Trong khuôn khổ lễ hội, diễn ra nhiều nghi lễ, hoạt động văn hóa đặc sắc như: Lễ trình cáo, tế lễ, lễ yên vị và dâng hương tại đền Bà Triệu, lăng mộ Bà Triệu trên núi Tùng, lăng mộ ba ông tướng họ Lý dưới chân núi Tùng, đền Đệ Tứ, miếu Bàn thề, đình làng Phú Điền (xã Triệu Lộc, Hậu Lộc); rước kiệu Bà, trình tấu Chúc văn trên đền Bà; các tiết mục nghệ thuật tái hiện cuộc khởi nghĩa Bà Triệu.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, đây là một sự kiện quan trọng thể hiện sự tri ân sâu sắc và lòng tự hào của các thế hệ hôm nay đối với các bậc tiền nhân, những người đã đóng góp to lớn trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.
Sự kiện này tăng cường giới thiệu và tôn vinh giá trị di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Tại buổi lễ, ông Nông Quốc Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản - Bộ VH-TTDL đã trao chứng nhận danh hiệu di sản phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu cho đại diện tỉnh Thanh Hóa.
Theo sử sách ghi lại, Bà Triệu, tức Triệu Thị Trinh, sinh ngày 2/10, năm Bính Ngọ (226). Bà mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ở với anh là Triệu Quốc Đạt, một hào trưởng ở Quan Yên.
Năm 20 tuổi, Triệu Thị Trinh cùng anh trai chiêu mộ tráng sĩ dấy binh khởi nghĩa. Sức mạnh của nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, khiến quân giặc khiếp sợ. Tuy nhiên, Triệu Quốc Đạt lại lâm bệnh qua đời, Triệu Thị Trinh được tôn làm chủ tướng.
Thấy vậy, quân Ngô cử 8.000 quân hùng mạnh cùng nhiều viên tướng giàu kinh nghiệm trận mạc sang đàn áp nghĩa quân. Do lực lượng quá chênh lệch, nghĩa quân của nữ tướng xứ Thanh thất bại. Bà Triệu tuẫn tiết tại núi Tùng (Hậu Lộc) vào ngày 22/2, năm Mậu Thìn (248).
Để tưởng nhớ công lao của bà, nhân dân địa phương đã lập đền thờ bà trên núi Gai.