LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu mạch bài về vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh và giải pháp phát triển để xứng danh Hòn ngọc Viễn đông trong kỷ nguyên mới nhân kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4/1975-30/4/2024.
Đã gần trọn nửa thế kỷ trôi qua, kể từ ngày 30/4 năm 1975 lịch sử. Sau niềm vui, niềm hân hoan, tự hào về thắng lợi vẻ vang của cả dân tộc trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ đầy “Máu và Hoa”, Việt Nam bắt đầu bước vào công cuộc chấn hưng đất nước.
Cùng với sự chuyển mình của cả nước trên con đường phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã chứng tỏ được sức mạnh và tiềm năng to lớn của mình, nhưng chưa thể nói là Thành phố đã phát triển xứng tầm với vị trí đầu tàu kinh tế như niềm mong mỏi, kỳ vọng của Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước.
Vấn đề “đầu tiên” là “tiền đâu”?
Ngay từ năm 2017, nguyên Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã từng phản ánh thực trạng: Thành phố có tỷ lệ thu nộp ngân sách về Trung ương cao nhất nhưng lại quy định mức chi quá thấp, không đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.
Đến năm 2019, ông Nguyễn Thiện Nhân lại tiếp tục phản ánh: Thành phố đóng góp 27% thu ngân sách quốc gia nhưng chỉ được sử dụng 5,2%. Dân số Thành phố chiếm tỉ lệ 9,5% dân số cả nước, đúng ra phải được sử dụng 9,5% ngân sách nhà nước. Đây là sự mất cân đối trầm trọng khiến Thành phố không đủ nguồn lực tài chính công để đầu tư cho hạ tầng.
TP.HCM đứng trước nghịch lý làm ra càng nhiều thì tỉ lệ được giữ lại càng ít, không đủ tái đầu tư phát triển. Nghịch lý này dẫn tới hệ quả Thành phố chỉ mới có 1,98 km đường/km2 đất, trong khi đạt chuẩn phải là 10-13,3 km đường/km2 đất. Nếu không có cơ chế đặc thù để thúc đẩy phát triển thì với tốc độ tăng như giai đoạn 2005-2016, phải mất 170 đến 230 năm nữa, số ki-lô-mét đường tại TP.HCM mới đạt chuẩn.
Đến năm 2023, bà Phạm Phương Thảo – nguyên Chủ tịch HĐND, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM vẫn còn đề xuất xem xét tăng tỉ lệ điều tiết cho ngân sách Thành phố và cần ổn định tỷ lệ phân chia ngân sách trong thời gian dài để TP.HCM có sự chủ động về nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là cho các nhiệm vụ đột phá chiến lược, đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm của thành phố.
Tiền nhiều nhưng không tiêu được
Nhiều vấn đề đan xen nhau ngăn cản bước phát triển bền vững của TP.HCM đã được nhận ra từ lâu qua các nhiệm kỳ lãnh đạo Thành phố, nhiều đề xuất rất đáng được quan tâm xem xét, nhưng cho đến nay tình hình phát triển Thành phố vẫn còn nhiều khó khăn trở ngại khiến chỉ một tuyến đường sắt đô thị chưa tới 20 ki-lô-mét mà mất hai thập niên để hoàn thành – chuyện rất khó có thể chấp nhận đối với một Thành phố đóng vai trò đầu tàu của cả nước.
Tình trạng tương tự xảy ra ở dự án Cao tốc Bến Lức – Long Thành, dự kiến hoàn thành vào năm 2018, bị chậm trễ đến nỗi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phải bức xúc vì thấy có tiền mà không tiêu được: “Tôi thấy rất vô lý. Tiền nhàn rỗi của VEC (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc) thì VEC đang gửi tiết kiệm ở ngân hàng. trong khi công trình quan trọng lại trì trệ nhiều năm, không có tiền làm. Tiền nào chẳng là tiền của Nhà nước”. Chỉ vì quy định bó buộc mà con đường cao tốc dài chưa tới 60 km phải mất 10 năm mới hoàn tất thay vì 4 năm như dự kiến.
Vì sao tiền nhiều mà không tiêu được? Đó là vì quy định. Nhưng quy định là do con người đặt ra cũng có thể do con người sửa đổi để phù hợp với thực tế phát triển. Nhưng ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, việc sửa đổi quy định, và theo sau đó là cơ chế, chính sách vẫn còn chậm.
Ví dụ về Cao tốc Bến Lức – Long Thành còn đặt ra vấn đề: Vay tiền ODA tức là ký hiệp định vay vốn có sự ràng buộc với quốc tế, nhưng cần hiểu rằng vay tiền xong lại để dự án nằm im ắng chỉ vì Việt Nam chưa thu xếp được kinh phí để thực hiện mà nguyên nhân lại là vấn đề cơ chế. Cần phải làm mọi cách để tuân thủ mọi điều ước ODA mà Việt Nam ký kết, như dành ưu tiên cho vốn làm dự án ODA, thậm chí nếu cần phải tạm dừng dự án trong nước.
Về cơ chế
Những người am hiểu thời cuộc và quan tâm đến sự phát triển của Thành phố đều biết bất cập khi các công trình lớn tại Thành phố đều do các bộ chuyên ngành quản lý, Thành phố muốn làm cũng không được vì vừa không có thẩm quyền vừa không có vốn.
Chẳng hạn như đường Vành đai 3 rất quan trọng. Thành phố muốn làm sớm nên đề xuất cơ chế đi vay Trung ương và trả sau. Theo đó, Thành phố sẽ cùng các tỉnh liên quan lo kinh phí giải phóng mặt bằng trước (khoảng 3.000 tỷ đồng), còn nếu đợi đến nhiệm kỳ sau thì số tiền này sẽ cao hơn nhiều lần vì dân số Thành phố lại tăng thêm 1 triệu người. Cứ 5 năm Thành phố tăng thêm 1 triệu xe máy, hai nhiệm kỳ thêm 2 triệu xe, tổng cộng là 10 triệu xe thì đường đâu mà đi?!
Về bộ máy hành chính
Từ năm 2018, đã có ý kiến đề xuất Thành phố cần tập trung quy hoạch và quản lý quy hoạch; cải cách hành chính mạnh mẽ. Đến năm 2024, vẫn có ý kiến tiếp tục đề xuất: trong phân cấp, phân quyền, cần giao cho TP.HCM quyền chủ động về bộ máy, việc sắp xếp sở, ngành, phòng, ban, chủ động biên chế, chi thu nhập tăng thêm.
Có nhiều cách để Thành phố có thể tự phát huy sáng kiến trong việc giải quyết những vấn đề cho riêng mình. Ví dụ, giảm họp để tập trung giải quyết công việc. Sau bao năm người ta vẫn kể khổ vì phải họp quá nhiều khiến việc điều hành công việc trì trệ thì đáng lẽ Thành phố có thể tự mình giải quyết vấn đề này mà không cần phải xin ý kiến ai.
Bộ máy hành chính lệ thuộc vào văn bản. Hiệu trưởng một trường Đại học lớn ở Úc cho biết mỗi năm ông chỉ ký dăm ba công văn cần có con dấu, ngoài ra đại đa số công việc được chỉ thị và thực hiện qua e-mail. Ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, trong thời đại kỹ thuật số vẫn còn lệ thuộc quá nhiều vào văn bản với con dấu. Thậm chí sau một buổi họp quan trọng, người ta không thực hiện ngay các chỉ thị vì còn chờ công văn ban hành kết luận cuộc họp.
Bên cạnh đó, bộ máy hành chính phần lớn còn tư duy có chỉ thị thì mới được làm. Trong khi tư duy mới phải là: Việc gì luật không cấm thì được phép làm. Nếu từ Trung ương đến địa phương thông suốt được tư duy mới này thì có thể làm được rất nhiều việc thay vì cấp dưới cứ mãi chờ đợi cấp trên.
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên là người năng động, biết lắng nghe và ông đã trực tiếp chỉ đạo bộ máy hành chính cần có tinh thần mới, chủ động để theo kịp xu thế phát triển của thời đại.
Về dân số
TP.HCM hiện có tỉ suất sinh thấp nhất cả nước, trung bình mỗi phụ nữ sinh khoảng 1,42 con vào năm 2023 so với mức sinh thay thế mà Việt Nam đang duy trì (2-2,1 con trên mỗi phụ nữ). Cùng lúc, có tình trạng vừa đáng mừng vừa đáng lo: Năm 2022, tuổi thọ trung bình của người dân Thành phố ở mức khá cao: 76,3 tuổi so với mặt bằng chung của cả nước là 73,6 tuổi. Tỉ lệ người cao tuổi càng cao và tỉ suất sinh càng thấp sẽ càng tạo gánh nặng cho sự phát triển kinh tế – xã hội.
Số người cao tuổi tại TP Hồ Chí Minh đang chiếm tỷ lệ hơn 11%, trong khi những năm trước chưa tới 10%, chứng tỏ tốc độ già hóa dân số đang diễn ra khá nhanh. Về lâu dài, mức sinh thấp làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố, trong khi lại cần thêm nguồn lực để hỗ trợ đời sống của tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng.
Áp lực kinh tế, công việc bận rộn, chi phí nhà cửa tốn kém… là những lý do khiến không ít phụ nữ tại TP.HCM ngại sinh con thứ 2. Như vậy, để hỗ trợ kế hoạch tăng tỷ suất sinh cần có những biện pháp đồng bộ như cải cách tiền lương, cải thiện chế độ làm việc, tăng cường sự cung ứng nhà ở xã hội, giảm hoặc miễn viện phí sinh con, thưởng cho gia đình sinh từ đứa con thứ hai trở đi.
Chỉ mới năm 2023, TS-BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM còn đề xuất cần mạnh dạn bỏ chính sách sinh đẻ có kế hoạch, thay đổi khẩu hiệu từ “mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con” thành “mỗi cặp vợ chồng tự quyết định số con của mình”, tức từ chỗ cấm sinh 3 con sang khuyến khích sinh con thứ 3 trở lên nếu đủ điều kiện nuôi dưỡng.
Biến đổi khí hậu và môi trường
Yếu tố này gây ảnh hưởng trầm trọng cho vùng đô thị hơn so với vùng nông thôn. Điều dễ nhận thấy là mức nước lũ của chu kỳ lặp lại 2 năm một lần (vốn được dùng trong thiết kế hạ tầng cơ sở) càng ngày càng xảy ra thường xuyên hơn và mỗi năm đều vượt mức này.
Điều đó có nghĩa là những cơ sở hạ tầng hiện có đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu như ngập lụt, ô nhiễm không khí…, trong khi những cơ sở hạ tầng mới cần được thiết kế và thi công theo quy chuẩn mới có tính toán đầy đủ yếu tố biến đổi khí hậu. Những tính toán về cốt nền trong những dự án mới cũng phải theo xu hướng mới của biến đổi khí hậu.
Tác hại của bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 đối với sức khỏe của người dân thành phố là khá rõ ràng. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, tình trạng ô nhiễm không khí để càng lâu thì cái giá phải trả càng cao và càng khó giải quyết.
Để cải thiện chất lượng không khí, trước hết đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp chính quyền Thành phố thông qua các biện pháp cụ thể, ý thức trách nhiệm tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp và sự tham gia rộng rãi của cộng đồng người dân.
Gỡ bỏ những “nút thắt”
Lãnh đạo TP.HCM cần quyết tâm hơn nữa, kiên trì hơn nữa trong việc đúc kết kinh nghiệm trong quá khứ nhằm xây dựng hướng phát triển cho tương lai. Dân gian có câu “Muốn gỡ dây thì phải tìm nút thắt”. Ở đây, có thể hiểu là muốn gỡ rào cản và nút thắt cần phân tích những nguyên nhân tạo nên nó, rồi khắc phục từng nguyên nhân về chính sách, cơ chế, nhân lực, quy chuẩn, tài chính...
Ngày 30/4 là ngày có ý nghĩa đặc biệt đối với TP.HCM nói riêng và đất nước ta nói chung do Thành phố từng là trung tâm của miền Nam Việt Nam và trải qua nhiều biến cố lịch sử trong thời kỳ chiến tranh.
Khi Bắc Nam thống nhất, TP.HCM đã đóng vai trò quan trọng trong việc hòa nhập và tái thiết đất nước sau chiến tranh. Chính sách của chính quyền địa phương cùng với sự đoàn kết của người dân đã giúp tạo ra một môi trường hoà hợp dân tộc, nơi mà người dân từ khắp nơi đều có cơ hội sinh sống và phát triển.
Ngoài ra, TP.HCM cũng là nơi có đa dạng dân tộc, văn hóa và tôn giáo, từ người Kinh, Hoa, người dân tộc thiểu số đến các cộng đồng người nước ngoài. Sự đa dạng này đã tạo ra một bức tranh văn hóa phong phú và sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc, cho nên người ta thường nói TP.HCM là biểu tượng của sự đoàn kết và hòa bình sau chiến tranh.
Vấn đề quan trọng và thiết thực nhất hiện nay của TP.HCM là thực hiện các chính sách đặc thù đã được Bộ Chính trị và Quốc hội chấp thuận để khi xây dựng nghị định thi hành thì xem xét từng lĩnh vực đã được “cởi trói” và vai trò trách nhiệm của Chính phủ, các ngành và địa phương.
Gần nửa thế kỷ đã qua đi, Thành phố mang tên Bác đang chuyển mình mạnh mẽ. Với truyền thống cách mạng hào hùng, với tố chất hào sảng mạnh mẽ của người phương Nam, với bản lĩnh và tầm nhìn của lãnh đạo Thành phố, chắc chắn những nút thắt sẽ được gỡ bỏ, những rào cản sẽ được vượt qua để TP.HCM xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước và trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực.
Kì tới: TP.HCM: Kỳ vọng tạo mô hình phát triển mới cho cả nước
Tô Văn Trường