“Hôm em đi vào hôm hơi mưa, nó khá hợp với không khí trong đấy, em vừa đi vừa quay và vừa chụp lại vì Nhà tù Hỏa Lò thì em rất thích phần thuyết minh bằng âm thanh, mình đi đến đâu mình có thể nghe audio đã thu sẵn, mình có thể nghe đến đấy. Và đến đấy thì mình mới thấy là cái giá để làm nên lịch sử nó quá đắt!”
Đó chính là chia sẻ của bạn Nguyễn Nhật Linh - 18 tuổi, thí sinh đạt điểm cao nhất lọt vào cuộc thi tháng đầu tiên quý 1 Đường lên đỉnh Olympia 2021 về chuyến trải nghiệm di tích Nhà tù Hỏa Lò với niềm đam mê và yêu thích với lịch sử. Không chỉ riêng Nhật Linh mà rất nhiều các bạn trẻ hiện nay cũng đang dần thay đổi suy nghĩ của mình về lịch sử. Nếu như trước đây lịch sử chỉ đơn giản là môn học khô khan, nhàm chán, khó nhớ, khó học thì giờ đây các bạn trẻ lại tìm ra rất nhiều cách để tìm hiểu về lịch sử một cách không gượng ép. Một trong số những cách mà các bạn trẻ hiện nay đang làm để “kéo” lịch sử lại gần hơn đó chính là trải nghiệm các bảo tàng, các di tích lịch sử.
Nhiều lý do hấp dẫn các bạn trẻ tham quan các di tích, các bảo tàng lịch sử
Chia sẻ về lý do lựa chọn trải nghiệm các bảo tàng, di tích lịch sử, bạn Thu Hằng (sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: “Mình thường thăm quan các bảo tàng lịch sử một phần là do thích không khí ở bảo tàng, đến đây thì cảm giác như đang được sống lại trong không khí hào hùng của từng giai đoạn lịch sử của đất nước”
Tham gia trải nghiệm các bảo tàng, di tích lịch sử thông qua các bài viết trên mạng xã hội nhưng càng trải nghiệm lại càng mong muốn trở lại để khám phá những điều mới hơn là lý do được bạn Linh Chi (Thanh Trì, Hà Nội) đưa ra: “Khi ngắm nhìn các hiện vật mình phần nào có thể hiểu được cuộc sống của cha ông ta thời trước, những công trình kiến trúc cổ ấy đưa mình về với các thời kỳ lịch sử Việt Nam”.
Giữa cái nắng chói chang của thủ đô những ngày đầu hạ, từng dòng người vẫn tìm về Lăng Bác để được vào Lăng viếng Bác vào ngày thật đặc biệt - kỉ niệm 133 năm ngày sinh của Người. Lăng Bác vẫn luôn là địa điểm mang tính chất lịch sử, được nhiều người đến thăm bởi ở nơi đây có người cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Và điều đặc biệt hơn là khi những người con miền Nam ra Bắc để được thăm Bác bởi ngày Người đi xa miền Nam vẫn chưa giải phóng, nỗi lòng của những người con miền Nam vẫn day dứt khôn nguôi. Từng có cơ hội đến thăm Lăng Bác, bạn Hà Yến Nhi - một người con miền Nam chia sẻ những tình cảm đầy xúc động: “Lần đầu tiên mình thăm Lăng Bác là năm mình học năm nhất, lúc đó mình mới ra Hà Nội. Khi mình bước vào Lăng Bác mình ấn tượng và choáng ngợp với sự trang nghiêm ở nơi đây. Điều đặc biệt mình ấn tượng nhất là mọi người lúc này có thể đang tập thể dục, có thể trò chuyện với nhau, làm việc riêng gì đó nhưng khi có hiệu lệnh chuẩn bị chào cờ là mọi người đều bỏ việc riêng của mình, không khí hào hùng đó khiến mình cảm thấy rất tự hào khi mình là một phần trong không gian ấy, và tự hào hơn nữa vì mình là một người Việt Nam”.
Tham quan các di tích, các bảo tàng lịch sử mang lại nhiều lợi ích cho người trẻ
Tham quan và trải nghiệm những bảo tàng, di tích lịch sử giờ đây không chỉ là đi theo trào lưu thịnh hành trên mạng xã hội mà việc làm này còn mang lại rất nhiều những lợi ích cho các bạn trẻ.
Đi để thêm hiểu, thêm yêu và học thêm nhiều điều mới là những điều đúc kết được sau mỗi chuyến đi của bạn Linh Chi: “Mình thật sự choáng ngợp với không gian ở các bảo tàng, mình được học thêm nhiều điều mới và có ảnh đẹp chụp tại các bảo tàng”
Không chỉ đơn giản là một buổi đi chơi mà đi cũng là cách để Thu Hằng có thể tự học thêm về lịch sử nước nhà thay vì xem các tài liệu khô khan, khó nhớ: “Những buổi thăm quan không chỉ là một buổi đi chơi của mình mà còn cho mình rất nhiều kiến thức, nhiều bài học. Quan trọng hơn là có thể hiểu rõ lịch sử đất nước qua các hiện vật thay vì mình ở nhà đọc các tài liệu khá khô khan thì đến bảo tàng hay các di tích lịch sử để xem và nghe thuyết minh trực tiếp thì sẽ dễ hiểu và dễ tiếp thu hơn rất nhiều”
Thăm bảo tàng tưởng chừng như chỉ là thú vui của những bác, những cô, những chú trung niên muốn tìm về những miền kí ức xưa cũ nhưng giờ đây thăm bảo tàng lại là cách những người trẻ thể hiện tình yêu và lòng biết ơn đối với những thế hệ cha anh đi trước và cũng là một cách để chữa lành tâm hồn giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống. Hòa bình mà chúng ta đang sống chính là sự đánh đổi tuổi xuân của biết bao anh hùng, để thêm khắc ghi những giá trị của người đã mất để lại cho những đang sống, như trong “Lá thư gửi những người đang sống” của 3 chiến sĩ thuộc Trung đoàn Bình Giã có đoạn: “Thời gian không chờ chúng tôi nữa, chúng tôi đã cảm thấy sắp đến giờ phải từ giã cõi đời này rồi. Trước khi ra đi thư phải được bảo quản cẩn thận để tránh thời gian mưa nắng phũ phàng. Thư phải về với tay những người đang sống...”
Lịch sử đang hiện ra sống động, gần gũi nhất trong mỗi chuyến đi của người trẻ. Từng bức ảnh, từng chia sẻ, từng trải nghiệm trong mỗi lần thăm quan các di tích lịch sử, các bảo tàng cũng là cách mà người trẻ “kéo” lịch sử lại gần hơn, giúp người trẻ thể hiện tình yêu và niềm tự hào của mình về lịch sử hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông, về dòng máu đỏ và màu da vàng. Người trẻ có thể không tham gia vào cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc nhưng người trẻ lại chính là thế hệ tương lai xây dựng đất nước thêm vững bền, việc tự hào về lịch sử dân tộc hôm nay cũng làm sâu sắc thêm tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” mà cha ông đã để lại.
Bảo Yến