Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Trị đã tiếp nhận thông tin, tổng hợp danh sách từ ủy ban nhân dân các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh và huyện đảo Cồn Cỏ báo cáo tình trạng thiếu nước ngọt và nước sạch.
Hiện tại, cả 5 địa phương kể trên đều vẫn còn những khu vực thiếu nước ngọt, nước sạch. Trong đó, huyện Hướng Hóa và Đakrông là hai địa phương có nhiều thôn vùng khó thiếu nước ngọt, nước sạch nhất.
Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Hướng Hóa có 94 thôn thuộc 14 xã khu vực III; 5 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 4 xã gồm: Tân Hợp, Tân Lập, Tân Long, Tân Thành và thị trấn Khe Sanh đang thiếu nước ngọt, nước sạch.
Còn tại huyện Đakrông, hiện tại có 56 thôn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đang thiếu nước ngọt, nước sạch. Trong đó có 55 thôn thuộc 10 xã khu vực III và 1 thôn đặc biệt khó khăn nằm trên địa bàn xã Ba Lòng.
Cũng theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Trị, thì huyện Gio Linh còn 9 thôn thuộc xã Linh Trường, là xã khu vực III đang thiếu nước ngọt, nước sạch. Huyện Vĩnh Linh có 6 thôn thuộc 2 xã khu vực II và 2 thôn đặc biệt khó khăn nằm trên địa bàn xã Vĩnh Hà thiếu nước ngọt và nước sạch.
Tỉnh Quảng Trị xác định, phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vừa là nhiệm vụ trước mắt vừa mang tính chiến lược lâu dài. Do đó, địa phương này sẽ rà soát, nghiên cứu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững.
Tỉnh ưu tiên nguồn vốn cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất với quy trình áp dụng thống nhất trong các dự án, tiểu dự án của chương trình để không trùng lặp giữa các hoạt động, nội dung đầu tư cũng như đối tượng thụ hưởng. Tỉnh Quảng Trị cũng đặt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4-5%/năm.
Khánh Vy