Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình và qua kiểm tra thực tế, tuyến kè Đông Minh đoạn từ K21+100 đến K21+200 đê biển 6, huyện Tiền Hải (mái kè là mái đê) xảy ra sự cố sạt lở phía chân kè.

Vị trí cung sạt ăn sâu vào chân kè, làm xô nghiêng các ống buy hộ chân và tiếp tục có xu hướng mở rộng thêm, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của đê biển 6. 

Huyện Tiền Hải đang huy động nhân lực, phương tiện nhanh chóng xử lý, khắc phục sự cố. Ảnh: Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.

Để đảm bảo an toàn, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị UBND tỉnh Thái Bình khẩn trương chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức cắm biển cảnh báo sự cố, hướng dẫn giao thông không cho xe cơ giới đi vào khu vực đê theo quy định.

Đồng thời, khảo sát, đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân, biện pháp và huy động mọi nguồn lực để xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở nêu trên, đảm bảo ổn định lâu dài cho tuyến đê.

Tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố và tình hình thời tiết để kịp thời xử lý các tình huống bất lợi có thể xảy ra.

Xác định đoạn đê khu vực xảy ra sự cố sạt lở là trọng điểm xung yếu để xây dựng, phê duyệt và triển khai ngay trên thực tế phương án bảo vệ trọng điểm.

Cũng liên quan đến nội dung trên, chiều 23/6, đoàn công tác của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai do ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng làm trưởng đoàn đã trực tiếp kiểm tra sự cố sạt lở tuyến đê biển 6.

Đoàn công tác của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai kiểm tra sự cố sạt lở tuyến đê biển 6. Ảnh: Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.

Đoàn công tác đã đi kiểm tra, thực địa tại các điểm sạt lở và nhận định, đây là sự cố nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của đê biển 6. Ông Phạm Đức Luận ghi nhận tinh thần chủ động ứng phó sự cố của địa phương.