Sấu non đầu mùa giá đắt vẫn hút khách
Tại chợ Đồng Xa và các chợ quanh khu vực Cầu Giấy, Hà Nội, theo Báo Công Thương, sấu đầu mùa đang có giá khá cao, khoảng 120.000-140.000 đồng/kg, đắt ngang hoa quả nhập khẩu hay thịt lợn. Theo các tiểu thương, đây là những trái sấu non được thu hái từ những vùng quê ngoại thành Hà Nội.
Trên chợ mạng, sấu non được bán với giá 100.000-150.000 đồng/kg và vẫn được nhiều khách hàng “chịu chi” mua về thưởng thức. Không chỉ bán theo cân, nhiều người còn bán sấu ngâm mắm với giá gần 200.000 đồng một lọ.
Sấu đầu mùa dù giá đắt nhưng lại được nhiều người mua bởi thịt sấu non mềm lại có thể ăn được cả hạt, nhiều người mua về để chế biến các món ăn như: sấu ngâm mắm, ô mai sấu, sấu nấu canh chua… Trong khi đó, vào chính vụ, khoảng tháng 6-7, sấu có giá từ 30.000-40.000 đồng/kg.
Giá thanh long tăng cao
Hơn 1 tháng nay, giá thanh long tại nhiều vùng trồng ở Tiền Giang, Long An, Bình Thuận đang neo ở mức cao.
Anh Lê Dương, một thương lái thu mua thanh long tại Bình Thuận cho biết trên Báo Pháp Luật TP.HCM, giá thu mua trong ngày 10/5 đối với thanh long ruột trắng từ 20.000-23.00 đồng/kg đối với hàng loại 1 (tùy vựa) và 15.000-18.000 đồng/kg đối với hàng loại 2. Đối với thanh long ruột đỏ, giá thu mua ở mức 37.000-40.000 đồng/kg loại 1.
Theo anh Dương, mức giá này đã cao hơn nhiều so với hồi tháng 3 và cao hơn 20% so với hồi đầu năm.
Nguyên nhân chính khiến giá thanh long tăng do nguồn hàng trong nước không nhiều trong khi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc cao.
Tiệm vàng ngừng bán, dân mua bán vàng sang tay ngay ngoài đường
Trưa 11/5, sau khi cửa hàng vàng ngừng bán, bên lề đường xuất hiện cảnh người dân mua bán vàng “sang tay” tấp nập như mua rau ngoài chợ, bất chấp rủi ro về chất lượng.
Theo đó, các “cò” tiếp cận khách ngay trước các cửa hàng vàng để chào bán vàng miếng và vàng nhẫn. Giá mua, bán theo thoả thuận của hai bên. Sau đó, khách mua chuyển khoản số tiền cần thanh toán cho “cò” và nhận vàng về mà không có bất cứ hoá đơn giấy tờ gì.
Nói về tình trạng mua, bán vàng “sang tay” ngay ngoài đường, chuyên giá kinh tế PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho hay: “Như vậy thì rủi ro quá lớn”. Ông Thịnh khuyến cáo, mọi người cần cẩn trọng hơn với hoạt động giao dịch kiểu này. Bởi công nghệ làm vàng giả, vàng nhái bây giờ cũng rất tinh vi. Khi mua, bán không kiểm tra kỹ dễ gặp rủi ro. (Xem chi tiết)
Nước mía, nước dừa tươi tăng giá mạnh
Nhu cầu dừa uống nước và nước mía mỗi ngày của người dân tăng cao đã thúc đẩy giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Ông Cao Bá Đăng Khoa, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, thông tin trên Pháp Luật TP.HCM, so với quý I/2024, giá dừa uống nước hiện tăng hơn 30%, lên khoảng 8.000-10.000 đồng/trái. Giá dừa nguyên liệu (dừa khô) cũng tăng khoảng 40%, lên mức 60.000-65.000 đồng/chục đối với thương lái thu mua và 75.000-85.000 đồng/chục đối với nhà máy thu mua.
Cùng với dừa, mía cũng tăng giá. Tại một vựa mía trên đường Nguyễn Văn Công (Gò Vấp,TP.HCM) hơn 2 tuần nay đã dán bảng thông báo tăng giá nước mía từ 15.000 đồng/lít lên 18.000 đồng/lít do giá nguyên liệu tăng cao. Đồng thời, giá bán nước mía theo ly tăng từ 9.000 đồng lên 10.000 đồng mỗi ly.
Giá thịt lợn tăng mạnh, các ‘ông lớn’ ồ ạt tăng đàn
Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy, giá lợn hơi bình quân tại khu vực miền Bắc tháng 4/2024 tăng từ 2.500-5.000 đồng/kg so với tháng 3, dao động trong khoảng 56.000-61.000 đồng/kg tại Nam Định và Hưng Yên.
Hiện giá lợn hơi tại các địa phương dao động từ 61.000-65.000 đồng/kg.
Các “ông lớn” ngành chăn nuôi cũng đẩy mạnh tăng đàn, đặt mục tiêu lợi nhuận tăng cao, thậm chí gấp 3 lần do thịt lợn bán được giá cao. (Xem chi tiết)
Giá cà phê tiếp đà lao dốc, ‘bốc hơi’ gần 40.000 đồng/kg
Đà lao dốc của giá cà phê trên sàn giao dịch quốc tế và tại Việt Nam vẫn chưa ngừng lại. Ngày 8/5, tại thị trường nội địa, giá cà phê nhân cũng tiếp đà giảm mạnh, xuống còn 95.000-96.000 đồng/kg.
Tính từ đầu tháng 5 đến nay, giá cà phê từ đỉnh 134.400 đồng rơi xuống còn 95.700 đồng/kg, tức “bốc hơi” gần 39.000 đồng, tương đương giảm 28,5%.
Theo các chuyên gia, giá cà phê lao dốc trong những ngày qua do điều tiết theo thị trường thế giới. Ngoài ra, tại thủ phủ cà phê Tây Nguyên, “mưa vàng” đã xuất hiện khiến tâm lý mất mùa được giải tỏa. (Xem chi tiết)
Yến sào xuất khẩu chính ngạch sang Pháp
Tiếp nối thành công xuất khẩu tổ yến sào sang thị trường Trung Quốc vào cuối năm 2023, theo VTV, một công ty ở Nha Trang vừa có lô hàng đầu tiên đặt chân đến thị trường Pháp vào cuối tháng 4/2024. Đây là lô hàng yến sào đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Pháp.
Bộ NN-PTNT cho biết, hiện cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến với trên 22 nghìn nhà yến. Sản lượng tổ yến của Việt Nam khoảng 150 tấn. Liên tiếp từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh các đơn hàng xuất khẩu cũng như tăng cường liên kết, đầu tư với người dân để phát triển đàn chim yến.