veo tới đó, nhìn tựa như hồ dán.
Chén nước chấm bột mì khuấy ngày ấy được pha đơn giản từ ớt, tỏi giã nhuyễn với nước mắm ngon hoặc mắm nêm. Bột mì nhứt vừa khuấy xong để luôn trong chảo nóng rồi dùng đũa gắp chấm với nước mắm là xong bữa ăn sáng.
Ngày nay, món bột mì nhứt khuấy chế biến từ bột mì xay khô và được nhiều người biến hóa, ăn kèm cùng tôm, thịt, cá kho, lòng bò, lòng heo… Song, ngon nhất vẫn là chấm với nước mắm ớt tỏi dằm cá lóc hoặc cá rô đồng nướng than.
Dù là đặc sản, nhưng bất kỳ ai cũng có thể thưởng thức được món này tại các nhà hàng, quán ăn ở Bình Định bởi giá chỉ vài chục ngàn đồng cho một phần ăn.
Theo NLĐ