Chương trình giới thiệu và trưng bày hai di sản văn hóa phi vật thể là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và Nghệ thuật Xòe Thái. Qua đó, truyền tải tới công chúng câu chuyện về hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận hiện nay đang được cộng đồng thực hành ra sao ở địa phương và mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị di sản như thế nào thông qua tiếng nói của chính những nghệ nhân đang thực hành di sản.
Đồng thời, chương trình mong muốn truyền tải thông điệp tới các du khách: Cùng lên Tây Bắc - về Tây Nguyên, cùng cộng đồng đưa di sản đến với du lịch. Mỗi du khách đến đây sẽ gặp gỡ các cộng đồng trực tiếp giao lưu và nghe chia sẻ từ cộng đồng sẽ thêm hiểu, yêu mến và trân quý các di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ và chung tay cùng cộng đồng phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải khắp 5 tỉnh ở Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Chủ thể là hơn mười dân tộc sinh sống từ lâu đời tại đây như: Ba-na, Xơ-đăng, Gia-rai, Ê-đê, M'nông, Cơ-ho, Mạ…
Năm 2005, UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là "Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại". Đến năm 2008, di sản này được chuyển sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cồng chiêng được sử dụng nhiều và tập trung nhất trong lễ cúng ăn trâu và tang ma. Ngày nay, cồng chiêng còn được sử dụng trong các sinh hoạt văn hóa đời thường.
Trong khi đó, Nghệ thuật Xòe Thái phổ biến ở các tỉnh Tây Bắc như Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La... Chủ thể là dân tộc Thái nhưng đã được nhiều dân tộc trong khu vực tiếp thu và thực hành. Năm 2021, UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hiện nay, Nghệ thuật xòe Thái là một trong những điểm nhấn đặc sắc thu hút du khách đến với vùng Tây Bắc để có những trải nghiệm chân thực về di sản văn hóa bản địa.