Giá xăng dầu trong nước hôm nay 26/8
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 21/8 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng được điều chỉnh tăng, dầu giảm nhẹ.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng lên mức 23.330 đồng/lít. Giá xăng RON95 lên 24.600 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel giảm xuống mức 22.350 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng lên mức 22.309 đồng/lít. Giá dầu mazut tăng lên 17.981 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 21/8 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 24.600 | + 610 |
Xăng E5 RON 92-II | 23.330 | + 510 |
Dầu diesel | 22.350 | -70 |
Dầu hỏa | 22.300 | + 420 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 26/8
Giá xăng dầu hôm nay 26/8 trên thị trường thế giới tiếp đà tăng từ phiên trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h30' ngày 26/8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 84,48 USD/thùng, tăng 1,12 USD, tương đương 1,34% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 79,83 USD/thùng, tăng 0,78 USD, tương đương 0,99% so với phiên liền trước.
Hôm 25/8, giá xăng dầu thế giới quay đầu đi lên sau khi giảm liên tiếp từ đầu tuần.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 10h02' ngày 25/8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent ở mức 83,61 USD/thùng, tăng 0,25 USD, tương đương 0,3% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 79,3 USD/thùng, tăng 0,25 USD, tương đương 0,32% so với phiên liền trước.
Đến 20h33' ngày 25/8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 84,36 USD/thùng, tăng 1 USD, tương đương 1,2% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 80,01 USD/thùng, tăng 0,96 USD, tương đương 1,21% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu tăng sau khi có thông tin về lượng dầu khí dự trữ giảm ở châu Âu lấn át lo ngại về nguồn cung.
Giá dầu đi lên sau khi công ty tư vấn Insights Global, Hà Lan công bố báo cáo cho thấy dữ liệu tồn kho dầu diesel được lưu giữ tại kho lưu trữ độc lập tại trung tâm lưu trữ và lọc dầu Amsterdam-Rotterdam-Antwerp của châu Âu đã giảm 3% trong tuần gần nhất. Điều này đã giúp nâng giá dầu thô.
Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích nhận định Saudi Arabia có thể sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến tháng 10, trong bối cảnh quốc gia này đặt mục tiêu giảm thêm lượng hàng tồn kho toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện đã có một vài tín hiệu phục hồi nguồn cung.
Các cuộc đàm phán về xuất khẩu dầu thô giữa Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền Khu tự trị người Kurd ở Iraq vẫn đang diễn ra sau khi hai bên không đạt được thỏa thuận xuất khẩu dầu vào đầu tuần này.
Truyền thông Iran dẫn lời bộ trưởng dầu mỏ của nước này cho biết bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn được áp dụng, sản lượng dầu thô của Iran ước đạt 3,4 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 9.
Theo một số nguồn tin, các quan chức Mỹ đang soạn thảo một đề xuất nhằm giảm bớt các lệnh trừng phạt đối với Venezuela, cho phép nước này xuất khẩu nhiều dầu hơn nếu Venezuela có thể tiến hành một cuộc bầu cử tổng thống tự do và công bằng.
Nguồn cung bổ sung từ một số nước như Iran, Iraq hay Venezuela được kỳ vọng có thể bù đắp sự thiếu hụt sản lượng dầu trên thị trường.
Các thông tin này đã xoa dịu một phần lo ngại về nguồn cung thắt chặt - vốn đóng vai trò hỗ trợ giá dầu.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tại Hội nghị Jackson Hole về lộ trình lãi suất sắp tới. Nếu Fed tiếp tục phát đi các tín hiệu ưu tiên chống lạm phát, giá USD tăng sẽ gây sức ép cho giá dầu. Còn trong trường hợp Chủ tịch Fed tỏ thái độ ôn hoà, đồng USD suy yếu có thể khiến giá dầu phục hồi nhẹ.