Dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) mới nhất được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giảm điều kiện số năm đóng tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu hằng tháng.

Cụ thể, Điều 71 dự thảo Luật quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng. 

Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hằng tháng thay vì họ phải nhận BHXH một lần.

"Với quy định này, mức lương hưu của những người đóng 15 năm có thể thấp hơn những người có thời gian đóng BHXH dài hơn nếu có mức đóng như nhau.

Thế nhưng những người đóng 15 năm trước đây không đủ điều kiện hưởng lương hưu, phải nhận BHXH một lần (nếu không lựa chọn tự nguyện đóng một lần cho thời gian còn thiếu) thì nay sẽ có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng.

Khi có lương hưu họ còn được quỹ BHXH đóng BHYT, góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già", Bộ LĐ-TBXH cho biết.

Đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu giúp người lao động khi về già có cuộc sống ổn định hơn. 

Quy định giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu xuống 15 năm chỉ áp dụng đối với các trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu, không được áp dụng đối với các trường hợp nghỉ hưu quy định tại Điều 72 (trường hợp nghỉ hưu sớm trước tuổi quy định). 
 
Đối với các trường hợp nghỉ hưu tại Điều 72 của dự thảo Luật BHXH sửa đổi, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định sẽ bị giảm 2% tỷ lệ hưởng lương hưu.

Như vậy, nếu áp dụng quy định trên với các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi sẽ dẫn đến tình trạng tỷ lệ hưởng lương hưu quá thấp (thời gian đóng ngắn, bị trừ tỷ lệ do nghỉ hưu trước tuổi), mức lương hưu quá thấp, không có nhiều ý nghĩa.

Ví dụ, lao động nam có 15 năm đóng BHXH thì tỷ lệ hưởng lương hưu là 33,75%, nếu nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi thì bị trừ 10% nên tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ còn 23,75%.

Đồng tình với đề xuất giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm được hưởng lương hưu, chuyên gia lao động Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, việc này không có nghĩa là về hưu lương thấp.

Đây là điều kiện tối thiểu để những người tham gia thị trường lao động muộn (tuổi 35-45) có cơ hội được thụ hưởng chính sách hưu trí. Đối với những người tham gia BHXH càng dài, không có gì thay đổi, khi đủ tuổi hưu mức hưởng sẽ càng cao.

Bà Hương cho hay, trước đây nhiều người đóng BHXH không đủ 20 năm hầu hết chỉ được hưởng chế độ một lần, không có lương hưu, đến bây giờ khi về già đa số đời sống đều rất khó khăn. Không có mức thu nhập hằng tháng ổn định, không được đóng BHYT.

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, có trên 476 nghìn người hưởng BHXH một lần đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên; có trên 53 nghìn người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc; có trên 20 nghìn người khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng nên phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn bao gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; về quy định hưởng BHXH 1 lần; bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH; về căn cứ đóng BHXH bắt buộc; sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực Nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW; sửa đổi, bổ sung về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; về chi phí quản lý BHXH.

Vũ Văn Điệp, Lê Tiến Dũng, Đào Thị Lý