Giá xăng dầu trong nước hôm nay 6/4/2024
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 6/4 được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 4/4 của liên bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu được điều hành theo hướng giảm giá xăng RON 95 còn xăng E5 RON 92 và các mặt hàng dầu đều tăng.
Cụ thể, giá xăng RON 95 giảm về mức 24.800 đồng/lít.
Trái lại, giá xăng E5 tăng lên mức 23.910 đồng/lít.
Giá dầu diesel cũng được điều chỉnh tăng lên mức 20.980 đồng/lít. Giá dầu hoả tăng lên 21.010 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 4/4 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 24.800 | - 10 |
Xăng E5 RON 92-II | 23.910 | + 290 |
Dầu diesel | 20.980 | + 290 |
Dầu hỏa | 21.010 | + 140 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 6/4/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 6/4 vẫn tiếp tục đà đi lên. Giá dầu Brent đã vượt mốc 91 USD/thùng.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 8h12' ngày 6/4 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 91,17 USD/thùng, tăng 0,52 USD, tương đương 0,57% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 86,91 USD/thùng, tăng 0,32 USD, tương đương 0,37% so với phiên liền trước.
Giá dầu thế giới đã có chuỗi tăng 5 ngày liên tiếp. Ngày 5/4, giá dầu Brent đã chính thức vượt mốc 90 USD/thùng. Cả hai loại dầu chuẩn đều tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2023.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 21h11' ngày 5/4 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 90,81 USD/thùng, tăng 0,22 USD, tương đương 0,24% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 86,63 USD/thùng, tăng 0,04 USD, tương đương 0,05% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu tiếp tục nhận được sự hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông và rủi ro nguồn cung tiềm ẩn.
Giá dầu tăng vọt trước những lo ngại về căng thẳng địa chính trị tại châu Âu và khu vực Trung Đông.
Căng thẳng tại khu vực Trung Đông có nguy cơ mở rộng, sau khi có thông tin cho rằng các đại sứ quán Israel trên khắp thế giới đang ở trong tình trạng báo động cao do xung đột với Iran.
Iran đã thề sẽ trả thù Israel vì vụ tấn công hồi đầu tuần này khiến các quan chức quân sự cấp cao của Iran thiệt mạng. Iran là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Trong khi đó, một quan chức thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 4/4 cho hay cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine tiếp diễn có thể làm gián đoạn hơn 15% công suất của Nga, ảnh hưởng đến sản lượng nhiên liệu của nước này.
Bên cạnh đó, những yếu tố như xu hướng các nhà sản xuất lớn tiếp tục cắt giảm sản lượng và dấu hiệu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn ở Mỹ cũng thúc đẩy đà tăng giá của “vàng đen”.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh do Nga dẫn đầu (được gọi là OPEC+) đã quyết định giữ nguyên sản lượng dầu và kêu gọi một số nước tuân thủ lộ trình cắt giảm sản lượng.
Các nhà phân tích của Ngân hàng ANZ cho biết, việc tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng sẽ khiến sản lượng dầu tiếp tục giảm trong quý II.
Theo Reuters, sự tăng giá gần đây của dầu xuất phát từ việc cắt giảm nguồn cung nhiên liệu từ Nga sau khi các nhà máy lọc dầu của nước này liên tục là mục tiêu tấn công của máy bay không người lái.