Thực tế cho thấy cây cà phê xứ lạnh rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa bàn nhiều xã trong huyện. Quá trình phát triển mở rộng diện tích cây cà phê xứ lạnh của địa phương cũng khá luận lợi. Với thu nhập vượt trội so với cây mì, cây lúa, cây cà phê xứ lạnh đang giúp người dân với chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số Xơ Đăng có thêm thu nhập.

Tuy nhiên, hiện nay, đa số các vườn cà phê ở Kon Tum có quy mô nhỏ lẻ, ít được đầu tư chăm sóc, năng suất thấp. Trong 2.800ha đang cho thu hoạch, năng suất bình quân chỉ đạt 13,4 tạ cà phê nhân/ha. Nhiều hộ dân còn thu hái quả xanh dẫn đến chất lượng chưa đảm bảo…

Để biến tiềm năng thành thế mạnh của các vùng miền (Dự án 3) trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Kon Tum sẽ hình thành các vùng trồng cà phê xứ lạnh tập trung với quy mô lớn; tuyển lựa các loại giống mới phù hợp; tuyên truyền, hướng dẫn để người dân nắm vững, tuân thủ quy trình kỹ thuật từ khâu chăm sóc đến thu hoạch; đẩy mạnh mô hình liên kết giữa người dân với các Hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn các huyện: Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông theo hướng hiện đại, bền vững, hình thành chuỗi giá trị, gắn với thương hiệu “Cà phê xứ lạnh Kon Tum”, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và các tổ chức tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm,...

W-anhminhhoa.png
Thanh niên Kon Tum thoát nghèo với "cà phê xứ lạnh" (ảnh minh hoạ)

Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quy trình canh tác, cải tạo, phục hồi và phát triển diện tích vườn cây đạt 5.000 ha. Trong đó, khoảng 80% diện tích trồng theo mô hình cà phê sinh cảnh, cà phê sinh thái, cà phê tuần hoàn và cà phê hữu cơ; năng suất cà phê nhân đạt bình quân 18,5 tạ/ha; nâng cao tỷ lệ thu hoạch cà phê chín trên 80%; hình thành ít nhất 03 chuỗi giá trị cà phê chè gắn với phát triển thương hiệu “Cà phê xử lạnh Kon Tum”; giá trị sản lượng bình quân trên 80 triệu/ha.

Còn đến năm 2030, tỉnh sẽ tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh; phát triển diện tích vườn cây đạt 7.000 ha. Trong đó, khoảng 2.000 ha liên kết sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, có chứng nhận chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn (UTZ Certify, 4C, Rainforest Alian và VietGAP...); thu hút đầu tư xây dựng ít nhất 01 nhà máy chế biến sâu; nâng năng suất cà phê nhân đạt 20 tạ/ha; giá trị sản lượng bình quân 100 triệu/ha; phấn đấu 100% các hộ sản xuất tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã.

Để từng bước triển khai các mục tiêu này, tỉnh Kom Tum đã ban hành Đề án Khôi phục và phát triển cây cà phê xứ lạnh tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, đến năm 2025, các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei xây dựng ít nhất 1 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê chè trên địa bàn với "hạt nhân" là các hợp tác xã (trong đó thành viên các hợp tác xã bao gồm người DTTS), doanh nghiệp là "trụ cột".

Định hướng trên địa bàn mỗi huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei có từ 0,5-1% diện tích cà phê chè được sản xuất theo hướng hữu cơ. Mỗi huyện hình thành ít nhất 01 vườn giống để cung ứng kịp thời nhu cầu của nhân dân.

Xây dựng ít nhất 3 sản phẩm OCOP từ nguồn gốc cà phê xứ lạnh Kon Tum đã qua chế biến, đồng thời gắn thương hiệu của các sản phẩm OCOP với khai thác nhãn hiệu cà phê xứ lạnh Kon Tum. Các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei: mỗi địa phương hình thành ít nhất 1 cơ sở sơ chế, chế biến cà phê chè.

Tiếp theo đó sẽ phát triển, mở rộng vùng sản xuất cà phê chè trên địa bàn các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei và các khu vực phù hợp; nâng cao năng suất lên 20 tạ/ha; hình thành các khu, vùng sản xuất cà phê đặc sản gắn với nhãn hiệu Cà phê xứ lạnh Kon Tum.

Phấn đấu thu hút đầu tư xây dựng ít nhất 01 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ Cà phê xứ lạnh Kon Tum. Trên địa bàn mỗi huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei có từ 2-3% diện tích cà phê chè được sản xuất theo hướng hữu cơ.

Phấn đấu 100% các hộ sản xuất cà phê chè trên địa bàn các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông tham gia vào các liên kết sản xuất tiêu thụ, các tổ hợp tác, hợp tác xã.

Nhóm PV