Tờ The Sydney Morning Herald đưa tin, một số trường đại học và cao đẳng công lập và tư thục Australia đã hủy bỏ nhiều đề nghị tuyển sinh sinh viên quốc tế khi các tổ chức giáo dục này đang gấp rút bảo vệ xếp hạng rủi ro (risk ratings) của mình sau lệnh cấm thị thực của chính phủ liên bang.

Cụ thể, các trường công lập của bang New South Wales như Đại học Western Sydney, Đại học Macquarie và Đại học Wollongong hay trường tư thục Kinh doanh Kaplan đã gửi email hủy nhập học hoặc yêu cầu sinh viên rút tên hoặc hoãn nhập học.

Tại bang Victoria, các sinh viên và đại lý du học kết nối với Đại học La Trobe, Đại học Central Queensland và Đại học Edith Cowan ở Perth đã nhận được những email tương tự. Trong khi đó, Đại học Deakin gửi email đến các đại lý du học bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ từ chối cấp thị thực cao, đồng thời đề nghị gia hạn thời hạn hoàn trả phí nếu họ chọn rút đơn xin cấp thị thực.

hinh 2.png
Ít nhất 8 đại học công và tư Australia đã hủy một số thư mời nhập học với sinh viên quốc tế, trong bối cảnh chính phủ siết thị thực du học để giảm người nhập cư.

Chủ yếu ảnh hưởng sinh viên khối Nam Á

Một số trường cho rằng họ đang bị ảnh hưởng một cách không công bằng bởi những cải cách di cư khi chính phủ muốn cắt giảm lượng đầu vào bằng cách đặt ra những bài kiểm tra khó hơn cho du học sinh.

Tỷ lệ từ chối cấp thị thực cho sinh viên quốc tế đã đạt mức cao kỷ lục sau khi chính phủ Australia tháng 12/2023 công bố chiến lược di cư mới, áp đặt các bài kiểm tra tiếng Anh tiêu chuẩn cao và yêu cầu họ chứng minh họ là sinh viên thực sự.

Người đứng đầu Hiệp hội Giáo dục Quốc tế Úc Phil Honeywood cho biết, rõ ràng đã có những vấn đề nảy sinh liên quan đến chiến lược di cư mới. “Các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục hiện đang kêu gọi chính phủ làm rõ về mức độ mà họ đang bị ảnh hưởng không công bằng bởi quy trình xử lý thị thực sinh viên mới”.

Được biết, các trường đại học Australia được xếp hạng rủi ro (risk ratings) – cấp độ 1 là mức độ rủi ro thấp nhất và 3 là cao nhất - dựa trên thực trạng việc tuyển sinh viên làm việc thay vì học tập. Trong đó, du học sinh vào những trường nhóm 1 sẽ được ưu tiên khi nộp đơn. Với các trường ở mức 2 và 3, việc xử lý đơn xin cấp thị thực sẽ chậm hơn, yêu cầu chứng minh thêm một số thông tin như khả năng tiếng Anh và tài chính.

Nhóm cấp độ 1: Đại học Quốc gia Australia, Canberra, Australian Catholic, Macquarie, Western Sydney, New South Wales, Sydney, Công nghệ Sydney, Bond, Griffith, Công nghệ Queensland, Queensland, Nam Australia, Sunshine Coast, Adelaide, Deakin, Monash, RMIT, Công nghệ Swinburne, Melbourne, Curtin, Murdoch, Notre Dame Australia, Western Australia WA.

Nhóm cấp độ 2: Đại học Charles Sturt, Southern Cross, Wollongong, New England, Newcastle, Charles Darwin, Central Queensland, James Cook, Southern Queensland, Flinders, Torrens, Tasmania, Latrobe, Victoria, Edith Cowan.

Nhóm cấp độ 3: Đại học Liên bang Australia.

Nhóm 8 trường đại học vừa rút thư mời nhập học đều nằm trong top đầu, trong khi Đại học Liên bang ở Victoria là trường đại học duy nhất được xếp hạng 3, khiến đây trở thành trường đại học rủi ro nhất khi cho sinh viên quốc tế nhập cảnh vào Australia để làm việc thay vì học tập.

Tỷ lệ từ chối cấp thị thực cao thì đại học đó sẽ xếp hạng rủi ro cao. Các trường này được khuyến khích hủy tuyển sinh trước khi đơn xin cấp thị thực được xử lý.

Cải cách được cho chủ yếu ảnh hưởng đến sinh viên từ Ấn Độ, Nepal và Pakistan, những người được coi là có nguy cơ bị từ chối thị thực cao. Tỷ lệ từ chối thị thực thấp hơn đối với sinh viên Trung Quốc- những người được coi là có nguy cơ ở lại nước này sau khi học tập thấp hơn. Trong nửa cuối năm 2023, tỷ lệ đậu thị thực của du học sinh Pakistan giảm 37%, Ấn Độ 39% và Nepal 52%.

Mức độ di cư quá cao, sẽ đưa về mức trước đại dịch 

Đại học Macquarie được cho là đã liên hệ với những sinh viên nhận được xác nhận đăng ký để sắp xếp các cuộc phỏng vấn, nhưng sau đó lại hủy một số cuộc hẹn này. 

Trong khi đó, trường Kinh doanh Kaplan (KBS) đã viết thư cho sinh viên, nói rằng họ có thể không còn đáp ứng các tiêu chí xin thị thực của chính phủ nữa.

“Thật không may, do những thay đổi quan trọng và gần đây trong cách chính phủ Australia đánh giá đơn xin thị thực du học, KBS không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rút lại lời đề nghị học tại KBS của bạn và trường sẽ có hành động ngay lập tức để hủy bỏ xác nhận nhập học của bạn”.

Đại học Wollongong đã yêu cầu một số sinh viên rút hoặc hủy đăng ký, cho biết họ hoan nghênh các quy định nghiêm ngặt của Bộ Nội vụ để đảm bảo chỉ những sinh viên chân chính mới được vào Australia học tập.

 “Việc giám sát kết quả thị thực của Bộ Nội vụ gần đây đã xác định nguy cơ gia tăng đối với các đơn đăng ký không chính đáng và Bộ đang điều chỉnh các quy trình liên quan đến việc nhập học và quy trình sàng lọc người nhập cảnh tạm thời thực sự để giải quyết vấn đề này”, một phát ngôn viên của trường cho biết.

Đại học New South Wales, Đại học Sydney và Đại học Công nghệ Sydney đều xác nhận họ không có động thái hủy tuyển sinh quốc tế. Tuy nhiên, một số sinh viên của họ bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ của thị thực. Người phát ngôn của Đại học Sydney cho biết mặc dù trường chưa hủy bất kỳ tuyển sinh nào nhưng vẫn có những sinh viên vẫn đang chờ kết quả thị thực.

Giám đốc điều hành Hội đồng Giáo dục Đại học Độc lập Australia, ông Troy Williams, cho biết chính phủ đang đe dọa hàng nghìn việc làm của Australia trong cách tiếp cận giáo dục quốc tế. “Australia từ lâu đã là điểm đến học tập được lựa chọn cho những sinh viên đang tìm kiếm một nền giáo dục quốc tế chất lượng cao, nhưng có vẻ như Chính phủ đang muốn chấm dứt điều này bằng cách sử dụng một cách tiếp cận hạn chế không cần thiết trong quá trình xử lý thị thực cho sinh viên quốc tế”.

Bộ trưởng Nội vụ Clare O’Neil cho biết việc thay đổi là rất khó khăn nhưng chính phủ sẽ làm việc với các nhà cung cấp để giúp họ điều hướng hệ thống mới.

“Sự di cư quá cao. Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng. Chúng tôi đang đưa hoạt động di cư trở lại mức trước đại dịch và việc áp dụng tính liêm chính phù hợp đối với các đơn xin thị thực du học là rất quan trọng để thực hiện được điều đó”, bà nói.

Tử Huy